23.000 tỷ đồng sẽ lấy ở đâu?

Thứ Năm, 08/06/2017 18:35  | Thanh Hoà

|

(CAO) Đây là câu hỏi của hầu hết các đại biểu Quốc hội khi thảo luận ở hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào chiều 8-6.

Cơ bản tán thành chủ trương này, song hầu hết các ý kiến đều băn khoăn về nguồn vốn để thực hiện, trong khi nợ công đang tăng cao.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự kiến kinh phí để hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần khoảng 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 mới chỉ bố trí được 5.000 tỷ đồng, tương ứng 21,7% yêu cầu.

Quốc hội thảo luận

Chính phủ cũng báo cáo, việc thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án là để thực hiện đồng bộ, hạn chế việc tăng chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những lần thu hồi sau, tránh tình trạng lấn chiếm đất Dự án, khiếu kiện liên quan đền bù đất đai; phần diện tích chưa sử dụng của Dự án thì giao Chính phủ có kế hoạch quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả, tránh tình trạng để đất hoang hóa.

Qua khảo sát và tiếp xúc trực tiếp với người dân vùng Dự án của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XIII, ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng như ý kiến của đại diện lãnh đạo Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam cho thấy, người dân cũng mong muốn thu hồi một lần để yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống tại nơi ở mới vì hiện nay việc sử dụng đất của người dân bị hạn chế, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng kéo dài trên 12 năm bởi quy hoạch của Dự án.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách còn rất khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng rất quan trọng, phải thực hiện trước và cần nguồn kinh phí rất lớn, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện, trong đó, lưu ý tính khả thi của các nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ, khấu trừ tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, phương án khai thác, tạo nguồn thu từ quỹ đất chưa sử dụng của Dự án; rà soát các nguồn lực cho đầu tư công, kể cả từ nguồn dự phòng đầu tư trung hạn 2016-2020.

Cho rằng tình hình kinh tế những năm tới còn rất khó khăn, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đề nghị Chính phủ phải có phương án thật cẩn thận, có giải trình rõ vấn đề này để Quốc hội yên tâm khi bấm nút thông qua. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) thì cho rằng con số trên 23.000 tỷ đồng thực hiện đề bù, giải phóng mặt bằng chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng, vì đây là tính theo giá đất năm 2017. Vì vậy, đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết 1 câu: “Trong thời gian thực hiện các cơ quan không được điều chỉnh bảng giá đất, giữ ổn định trong suốt thời gian đền bù, nhưng không quá 4 năm”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa giải trình tại phiên họp

Một số đại biểu thì băn khoăn việc đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ rất khó huy động vốn ODA, phải dùng ngân sách nhà nước để thực hiện, đồng nghĩa với việc sẽ dẫn đến nợ công tăng cao. Giơ biển tranh luận, đại biểu Phạm Minh Chính (Quảng Ninh) cho rằng, Chính phủ phải nghiên cứu trình Quốc hội xin cơ chế đặc thù để bồi thường đất; ngoài ra Chính phủ cũng phải tiết kiệm chi thường xuyên. Ông Chính tính toán, riêng năm 2017-2018, ta chỉ tiết kiệm chi thường xuyên 1% thôi đã có hơn 20.000 tỷ đồng. “Chỉ cần giảm biên chế, giảm đầu mối theo tinh thần Nghị quyết 39 là đủ tiết kiệm 1%/năm” - ông Chính đưa ra giải pháp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thì chỉ ra cách “lấy mỡ nó rán nó” khi cho rằng, khi sân bay Long Thành xây dựng xong tất yếu sẽ xuất hiện những khu đô thị lớn, trung tâm logistic lớn, đô thị vệ tinh như TP.HCM, hình thành đô thị Long Thành hiện đại. “Vậy mỗi hecta đất chúng ta bồi thường gần 5.000 tỷ đồng, nếu so với giá chuyển nhượng ở khu đô thị khác thì giá còn đắt hơn, nếu chúng ta đầu tư rồi khai thác từ các khu đô thị vệ tinh này thì có thể thu tiền từ đây. Nhiều cá nhân sẵn sàng bỏ tiền ra để đầu tư mà không cần ngân sách nhà nước” - đại biểu Cường cho biết.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết: Hiện nay dự án sân bay Long Thành được rất nhiều nhà đầu tư hết sức quan tâm. Dẫn ra nhiều sân bay như Đà Nẵng, Nha Trang, Vân Đồn được nhiều nhà đầu tư thực hiện (như sân bay Vân Đồn có 100% vốn các nhà đầu tư), ông Nghĩa cho biết với trần nợ công hiện nay, để thực hiện dự án sân bay Long Thành rất khó khăn, nên vốn nhà nước chỉ có giải phóng mặt bằng, mà theo tính toán cũng phải bỏ ra rất ít nên mong Quốc hội thông qua.

Bình luận (0)

Lên đầu trang