Hải chiến Gạc Ma 1988: Họ đã hy sinh vì Tổ quốc

Thứ Hai, 14/03/2016 09:29  | Xuân Hoài

|

(CAO) Đã 28 năm trôi qua kể từ trận “Hải chiến Trường Sa” 14-3-1988. 64 chiến sĩ- những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh tại đá Gạc Ma để giữ cho quê hương từng tấc đất. Chỉ còn 9 người sống sót trở về hôm nay để kể lại những ký ức bi hùng.

Giữ đá Gạc Ma đến hơi thở cuối cùng

Anh Dương Văn Dũng (SN 1966, quê Hòa Cường, Hải Châu, nay sống tại phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng), thuộc trung đoàn Công binh E83 là một trong số 9 người sống sót trở về từ trận chiến sinh tử ấy. Dù trải qua bao thăng trầm nhưng những ký ức ngày ấy vẫn đong đầy trong anh.

Anh Dũng và các chiến sĩ từng tham gia trận “Hải chiến Trường Sa” kể lại: ngày 13-3-1988, tàu HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125 được lệnh từ đảo Đá Đông nhanh chóng cơ động đến đóng giữ đá Len Đao trước 6 giờ ngày 14-3. Sau 29 tiếng hành quân, tàu HQ 605 đến Len Đao lúc 5 giờ sáng 14-3 và cắm cờ Việt Nam trên đá san hô này. Còn tàu HQ 604 và tàu HQ 505 được lệnh từ đảo Đá Lớn lúc 9 giờ ngày 13-3 đi về phía đá Gạc Ma và Cô Lin thực hiện nhiệm vụ đóng giữ các bãi đá này. Sau khi hai tàu Việt Nam thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ của Hải quân Trung Quốc từ đảo Huy Gô chạy về phía Gạc Ma, có lúc hai bên chỉ cách nhau 500m.

17 giờ ngày 13-3, tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ 604, dùng loa gọi sang, bắt ta rời khỏi đảo. Ta kiên trì neo giữ đảo thì bị các tàu hộ vệ và chiến hạm của Trung Quốc uy hiếp. Trước tình hình trên, tàu HQ 604 cùng lực lượng công binh đưa tàu áp sát chuyển vật liệu lên đá Gạc Ma, tiếp đó Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam và triển khai 4 tổ bảo vệ khu đá này. Trung Quốc điều thêm 2 tàu hộ vệ hạm đội được trang bị pháo 100mm, yêu cầu phía Việt Nam rút khỏi Gạc Ma.

Ban chỉ huy tàu HQ 604 họp nhận định: Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp thì bộ đội ta phải bình tĩnh xử lý, thực hiện theo phương án tác chiến đã đề ra, quyết tâm bảo vệ khu vực này. Ngày 14-3, tàu HQ 604 thả neo tại đá Gạc Ma, Lữ đoàn 146 phát hiện 4 chiếc tàu lớn của Trung Quốc tiến đến bất ngờ nổ súng đánh chiếm.

Chín chiến sĩ sống sót trở về trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988, chụp ảnh lưu niệm với bạn bè- Ảnh tư liệu

Bất chấp đạn bắn từ phía quân xâm lược, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã chiến đấu kiên cường bám trụ ở Gạc Ma. Trung Quốc dùng hai chiến hạm bắn pháo 100mm vào tàu HQ 604 làm tàu hỏng nặng. Hải quân Trung Quốc cho tàu xông về phía tàu Việt Nam. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy tàu sử dụng các loại súng tiểu liên AK47, trung liên RDP và B40, B41 đánh trả. Cán bộ chiến sĩ ta vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ đảo, bảo vệ lá cờ của Tổ quốc.

Lúc này Trung Quốc tiếp tục nã pháo làm tàu HQ 604 của Việt Nam hư hỏng nhiều chỗ và chìm dần xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, đồng chí Trần Đức Thông- Lữ đoàn phó- Lữ đoàn 146 cùng một số đồng chí ở trên tàu đã hy sinh ở khu vực đảo Gạc Ma. Lúc này, trên đảo có tổ 3 người gồm thiếu úy Trần Văn Phương và hai chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh dũng cảm chiến đấu bảo vệ đảo, bảo vệ lá cờ Tổ quốc.

Tại đá Cô Lin, lúc 6 giờ, tàu HQ 505 đã cắm được hai lá cờ. Khi thấy tàu HQ 604 chìm, tàu 505 được lệnh nhổ neo lao lên bãi. Bị địch phát hiện, tàu HQ 505 bị tấn công và bốc cháy lúc 8 giờ 15. Thủy thủ tàu HQ 505 dập lửa cứu tàu, bảo vệ đá Cô Lin và đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ 604 bị chìm gần đó.

Cả ngày 14-3, các chiến sĩ của ta kiên cường chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. 64 cán bộ, chiến sĩ dũng cảm hy sinh. Hầu hết các đồng chí còn lại bị thương, bị Trung Quốc đưa về nước làm tù binh sau này mới trao trả lại.

Anh Dương Văn Dũng kể lại những ký ức hào hùng trong trận hải chiến Gạc Ma - Ảnh: Xuân Hoài

Nói về những ngày hào hùng ấy, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh (SN 1966, quê Quảng Bình, hiện công tác tại Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5) cho biết, trong các đồng đội ngoan cường, anh mãi nhớ hình ảnh của thiếu úy Trần Văn Phương quấn lá cờ Tổ quốc và hô vang trước lúc hy sinh: “Thà hy sinh chứ không để mất đảo. Những giọt máu hồng của ta sẽ tô thắm cờ Tổ quốc không bao giờ phai”. Trong khi một số chiến sĩ vây quanh thành một “vòng tròn bất tử” để bảo vệ đảo, bảo vệ lá cờ Tổ quốc mặc cho quân Trung Quốc tấn công không khoan nhượng.

Sống sót kỳ diệu

Khi tàu Trung Quốc tấn công, anh Dương Văn Dũng đang đứng ở mũi tàu. Vừa chạy ra phía sau thì phía trước bị pháo Trung Quốc bắn cháy mũi tàu, mảnh đạn sượt qua tai. Anh Dũng nhảy xuống biển. Ngay cả khi nhiều người còn trôi nổi trên biển, quân Trung Quốc vẫn liên tục nã đạn xuống biển, ai trồi lên liền bị bắn hạ, máu loang đỏ cả một vùng biển.

Do trồi lên thì bị Trung Quốc bắn nên khi vừa trồi lên lấy hơi xong, anh liền phải ngụp lặn tiếp. Một lúc sau, anh Dũng gặp may mắn vớ được một thùng chưa lương khô (rỗng) đội ngay lên đầu rồi trồi lên để thở. Lính Trung Quốc tưởng thùng lương khô trôi lềnh bềnh nên không bắn. Anh Dũng cứ dập dềnh giữa biển, xung quanh là những đồng đội, người thì đã tử nạn chìm dần, người thì bị thương máu phun xối xả, chới với cầu cứu; người còn sống thì vớ lấy những thứ gì nổi là ôm lấy. Anh Dũng tiếp tục gặp may khi thấy thanh gỗ trôi trước mặt nên bơi tới vớ lấy và đu bám tìm kiếm sự sinh tồn.

Di ảnh của Liệt sĩ Trương Quốc Hùng- một trong những chiến sĩ tham gia trận chiến 

Không chỉ tàu HQ-604 bị bắn chìm, mà tại đá Len Đao và đá Cô Lin hai tàu khác của Việt Nam cũng bị chúng bắn, đó là tàu HQ-605 và HQ-505. Tàu HQ-605 bị bắn cháy, chìm; tàu HQ-505 tấp vào để giữ đảo cũng bị bắn cháy một phần. Khi lực lượng đến ứng cứu một số nạn nhân nhưng Trung Quốc vẫn cho tàu ngáng không cho lực lượng cứu hộ tiếp cận các chiến sĩ đang chơi vơi khi cái chết đang cận kề, và nhiều người không chịu được đã trút hơi thở cuối cùng rồi chìm xuống đại dương.

Anh Dũng bám trụ khúc gỗ hàng chục giờ liền trên biển, khoảng 18 giờ chiều, một chiếc tàu của Trung Quốc thả ca nô đi bắt những người còn sống sót về làm tù binh. Anh Dũng là một trong số chín người mà họ bắt đợt ấy. Trong đó anh Trần Văn Thống (quê Quảng Bình) sợ không qua khỏi, còn anh Đông, anh Miễn cũng bị thương rất nặng…

Sau hơn ba ngày đêm lênh đênh trên biển, chịu bao đói rét, không ăn uống, cuối cùng 9 người bị bắt làm tù binh được đưa về Trung Quốc. Sợ các anh chạy trốn, nhảy xuống biển nên họ cột hai người lại với nhau, còn một người thì cột vào cọc sắt trên tàu.

Khi đến nơi, ai bị thương thì điều trị tại bệnh viện, còn không bị thương thì bị giam trong phòng kín. Khoảng hơn nửa tháng sau mới thả ra khỏi phòng, nhưng vẫn chịu sự quản giáo của họ. Khoảng hơn một năm sau, Hội chữ thập đỏ thế giới tới thăm, các anh mới được viết thư về nhà, báo tin. Cũng từ đó, việc ăn uống của anh em được cải thiện hơn. Mấy năm sau mới trao trả về Việt Nam bằng đường bộ qua cửa khẩu ở Cao Bằng- Lạng Sơn.

Ở hậu phương, sau khi biết tin về trận “hải chiến” 1988, gia đình Dương Văn Dũng và nhiều gia đình khác dường như đã mất hết niềm hy vọng, niềm đau vô hạn cứ lớn dần lên khi tháng ngày trôi qua mà không thấy tung tích gì. Gia đình đã lập bàn thờ, lập mộ gió cho anh. Nhưng nào ngờ, hơn một năm sau thì họ nhận được thông tin: anh Dũng là một trong số chín người bị Trung Quốc bắt làm tù binh, còn sống. Một thời gian sau, anh Dũng cùng chín người bị bắt làm tù binh trở về.

Cả Hoà Cường- Đà Nẵng ngày hôm đó rợp tiếng cười nhưng cũng đong đầy nước mắt. Nước mắt hạnh phúc, hội ngộ của gia đình người thân anh Dũng, nhưng cũng có cả nước mắt, tiếc nuối vô vọng của những gia đình, người thân của những chiến sĩ khác không trở về...

(còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang