Khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV

Thứ Năm, 20/10/2016 09:41  | Thái Dương

|

(CAO) 9h sáng 20-10, kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội trong phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, đại diện Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu sẽ phát biểu khai mạc kỳ họp.

Tiếp đó, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày báo cáo kinh tế-xã hội năm 2016 và kế hoạch năm 2017; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020…

Kỳ họp lần này, Quốc hội làm việc 26 ngày, từ 20/10 đến 23/11. Tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được Quốc hội chú trọng, chiếm khoảng 65% thời gian của kỳ họp, vì chương trình nghị sự của kỳ họp thứ nhất đã tập trung cho công tác nhân sự của Nhà nước.

Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam..., trong đó có báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường và bài học kinh nghiệm, các giải pháp để bảo vệ môi trường; báo cáo về tình hình biển Đông.

Quốc hội dành một ngày giám sát tối cao về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn.

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi); Luật Thủy lợi; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Du lịch (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Trước đó, vào 7h sáng, đoàn đại biểu Quốc hội vào Lăng đặt vòng hoa và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".

Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội bày tỏ lòng thành kính, lòng biết ơn vô hạn với Bác Hồ, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta; bày tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta.

Trước đó, tại phiên họp trù bị, các vị đại biểu Quốc hội cũng đã quyên góp ủng hộ đồng bào một số tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả do bão lũ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang