Cẩn trọng trước thông tin trên mạng xã hội:

Lời kết tội không cáo trạng!

Thứ Hai, 23/12/2019 14:21

|

(CATP) Sự phát triển thần tốc của Internet cùng việc bùng nổ các thiết bị di động cầm tay giúp thông tin trên mạng xã hội lan tỏa mạnh mẽ, tạo ra sức ảnh hưởng, tác động to lớn đến toàn xã hội.

Tuy nhiên, có những “cơn bão mạng” thông tin xấu, để lại nhiều dư chấn khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng. Tình trạng sử dụng sức ảnh hưởng của bản thân trên không gian mạng nhằm dẫn dắt dư luận, hướng đến cái nhìn tiêu cực tới một cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức nào đó, trong khi chưa có đầy đủ chứng cứ xác thực cũng giống như hình thức tuyên án mà không cần cáo trạng.

Sụp hố trước “tin bẩn”

Vừa qua, những tin đồn thiếu căn cứ về chất lượng sản phẩm của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên nhiều trang mạng xã hội, khiến hình ảnh của một thương hiệu sữa quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề.

Vụ việc này xuất hiện, tạo cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng, dàn dựng, tung thông tin “ảo” dẫn dắt dư luận, gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Vấn đề mà Vinamilk vướng phải đang trở thành thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp trong nước, trước mối nguy do “tin bẩn” gây ra. Chưa có thống kê đầy đủ được đưa ra về những thiệt hại mà doanh nghiệp này phải gánh chịu sau sự cố không mong muốn trên.

Trước khi vướng phải tin đồn nhập khẩu bột sữa gầy để phục vụ sản xuất sữa tươi, Vinamilk cũng từng vướng phải tin đồn thất thiệt về việc gắn “mác” châu Âu cho những nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Vào thời điểm thông tin vô căn cứ trên được đăng tải, cộng đồng mạng và dư luận xã hội lại một phen đứng ngồi không yên. Thậm chí nhiều nhân vật có ảnh hưởng trên không gian mạng còn tự lập ra các chiến dịch truyền thông nhằm chỉa “mũi dùi” về phía Vinamilk, đòi tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp này. Nhưng nếu tỉnh táo suy xét, kiểm chứng, thông tin trên được chia sẻ trên cộng đồng mạng vào thời điểm đó là hoàn toàn phi lý.

Thạc sĩ kinh tế Nguyễn Tuấn Mạnh (chuyên gia nghiên cứu thị trường) phân tích: Bản chất sâu xa của tin đồn trên nhằm mục đích quy kết chất lượng sữa của Vinamilk kém chất lượng. Và thế là kéo theo một “màn kịch” về việc Vinamilk cố tình xóa nhãn mác Trung Quốc đối với những lô nguyên liệu nhập khẩu bằng cách đưa hàng sang châu Âu, dập nhãn mới trước khi cập bến về lại Việt Nam.

Xét trên khía cạnh kinh tế, việc “phù phép” xuất xứ này không những không sinh ra lợi nhuận, mà còn làm công ty phải “cõng” thêm vô vàn chi phí khác như: thuế quan, vận chuyển… “Mặt khác, nếu đã được nhập khẩu vào thị trường khó tính này (châu Âu - PV) thì chắc chắn chất lượng của nguồn nguyên liệu đó không có gì để ta phải suy nghĩ” - Ông Mạnh nói.

Nhiều thông tin đồn đoán về chất lượng sữa của Vinamilk không có căn cứ được phát tán trên mạng xã hội

Đứng trước những tin đồn đang bủa vây, đại diện của Vinamilk cho biết, những điều mà doanh nghiệp này đã và đang thực hiện thời gian qua chính là lời khẳng định đanh thép về chất lượng sản phẩm mà công ty đưa ra thị trường.

Liên quan đến thông tin sữa tươi Vinamilk đa phần được sản xuất từ bột sữa gầy (nguồn nguyên liệu được thông tin trên mạng xã hội là chuyên sử dụng trong… chăn nuôi gia súc), đây rõ ràng là những thông tin mang tính phiến diện, sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong nội dung thông cáo phát đi ngay sau khi có những thông tin thiếu chính xác lan truyền trên mạng xã hội, Vinamilk cho biết để sản xuất các sản phẩm sữa bột (trẻ em và người lớn), bột dinh dưỡng, ngoài việc sử dụng các nguyên liệu trong nước, Vinamilk đồng thời thực hiện việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

“Nguyên liệu sữa được Vinamilk nhập khẩu để sản xuất sữa bột đều có xuất xứ, nguồn gốc từ các nước: Mỹ, Australia, New Zealand, EU và Nhật Bản” - Vinamilk nói trong thông cáo.

Vinamilk đã và đang đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu để phục vụ sản xuất các sản phẩm sữa tươi. Công ty này đang có 12 trang trại bò sữa, hợp tác và ký hợp đồng trực tiếp với gần 6.000 hộ chăn nuôi bò sữa, quản lý gần 130.000 con bò, với sản lượng sữa tươi nguyên liệu bình quân từ 950 - 1.000 tấn/ngày...

Sản phẩm của Vinamilk trên thị trường

“Tất cả các sản phẩm sữa tươi của Vinamilk đều được sản xuất từ 100% sữa tươi nguyên liệu, bảo đảm tuân thủ quy định tại Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành” - Vinamilk cho biết. Đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ kết luận nào của cơ quan chức năng cho thấy sản phẩm của Vinamilk có chất lượng kém.

Ngoài vụ Vinamilk trở thành nạn nhân, cách đây không lâu, truyền thông từng một phen “sụp hố” trước thông tin nhiều mẫu nước mắm truyền thống có hợp chất Asen (hợp chất có thể gây ung thư cho người dùng), thổi bùng lên làn sóng dữ dội.

Dư luận hoang mang, lo sợ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đứng trược một cuộc tẩy chay ở mức độ lớn và có khả năng phải gánh chịu thiệt hại hết sức nặng nề.

May thay, sự vào cuộc kịp thời của các chuyên gia cũng như những cơ quan chức năng đã dập tắt các luồng thông tin sai lệch trên, vì Asen trong nước mắm truyền thống là loại hữu cơ, không gây hại, trong khi Asen vô cơ mới có khả năng gây ung thư.

Thông tin “ảo”, nỗi lo thật!

Vu khống vô căn cứ, bắt nạt tập thể, bạo hành tinh thần... là những vấn đề đáng báo động đang diễn ra trên mạng xã hội hiện nay. Gần như 100% những thông tin tiêu cực dạng này đều núp dưới chiêu bài vì cộng đồng, vì xã hội, nhưng không loại trừ đứng phía sau chính là những đối thủ kinh doanh muốn loại trừ nhau, dùng chiêu trò cạnh tranh “bẩn”, “ném đá giấu tay” để hạ bệ nhau.

Câu chuyện về một hãng dầu gội trong nước từng bị cáo buộc sản phẩm có chứa chất Ketoconazole tiếp tục gây xôn xao dư luận. Lần này, nạn nhân chính là Công ty Dầu gội dược liệu Thái Dương (gọi tắt là Công ty Thái Dương). Sự việc gây chú ý của truyền thông.

Sản phẩm của Công ty Dầu gội dược liệu Thái Dương từng bị mang tiếng xấu vì tin đồn thất thiệt

Sau những cáo buộc này, cơ quan y tế tỉnh Hà Nam nhanh chóng vào cuộc và có các kết luận “giải oan” cho sản phẩm dầu gội dược liệu Thái Dương. Theo đó, hợp chất Ketoconazole được chứng minh hoàn toàn an toàn cho người sử dụng, các thành phần chính của sản phẩm này cũng đảm bảo yếu tố thiên nhiên như tên gọi.

Chuyện về những doanh nghiệp phải “chết yểu” vì trở thành nạn nhân của những thông tin đồn đoán, thiếu căn cứ không còn là vấn đề mới. Truyền thông và tốc độ loan tin chóng mặt từ các trang mạng xã hội đã góp phần không nhỏ vào sự “bức tử” các doanh nghiệp vô tội này.

Doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân đều có thể vô tình trở thành mục tiêu của những kẻ “ném đá giấu tay” tấn công trên không gian mạng. Họ phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, uất ức vì rơi vào cảnh “người ngay gặp ách giữa đàng”.

Luật sư Vũ Phi Long - nguyên Phó chánh tòa Hình sự TAND TPHCM

Xét về góc độ pháp luật, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… không hề “ảo” vì nó tồn tại thật sự, từ đó mới sinh ra những hệ quả tốt hoặc xấu mà trong pháp luật gọi là “dữ liệu điện tử”. Cách đây vài năm, chúng ta gọi “ảo” là đúng, nhưng bây giờ các dữ liệu đó đã được xem là chứng cứ.

Chứng cứ đó có thể được áp dụng trong pháp luật để xem xét, truy cứu trách nhiệm của những người sử dụng mạng xã hội, nếu họ xâm hại đến các quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi trên mạng xã hội không chỉ giới hạn trên không gian số, mà còn có sức ảnh hưởng lớn đến ngoài xã hội thực. Nói cách khác, lời thì “ảo” nhưng hệ quả lại thật.

* Đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi xúi giục, kích động trên mạng xã hội dẫn đến vi phạm pháp luật, Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, Điểm e Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng đã quy định về “xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội”.

Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác (Điều 155) hoặc tội vu khống (Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015, đã sử đổi, bổ sung năm 2017).

* Nghiên cứu hơn 126.000 tin đồn và tin giả xuất hiện trên mạng, một học viện công nghệ của Mỹ nhận thấy rằng, tin bịa đặt lan truyền nhanh hơn tin thật, được đăng tải nhiều hơn. Lý do là tin giả “nóng” hơn, chủ đề phổ biến là chính trị, tiếp đó là tin liên quan đến kinh tế, khủng bố, khoa học, thiên tai…

Người dùng mạng bị tính chất giật gân của tin bịa đặt chi phối mà không quan tâm tới việc chúng có bao nhiêu phần trăm sự thật, hay không có một tí sự thật nào. Do chúng ta đang sống trong thời đại bão hòa thông tin nên tin tức càng độc, lạ, rùng rợn, bạo lực càng thu hút người dùng mạng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang