Hội thảo khoa học 'Giá trị bền vững của tác phẩm Đường Kách Mệnh với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị ở Đảng bộ TPHCM”

Thứ Tư, 30/08/2017 09:37  | Mai Hà

|

(CAO) Nhân kỷ niệm 90 năm ra đời tác phẩm “Đường Kách Mệnh” (1927 – 2017), ngày 30-8, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp Học viện Cán bộ TP tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Giá trị bền vững của tác phẩm Đường Kách Mệnh với việc thực hiện Chỉ thị số 05 – CT/TW của Bộ Chính trị ở Đảng bộ TPHCM”.

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Thân Thị Thư, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ TP; Huỳnh Văn Chúm, Phó trưởng ban Tuyên giáo thành ủy.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Trần Hoàng Ngân nêu rõ: “Đường cách mệnh” (“Đường Kách Mệnh” là tên tác phẩm nguyên gốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt) là tác phẩm tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925-1927.

Cuốn sách được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách năm 1927. Cuốn sách ra đời trong bối cảnh phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản các nước trên thế giới phát triển mạnh mẽ.

Ở trong nước, trong phong trào giải phóng dân tộc đã xuất hiện nhiều tổ chức yêu nước mang sắc màu chính trị khác nhau, song các tổ chức yêu nước này thiêu đường lối chính trị đứng đắn, thiếu tổ chức chặt chẽ như một đảng cách mạng khoa học, cho nên không đáp ứng được yêu cầu của lịch sử. Thực tiễn lịch sử đòi hỏi phải có một tổ chức mới, có đường lối đúng đắn, có tổ chức chặt chẽ thì mới lãnh đạo cách mạng đi đến thành công.

Ra đời trong bối cảnh đó, tác phẩm “Đường Kách mệnh” và vai trò như kim chỉ nam cho đường lối của cách mạng Việt Nam. Tinh thần xuyên suốt toàn bộ tác phẩm là vì độc lập tư do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, phải giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân ra khỏi ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa đế quốc.

Quang cảnh buổi hội thảo

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định, con đường cách mệnh của dân tộc đó là đi theo con đường cách mạng tháng Mười Nga, người chủ cách mệnh chính là công nông…

Tác phẩm cũng chỉ rõ những quan điểm cơ bản về phương pháp cách mạng Việt Nam trên cơ sở vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin và tổng kết kinh nghiệm cách mạng các nước, là tư liệu tham khảo đặc biệt quan trọng, cơ sở lý luận để Đảng ta xây dựng phương pháp cách mạng phù hợp với tình hình đất nước.

Đặc biệt, “Đường cách mệnh” đã trở thành một trong 5 tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Hội thảo, đã nghe một số đại biểu trình bày tham luận về giá trị bền vững của tác phẩm “Đường Kách mệnh”; sự ra đời của tác phẩm “Đường Kách mệnh” là yếu tố quan trọng quyết định sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam; “Đường Kách mệnh” với công tác xây dựng Đảng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong điều kiện hiện nay…

Hội thảo nhằm khẳng định những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Đường Kách Mệnh” đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và sự nghiệp xây dựng chỉnh đốn Đảng trong điều kiện hiện nay.

Thông qua hội thảo sẽ giúp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân TP tích cực thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 05 – CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang