Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XIV:

Luật về Hội còn nhiều trăn trở

Thứ Tư, 26/10/2016 12:47  | Ngọc Sơn - Thanh Hoà

|

(CAO) Dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch Uông Chu Lưu, ngày 25-10, QH thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật về hội. Theo đại biểu Dương Trung Quốc, đây là dự án Luật “được nâng lên đặt xuống nhiều nhất”.

Lo tiền “nuôi” Hội

Trước con số 14.000 tỷ đồng ngân sách phải bỏ ra “nuôi” các tổ chức hội, đoàn thể mỗi năm, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cho rằng, với thực tế tình hình hiện nay, việc trả lương cho các tổ chức hội sẽ gây bội chi ngân sách lớn. Nước ta đang ở trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế, do vậy việc giảm chi thường xuyên là nhiệm vụ hết sức quan trọng và bức thiết của nền kinh tế, cần tập trung chi vào những lĩnh vực quan trọng, mang lại tác động lớn hơn cho kinh tế - xã hội. Các hội phải có trách nhiệm cân đối, trang trải các khoản chi hoạt động của mình.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) phát biểu 

Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) đồng tình về chính sách của Nhà nước đối với hội tại Điều 7, nhưng kiến nghị phân ra ba loại: Hội do Đảng, Nhà nước có nhu cầu chỉ đạo thành lập, Hội được giao biên chế, kinh phí, Hội được giao hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao để có chính sách cụ thể. Tuy nhiên, tại Điểm 7 chưa thể hiện rõ, đầy đủ tinh thần giải thích này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mới chỉ quy định chung chung, tức là được hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao. “Việc quy định như thế này chúng tôi cũng không hiểu các tổ chức nào thì được Nhà nước giao, cơ chế giao ra sao” - ông Quyền phân vân.

Theo ông Quyền, khoản 4, Điều 7 có thể sửa lại như sau: Nhà nước hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện để hội thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao theo cơ chế: Đối với các hội được thành lập theo nhu cầu của Nhà nước. Kể cả hội đã được giao kinh phí hoạt động thì được Nhà nước hỗ trợ theo Luật ngân sách, căn cứ nhiệm vụ cụ thể do Nhà nước giao.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) lo ngại, nếu tiếp tục phân bổ ngân sách dàn trải thì sẽ không có tiền để tiếp tục hỗ trợ. ĐB Sinh cho rằng đã gọi là các hội thì phải hoạt động theo phí của các hội viên đóng góp, vì lợi ích, vì tôn chỉ mục đích của hội chứ ngân sách Nhà nước không thể mãi tài trợ được.

Còn theo đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), ngoài một số hội mang tính chất chính trị - xã hội đã quy định trong Hiến pháp được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, nên xác định về nguyên tắc, tổ chức hội nào được Nhà nước giao nhiệm vụ thì Nhà nước sẽ cấp kinh phí.

Ông Thắng cũng đề xuất không hạn chế quyền thành lập hội, mà cần tăng cường quản lý, để làm sao các hội hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đúng quy định pháp luật, không để xảy ra tình trạng như Hội bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) nhưng lại đi ngược lại lợi ích người tiêu dùng, không đúng tôn chỉ mục đích của hội như vừa qua.

Nên hay không liên kết với hội nước ngoài?

Không đồng tình với Điều 8: “Hội không liên kết gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) phản ánh, hiện nay hoạt động hội, rất nhiều tổ chức hội được các tổ chức nước ngoài hỗ trợ để nâng cao trình độ hội viên, gia nhập quốc tế, ngoại giao nhân dân... Có những hội lợi dụng việc này nhưng chúng ta đủ hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước, pháp luật để xử lý. “Nếu chúng ta ngăn chặn, trong luật những điều chúng ta không quản lý được thì tiếp tục ngăn chặn, điều này chúng tôi không đồng tình” - ông Sơn nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề an ninh trật tự xung quanh các hội, ĐB Đào Thanh Hải (Hà Nội) băn khoăn về quy định “các tổ chức xã hội, hành nghề Luật sư, hội đấu giá, hội công chức, hội hành nghề... không phải là đối tượng điều chỉnh của Luật về hội”. Theo đại biểu Hải, việc làm rõ đối tượng áp dụng về luật nhằm đảm bảo thống nhất tạo điều kiện cho công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự. Riêng 6 tổ chức chính trị - xã hội gồm MTTQ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không đưa vào luật này vì đã có pháp luật khác quy định.

Tuy nhiên, đại biểu Sơn băn khoăn: Với những tổ chức khác như liên minh hợp tác xã, liên hiệp hội khoa học nằm ở đâu, hệ thống chính sách như thế nào? Đại biểu Sơn đề xuất phạm vi điều chỉnh phải rộng hơn, với cả các cá nhân, tổ chức, các liên minh để thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân.

Đại tá Nguyễn Văn Dưỡng (PCT Hội đồng hương Quảng Bình tại TPHCM)

Việc tạo được khung pháp lý chặt chẽ, thấu tình hợp lý liên quan đến việc thành lập và hoạt động của hội là vấn đề người dân mong đợi. Khi Luật về hội là dự thảo và chưa được thông qua, thì trên thực tế, nhiều hội đã thành lập và hoạt động hiệu quả. Đó là tự nguyện, là tập hợp những con người có tiêu chí, mục đích tương đồng với nhau. Vậy nên dự thảo nên đi sâu, đi sát thực tiễn, tôn trọng quyền tự do dân chủ và công bằng trong các tổ chức tự nguyện.

Tôi đã đọc trong dự thảo, thấy một vấn đề là ngân sách Nhà nước sẽ cấp cho một số tổ chức, hiệp hội. Thiết nghĩ, việc này chỉ làm ngân sách lãng phí và tạo nên sự bất bình đẳng, hội hoạt động không hiệu quả. Nòng cốt và sức hút, sự lan tỏa của hội là uy tín do tổ chức đó xây dựng nên và tự nguyện đóng góp.

LS Trương Thị Hòa (Văn phòng luật sư TPHCM)

Tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định, công dân Việt Nam có quyền lập hội, có quyền hội họp; Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định, ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ. Quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Vì vậy, theo tôi, Quốc hội cần sớm thông qua Luật về hội để quyền lập hội của công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo đúng quy định của Hiến pháp và để những hạn chế về quyền lập hội (nếu có) vì mục đích quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội... phải được quy định rõ trong Luật về hội.

Ông Lê Hưng Quốc (Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM)

Trong bối cảnh hiện nay chúng ta không thể không có Luật hội bởi vì đã đến lúc Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong khi đó, một trong những tiêu chí mà quốc tế xem trọng đối với Việt Nam cũng như các nước có pháp quyền thì phải có luật rõ ràng về hội. Vì vậy, chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo, QH kỳ này phải đưa ra quyết định cuối cùng về việc cho ban hành Luật về hội.

Hiện Dự thảo Luật về hội còn nhiều mâu thuẫn, chưa sát thực tế, rất khó triển khai áp dụng... QH phải cân nhắc kỹ và chỉnh sửa cho hợp lý nhất trước khi thông qua.

Loan - Hà

Bình luận (0)

Lên đầu trang