Tổng Thanh tra Chính phủ lý giải việc khiếu nại, tố cáo tăng trong năm 2023

Thứ Tư, 11/10/2023 22:32

|

(CAO) Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, năm 2023, có hơn 390.000 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. So với năm 2022, con số này tăng 37,5%. Số đoàn đông người, số đơn khiếu nại, số đơn tố cáo đều tăng, lần lượt là 26,6%; 20,5%, 23,5%.

Trong khuôn khổ phiên họp thứ 27 diễn ra chiều 11/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.

Trình bày báo cáo này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, năm 2023, có hơn 390.000 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. So với năm 2022, con số này tăng 37,5%.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo

Số đoàn đông người, số đơn khiếu nại, số đơn tố cáo đều tăng, lần lượt là 26,6%; 20,5%, 23,5%.

Nêu ý kiến về việc này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, so với năm 2022, số lượt người, số vụ việc và đoàn đông người năm 2023 tăng mạnh. Ông đề nghị phân tích, làm rõ nguyên nhân vì sao lại tăng như vậy.

Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân vì sao đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng.

“Đâu là nguyên nhân? Cần tháo gỡ trong khâu tổ chức thực hiện, hay chấn chỉnh nhận thức pháp luật, hay cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, giải thích pháp luật ở địa phương” - ông Cường nêu vấn đề.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu ý kiến thảo luận

Giải trình sau đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân khiến khiếu nại, tố cáo năm 2023 tăng so với năm trước. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do năm 2022, có thời gian thực hiện phòng chống dịch COVID-19, nên người dân đến trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước để khiếu nại, tố có ít hơn năm 2023.

Cạnh đó, khi dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, nhiều dự án được đầu tư và triển khai.

“Để thực hiện các dự án đầu tư này phải thu hồi đất, giải phòng mặt bằng, dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo” – ông Phong lập luận.

Nguyên nhân nữa, theo ông Phong, từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023 đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh trên một số lĩnh vực như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo hiểm… có nhiều khó khăn, bất cập, thậm chí có tình trạng “đổ vỡ”, làm phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo.

“Chúng tôi được biết, hiện có nhiều tập đoàn lớn phát hành trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán, mà không thanh toán được, nên bắt đầu có khiếu nại, tố cáo” - Tổng Thanh tra phản ánh.

Quang cảnh phiên họp

Đề cập đến công tác tiếp dân, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo, Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp tục có chuyển biến tích cực, đa số đều nhận thức rõ về trách nhiệm tiếp công dân định kỳ.

Theo ông, phần lớn Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đã quan tâm và thực hiện tốt hơn việc tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Số liệu từ báo cáo cũng cho thấy, năm 2023, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp công dân 143 ngày (đạt 92% số ngày tiếp theo quy định) với 317 lượt công dân được tiếp, trong đó trực tiếp tiếp công dân 65 ngày, ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân 78 ngày, chiếm 55% tổng số ngày tiếp công dân đã thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân 793 ngày (đạt 112% số ngày tiếp theo quy định) với 6.749 lượt công dân được tiếp, trong đó trực tiếp tiếp công dân 708 ngày, ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân 169 ngày, chiếm 21% tổng số ngày tiếp công dân đã thực hiện.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến thẩm tra

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phản ánh, qua xem xét số liệu trong báo cáo cho thấy việc chấp hành quy định của pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh có chuyển biến tích cực.

Dù vậy, ông Tùng nói, việc thực hiện quy định về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa đạt yêu cầu (chỉ đạt 45%) và cũng mới chỉ đạt 92% số ngày tiếp theo quy định.

Vì lẽ này, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ lý do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ “tiếp ít, ủy quyền nhiều”.

Thảo luận sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị công khai thông tin các đơn vị nào mà người đứng đầu không trực tiếp tiếp công dân, kể cả cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành. Nội dung này, theo bà Nga, cần được công khai báo cáo Quốc hội.

“Nếu chúng ta có địa chỉ, công khai thì tình hình năm sau sẽ chuyển biến tích cực” – bà Nga nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thảo luận

Đồng tình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng cần bổ sung cụ thể cá nhân, cơ quan, đơn vị chưa trực tiếp tiếp công dân để xác định trách nhiệm, có chế tài xử lý thích hợp. Như thế, công tác tiếp dân ở các nơi đó, theo ông Mẫn, sẽ có chuyển biến.

“Thực tế có nhiều người đứng đầu địa phương “đúng là rất bận nhưng cũng không dành thời gian tiếp công dân theo quy định” - Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phản ánh.

Qua tiếp xúc cử tri ở các địa phương, ông Bùi Văn Cường cho biết đã nhận được nhiều phản ánh về việc Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chưa thực sự quan tâm đến việc tiếp công dân.

“Theo quy định, mỗi tháng người đứng đầu cấp uỷ tiếp công dân một lần nhưng không nhiều địa phương đảm bảo việc này. Chủ tịch UBND tỉnh cũng vậy, chủ yếu là giao cấp phó làm thay” – ông Cường thông tin.

Bình luận (0)

Lên đầu trang