Giá tiền ảo vượt đỉnh - tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thứ Hai, 11/01/2021 11:08

|

(CATP) Sự tăng giá đột biến của BTC kết hợp với tình hình kinh tế khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 trong cả năm 2020, khiến tiền ảo và các hình thức giao dịch trở thành từ khóa "hot" trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội. Đây cũng là điều từng xảy ra trong năm 2017, khi mà cơn sốt Bitcoin góp phần tạo nên những cú lừa như vụ 15 ngàn tỷ của iFan, Pincoin, sự sụp đổ của mô hình cho vay coin lấy lãi 30-40%/tháng của Bitconnect (BCC).

BONG BÓNG BITCOIN

Giá BTC chính thức vượt trên 40.000 USD từ tối 8-1 và hiện vẫn duy trì được mức kỷ lục. Đến 15 giờ ngày 10-1, mỗi đồng Bitcoin hiện được giao dịch ở mức 40.700 USD, tăng thêm hơn 18% chỉ sau 7 ngày. Với mức giá này, Bitcoin hiện tăng gấp đôi so với mức giá cao nhất của giai đoạn cuối năm 2017. Tại Việt Nam, một trong những sàn giao dịch tiền ảo được nhiều người sử dụng là Remitano hiện niêm yết giá Bitcoin tương đương 967 triệu đồng/BTC (bán ra), hơn 950 triệu đồng/BTC (mua vào).

Dù được dự báo khá khả quan, tuy nhiên nhiều chuyên gia về tài chính nhanh chóng cảnh báo các nhà đầu tư mới rằng sau một thời gian dài liên tục tăng, giá BTC có thể sắp bước vào một đợt điều chỉnh lớn để về đúng giá trị thật. "Dù giá Bitcoin có thể còn lên cao hơn nữa trong thời gian dài, nhà đầu tư không nên kỳ vọng đây là một sự đi lên thẳng tắp.

Ở Việt Nam, tiền ảo nói chung và các loại tiền như Bitcoin, Litecoin... nói riêng vẫn không được công nhận và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo là hành vi bị cấm và sẽ bị xử phạt theo quy định Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung). Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư vào tiền ảo khi loại hình này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.

Thực tế cho thấy Bitcoin không phải là một đồng tiền kỳ diệu, nó vẫn chịu sức ép từ thị trường chứ không miễn nhiễm với sự sụt giá. Trước đây có nhiều lần giá Bitcoin sụt giảm nhanh chóng, thậm chí giảm tới 25% bất kỳ lúc nào một khi giới đầu tư lớn chốt lời", Giám đốc Gavin Smith Công ty tiền ảo Panxora Group cho biết.

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, chia sẻ: tiền ảo hiện được coi như một dạng "bong bóng" đầu tư, có khả năng đổ vỡ cao và ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường tài chính. Với việc một số dự án, công ty tiến hành huy động vốn thông qua phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng cũng kéo theo sự nở rộ của các loại tiền ảo đi cùng rủi ro tiềm ẩn về bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Sàn giao dịch tiền ảo Remitano tại Việt Nam

Giá trị của tiền ảo được phát hành để huy động vốn thường được tính dựa trên mức lợi nhuận bán lại của đồng tiền này trên thị trường, ít hoặc không phụ thuộc vào giá trị cơ bản hoặc lợi ích kinh tế thực sự do đồng tiền ảo này mang lại. Nhiều người không hiểu rõ điều này và đã để cho các đối tượng xấu trục lợi, phát triển các dự án đi kèm phát hành tiền ảo, kêu gọi nhà đầu tư tham gia để lừa đảo.

MUA TIỀN ẢO, MẤT TIỀN THẬT

Thời gian gần đây, do giá Bitcoin đang tăng chóng mặt, các hoạt động kinh doanh, giao dịch tiền ảo bắt đầu sôi động trở lại tại Việt Nam. Thị trường tiếp tục xuất hiện những đồng tiền ảo "rác", do những công ty lừa đảo tự tạo nên để kêu gọi vốn từ những nhà đầu tư. Rầm rộ nhất phải nói tới trường hợp MyAladdinz khi Bộ Công an xác định ứng dụng MyAladdinz có dấu hiệu huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp thông qua mạng internet. Dưới vỏ bọc là một trang thương mại điện tử mới thành lập, MyAladdinz cung cấp một nền tảng cho phép người tham gia bán hàng, hoặc mời người khác tham gia để nhận hoa hồng từ số tiền người này nạp vào hệ thống.

Loại "tiền tệ" mà ứng dụng này sử dụng để quy đổi từ tiền thật của người dùng được gọi là Gem hoặc Point. Cụ thể, khi tham gia hệ thống, người dùng phải nạp tiền tối thiểu 100 USD (1USD = 1 GEM), sau đó dùng GEM để mua hàng trên ứng dụng. Nếu mời thành công người khác tham gia, người dùng sẽ nhận được tối đa 80% số GEM mà họ nạp vào hệ thống.

Tháng 7-2020, Bộ Công an cũng đã đưa ra cảnh báo về việc trang web Winsbank.io có dấu hiệu huy động vốn trái phép thông qua hình thức phát hành tiền ảo, kinh doanh đa cấp trái phép. Theo đó, Winsbank lập ra một lộ trình phát triển, đưa ra rất nhiều lời "hứa hẹn" về tương lai của đồng tiền ảo WinCoin và giá cổ phiếu ESR. Cụ thể, hệ thống Winsbank "vẽ” ra con số lãi suất cố định lên đến 12%/năm cho nhà đầu tư, khi chỉ cần nạp tiền vào cổng thanh toán để mua tiền ảo và tham gia các gói đầu tư được vạch sẵn. WinCoin cũng hứa hẹn chi hoa hồng khi người chơi giới thiệu thành viên mới đầu tư vào hệ thống với mức chi trả lên tới 10 bậc.

Chưa hết, Winsbank còn tiếp tục cho ra mắt sàn giao dịch Wefinex và đang tích cực kêu gọi nhà đầu tư trong thời gian vừa qua. Wefinex được giới thiệu là một sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option), nhưng hoạt động tương tự như cá cược tài xỉu. Người chơi Wefinex dựa vào biến động giá Bitcoin và một số đồng tiền ảo khác để đặt cược giá lên hay xuống. Sau 30 giây, nếu giá Bitcoin lên hoặc xuống đúng như dự đoán thì người đặt được nhận 95% số tiền đặt cược. Ngược lại, người chơi sẽ mất toàn bộ số tiền đã đặt.

Winsbank - Wefinex liên tục dùng hình ảnh "đống tiền" để lôi kéo người tham gia

Trước đó, những vụ việc tự phát hành tiền ảo, lừa đảo để huy động vốn từng gây xôn xao dư luận trong thời gian rất dài. Cụ thể, như vụ iFan bị tố cáo lừa 15 ngàn tỷ đồng khiến nhiều người cả tin, trót bỏ cả tài sản vào đầu tư vì ham lợi nhuận lớn mà tan nhà nát cửa. Đứng đầu phát hành tiền ảo iFan được xác định là Công ty Modern Tech, với cam kết lợi nhuận cho nhà đầu tư thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng.

Khi được giới thiệu, iFan liên tục tổ chức nhiều sự kiện hoành tráng, PR trên báo chí khiến nhiều người tin tưởng, bỏ hàng ngàn USD vào để đầu tư. Ông Đ., một trong những nạn nhân của iFan nhớ lại: "Từ những ngày đầu huy động vốn vào tháng 10-2017, tôi vì quá mê muội đã đầu tư 2.000USD để mua iFan (giá lúc này do công ty tự đưa ra là 1.6 USD/coin). Đến tháng 12-2017, tôi được trả lãi thật nên tin tưởng, giới thiệu bạn bè vào rất nhiều. Bản thân tôi cũng đầu tư thêm 3.000USD nữa vào đây".

Theo ông Đ., nhà đầu tư chỉ nhận lãi đầy đủ được một lần duy nhất. Kể từ đầu năm 2018, iFan bắt đầu lộ bộ mặt thật khi không trả lãi nữa. Những ai thắc mắc hay phản đối vụ việc trong nhóm Facebook đều bị "đá” ra khỏi nhóm thảo luận. Sau nhiều tuần, khi mọi chuyện vỡ lở thì ông Đ. mới biết mình đã bị lừa.

ĐỔ XÔ MUA MÁY ĐÀO

Cũng vì giá Bitcoin tăng nhanh đến mức chóng mặt, thị trường máy đào Bitcoin chuyên dụng và loại dùng card đồ hoạ máy tính (VGA) cũng được nhiều người đổ xô săn lùng. Nếu như trước đây, giá cho mỗi chiếc máy đào tiền ảo chuyên dụng là khoảng 25-30 triệu đồng nhưng hiếm khi có người mua thì đến tháng 12-2020, giá những chiếc máy đào này tăng đến hơn 50%, tương đương 50-60 triệu đồng/máy (giá niêm yết) mà cũng không có hàng để bán. Các loại máy đào dùng VGA cũng trở nên hiếm hàng, khi "đầu nậu" liên tục săn lùng. Nhiều dàn máy sử dụng VGA đời mới, có giá lên đến vài trăm triệu đồng đến một tỉ đồng để đào Bitcoin liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội và được nhiều người tán thưởng nhiệt tình.

Máy đào Bitcoin được săn lùng trở lại

Theo một chuyên gia về đào tiền ảo, các dàn máy đào tiền ảo từ năm 2017 - 2018 vẫn có thể đáp ứng tương đối tốt nên nhiều người bắt đầu sử dụng trở lại. Thế nhưng do giá Bitcoin đã tăng quá cao nên nhiều người không ngần ngại bỏ ra tiền ra để nâng cấp máy cho công suất lớn hơn để kiếm lời nhiều hơn. Đại diện một hãng máy tính từ Đài Loan cho biết: "Các dòng card đồ họa trong năm qua rất khan hàng vì kinh tế đi xuống, nhu cầu người mua không cao nên được hãng nhập về rất hạn chế. Trong tháng 12, khi Bitcoin tăng giá, người dùng đổ xô tìm mua càng làm thị trường thiếu hụt trầm trọng.

Ông Trần Vĩnh Thuận, một người tham gia đào Bitcoin tại TPHCM chia sẻ, nghề đào tiền ảo không thể là nghề "thời vụ”, thấy Bitcoin tăng thì tham gia mà giảm lại bỏ vì rủi ro rất lớn. Một dàn máy chuyên dùng "cày" coin thường sử dụng từ 6 đến 8 chiếc VGA, tiêu tốn ít nhất 1.6 triệu tiền điện/tháng. Để có lời, bạn phải đầu tư ít nhất 10 dàn máy "đào" như vậy, vị chi là 16 triệu đồng tiền điện/tháng, chưa kể các chi phí khác như máy lạnh làm mát, bảo dưỡng, tiền internet... Trước đây, nhiều người vừa tham gia đã "méo mặt" phải bán tống bán tháo máy đào chỉ vì không chịu nổi các chi phí này.

Theo ông Thuận, một dàn máy "đào" Bitcoin thời điểm này có chỗ bán đến 80 triệu đồng/máy, đầu tư 10 máy thì cũng gần 1 tỉ đồng nên mọi người cần cân nhắc trước khi tham gia, tránh tiền mất hận mang. Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena TPHCM, để "đào" được Bitcoin, người dùng phải đầu tư nhiều dàn máy tính cực mạnh và phải tham gia vào mạng lưới, "cày" liên tục. Người dùng cần cân nhắc khi tham gia để tránh tốn kém, thiệt hại tiền tỉ mà có khi chẳng đào được gì.

Bình luận (0)

Lên đầu trang