Người dân vẫn không mặn mà với xe buýt

Thứ Bảy, 19/03/2016 13:17  | Linh Vũ

|

(CAO) Sáng 19-3, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TPHCM có buổi làm việc với UBND TPHCM và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM về báo cáo sơ kết hoạt động vận tải hành khách công cộng, trợ giá xe buýt và kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) giai đoạn 2016 - 2020.

Từ năm 2002, chương trình xe buýt có trợ giá ra đời với 32 doanh nghiệp vận tải (DNVT), đến năm 2015 còn 12 DNVT tham gia, trong đó có 1 DNNN, 1 công ty liên doanh, 1 công ty TNHH và 9 Hợp tác xã. Hệ thống luồng tuyến cũng tăng rõ rệt từ 97 tuyến năm 2002 (45 tuyến trợ giá, 52 tuyến không trợ giá) lên 136 tuyến năm 2015 (gồm 105 tuyến có trợ giá và 31 tuyến không trợ giá).

Hệ thống VTHKCC, khối lượng vận chuyển xe buýt tăng nhanh từ năm 2002 (36,18 triệu lượt) đến năm 2012 (413,14 triệu lượt). Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, khối lượng vận chuyển xe buýt giảm hằng năm, thống kê năm 2015 là 334,54 triệu lượt.

Vận tải xe buýt vẫn chưa thật sự đạt hiệu quả

Đến năm 2015, TPHCM có 2.786 xe buýt công cộng, 13 bến bãi chính do Trung tâm quản lý, 9 bãi kỹ thuật, 4 bãi liên tỉnh, 13 điểm đầu cuối tuyến do các doanh nghiệp quản lý, 43 điểm đầu cuối tuyến sử dụng tạm lòng lề đường, 4.154 vị trí trạm dừng, nhà chờ. Với hiện trạng cơ sở hạ tầng xe buýt như hiện nay, TP chỉ đạt khoảng 13,7% so với tiêu chí quy hoạch và phân bổ không đồng đều ở các quận, huyện.

Trong những năm qua, mặc dù chi phí và trợ giá đều tăng nhưng chỉ tiêu tỷ lệ trợ giá/chi phí có xu hướng giảm. Tỷ lệ trung bình của toàn bộ hệ thống giảm từ 68,1% (2002) xuống còn 34,4% (năm 2015). Riêng trong năm 2015, tỷ lệ trợ giá thấp nhất là 18% trên tuyến 20, cao nhất là 48,8% trên tuyến 35.

Tại buổi làm việc, các đại biểu HĐND TPHCM cũng nêu nhiều ý kiến với Sở GTVT TPHCM như: Việc thiết kế phần đường dành riêng cho xe buýt còn khả thi không với mật độ dân số TPHCM hiện nay; Việc xe buýt quá tải trở thành vấn đề được quan tâm khi các chuyến từ trung tâm TPHCM về ĐHQG ngày càng quá tải, sinh viên, người dân chen lấn dẫn đến nhiều hệ luỵ; Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc sử dụng vé giả; Nên chú ý đến vấn đề bảo dưỡng xe buýt, cải thiện chất lượng xe, phục vụ, bố trí các bến đỗ, nhà chờ hợp lý hơn; Vấn đề về nhu cầu sử dụng xe buýt ở huyện Cần Giờ là khá cao nhưng cung lại ít; Yêu cầu xe buýt phải “Đúng giờ - Tiện lợi - An toàn vẫn chưa thực hiện được...

Buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ: “Nói về vấn đề xe buýt TPHCM thì yếu tố cạnh tranh là không có. Để thúc đẩy cạnh tranh, chúng ta phải khuyến khích tối đa doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này. Sở GTVT phải tác động, tính toán để tái cấu trúc lại lực lượng vận chuyển theo hướng bài bản, hiệu quả và có tính cạnh tranh cao hơn. Có cung và phải có cầu, Sở phải bắt tay vào làm việc để tới 30-4-2016 đưa 2 tuyến xe buýt mới ở Cần Giờ vào hoạt động, phục vụ nhu cầu người dân. Bên cạnh đó, Sở GTVT phải nghiên cứu, đề xuất để phát hành thẻ thông minh cho người đi xe buýt. TP rất hoang nghênh việc Sở đưa vào sử dụng thẻ thông minh cho người đi xe buýt vào cuối năm nay 2016 để tiến đến nhân rộng”.

Tổng kết buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết: “HĐND ghi nhận những nỗ lực của Sở GTVT trong thời gian qua, khẳng định việc trợ giá cho người đi xe buýt là chính sách giải quyết hàng loạt vấn đề để xây dựng ý thức văn hoá giao thông công cộng, phát triển mô hình vận tải tốt đẹp. HĐND đề nghị Sở GTVT cần có tính toán qua sơ kết để từ đó đề xuất các giải pháp phát triển xe buýt, vận tải công cộng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Sở GTVT phải tìm ra nguyên nhân vì sao hành khách đi xe buýt những năm gần đây giảm, và khả năng sẽ tiếp tục giảm trong năm 2016. Mạng lưới tuyến, giờ giấc như thế nào để người dân yên tâm sử dụng xe buýt. Chúng ta phải có bước đi theo lộ trình, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phải tính những tuyến điểm, xem nó thành công gì, thất bại gì để giải quyết; Phải đa dạng các loại phương tiện, giờ nào chạy loại xe nào, cao điểm bao nhiêu chuyến, thấp điểm bao nhiêu...; Việc xã hội hoá bến bãi thế nào để các nhà đầu tư thấy lợi ích mà làm...

Chúng ta phải làm, làm quyết liệt thì vận tải xe buýt mới có hy vọng giữ được 1 triệu lượt hành khách/ngày trong thời gian tới. Chúng ta nói về việc cải thiện, nâng cao chất lương vậy tại sao người dân vẫn không mặn mà với xe buýt, chuyện đó phải tính, đặt lên hàng đầu".

Bình luận (2)

Xe buýt là phương tiện đi lại an toàn và tiện lợi nhất nếu: Văn hóa trên xe buýt được cải thiện, thái độ phục vụ ân cần và chu đáo, hai từ nhà xe hay chủ xe không nên dùng trong xe buýt. Làm sao cho người đi xe cảm thấy đây la dịch vụ công cộng của Nhà nước mang tính chất phục vụ. Ngăn chặn tệ nạn móc túi và lợi dụng xâm hai tình dục trên xe buýt thi người đi xe buýt sẽ đông thôi.

Hỏa Sơn - Thứ Bảy, 19/03/2016, 15:16 Trả lời | Thích

Còn lâu lắm mới được vậy bạn ơi! Cứ từ từ, bình tĩnh

Phan Cao - Thứ Bảy, 19/03/2016, 20:00 Trả lời | Thích
Lên đầu trang