Liên quan đến việc đóng đường băng 25R/07L ở sân bay Tân Sơn Nhất

Thứ Tư, 15/07/2015 19:06  | Quang Hà - Duy Luân

|

(CAO) Theo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) để khắc phục hư hại trên đường cất hạ cánh 25R/07L, từ 0 giờ ngày 16-7 đến 23 giờ ngày 19-7-2015, cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ bắt đầu đóng cửa để sửa chữa.

Trao đổi với phóng viên Báo CATP trong chiều 15-7-2015, ông Lê Hồng Hà – Tổng giám đốc Jetstar Pacific – chia sẻ: "Trên thực tế thì trước đây sân bay TSN cũng đã có một đường băng phải đóng cửa để sửa chữa nên các bộ phận của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã có phương án cho việc này. Cùng với sự phối hợp của các hãng hàng không thì việc đóng cửa cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các hãng.

Đến nay thì Jetstar Pacific cũng như các hãng bay khác cũng đã điều chỉnh lịch bay. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Jetstar Pacific vẫn thực hiện 64-66 chuyến bay. Trên thực tế việc sét đánh vào đường băng cũng rất bình thường vì địa hình trống trải, đôi khi sét cũng đánh cả trên đường quốc lộ".

Công tác sửa chữa tại hiện trường vụ sét đánh tại đường cất hạ cánh 25R/07L đang được gấp rút tiến hành 

Bà Nguyễn Thị Thúy Bình – Phó tổng giám đốc VietjetAir cho biết, Vietjet sẽ điều chỉnh lịch khai thác của một số chuyến bay của hãng trong giai đoạn đường băng đóng cửa.

Lịch bay điều chỉnh sẽ được thông báo đến khách hàng trước giờ bay. Đảm bảo công tác khai thác vận hành tốt các chuyến bay trong trường hợp này, Vietjet đã lên kế hoạch bổ sung lượng nhiên liệu dự trữ cần thiết cho các tàu bay trong trường hợp phải bay vòng chờ hạ cánh trong trường hợp tắc nghẽn trên đường cất hạ cánh tại các sân bay.

Trao đổi với chúng tôi nhân sự kiện này, ông Nguyễn Minh Giám - Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, người có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu giông, sét - cho biết, các biện pháp kỹ thuật không mang lại hy vọng loại trừ sấm sét một cách tuyệt đối.

Theo ông Giám, giông, sấm, chớp, sét thực chất là hiện tượng vật lý trong quá trình chuyển động của khí quyển, có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc tập trung thành những ổ dông. Với đặc tính của dông sét, mưa đá, tố lốc, vòi rồng tại khu vực Nam Bộ trong đó có thành phố Hồ Chí Minh hay xảy ra vào những ngày đầu mùa mưa và sau các đợt ít mưa kéo dài và bắt đầu mưa trở lại.

Có ba loại sét: sét đánh trực tiếp, sét đánh gián tiếp, sét cảm ứng. Sét đánh trực tiếp là sét đánh thẳng vào vị trí trên mặt đất, mặt đường quốc lộ, mặt đường băng sân bay và những nơi trống trải.

Đây là loại sét nguy hiểm nhất vì nó có thể gây thiệt hại nặng nề. Tia sét ngày 30-6 đánh xuống sân bay quốc tế TSN phá hỏng hơn 10m2 đường băng 25R-07L là tia sét điển hình đánh trực tiếp xuống địaa hình trống trải của sân bay.

Sét đánh gián tiếp là sét đánh vào đường dây điện thoại, đường dây tải điện cao thế hoặc hạ thế ở một nơi nào đó rồi theo đường dây truyền vào công trình làm hư hỏng thiết bị có kết nối với hệ thống trên.

Sét cảm ứng bao gồm cảm ứng tĩnh điện và cảm ứng điện từ, sét cảm ứng tĩnh điện thường chỉ nguy hiểm cho các công trình có chứa chất dễ cháy nổ như xăng dầu, khí đốt do tác động của phóng điện thứ cấp còn sét cảm ứng điện từ chỉ nguy hiểm đối với các thiết bị hiện đại dùng các linh kiện điện tử nhạy với xung điện trong các công trình bưu điện, viễn thông, phát thanh truyền hình…

Đến nay ngoài các biện pháp không công trình, các biện công trình với nhiều loại thiết bị khác nhau được sử dụng nhưng biện pháp kỹ thuật chỉ có thể làm hạn chế bớt thiệt hại và rủi ro do sét gây nên. Do đó việc phòng chống sét tuyệt đối là điều không thể đối với kỹ thuật hiện nay.

Để phục vụ cho việc sửa chữa này, Cục Hàng Không Việt Nam (HKVN) đã xây dựng phương án vận hành tàu bay, phương án đảm bảo an ninh, an toàn. Cục HKVN cũng yêu cầu các hãng hàng không khi lập kế hoạch bay đến CHKQT Tân Sơn Nhất trong thời gian đóng cửa đường CHC 25R/07L phải tính toán bổ sung lượng dầu dự trữ cần thiết trong trường hợp phải bay vòng chờ hạ cánh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang