Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng:

Di sản của Bác Tôn - bài học của người trẻ

Thứ Bảy, 18/08/2018 19:40

|

(CAO) Sáng 18-8-2018, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) và nhiều bạn trẻ khác được trò chuyện cùng bà Tôn Tuyết Dung (con gái nuôi Bác Tôn) và những người sưu tầm về Bác để hiểu hơn vị anh hùng của dân tộc.

Đó là một trong những chuỗi hoạt động của Sở Thông tin & Truyền thông TP, Công ty TNHH MTV Đường Sách TP, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Nhà xuất bản Tổng hợp TP và Trường ĐH Tôn Đức Thắng phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2018) và 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1988 – 20/8/2018), tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1).

Theo đó, với 92 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng cống hiến hết mình cho Đảng, cho nhân dân, cho dân tộc. Đặc biệt, giai đoạn 1906 – 1930, Tôn Đức Thắng là người công nhân tiêu biểu cho phong trào công nhân Sài Gòn – Gia Định.

Điều này thể hiện rõ qua việc Bác Tôn đã sáng lập Tổ chức Công hội nhằm tập hợp, đoàn kết công nhân để từng bước nâng cao nhận thức chính trị, giác ngộ giai cấp, giúp đội ngũ công nhân ngày một trưởng thành và trở thành người cộng sản chân chính.

Trong đó, nổi bật là những sự kiện như: cuộc bãi công của công nhân Ba Son và học sinh trường Bá Nghệ năm 1912, sự kiện kéo cờ phản chiến trên Biển Đen, cuộc bãi công của công nhân Ba Son tháng 8-1925…

Các bạn sinh viên đã được xem triển lãm sách và hình ảnh tiêu biểu giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đồng thời, những người trẻ còn có dịp trao đổi, giao lưu với bà Tôn Tuyết Dung (con gái nuôi của Bác Tôn), ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng và những người yêu quý Bác đã sưu tầm nhiều kỷ vật, tư liệu quý giá liên quan đến thân thế sự nghiệp Bác Tôn.

“Ba tôi là một người có tấm lòng rất bao dung, người nào có lòng yêu nước, đi theo cách mạng thì ông rất thương, giúp đỡ và đều nhận làm con hết. Tôi may mắn là người con được sống gắn bó với ông lâu nhất, từ năm 1946. Chính vì vậy, tôi học được rất nhiều điều từ ông. Là một người lãnh đạo nhưng ông luôn tranh thủ tự làm những việc nhỏ nhất. Thậm chí, khi tôi còn đi học, mỗi lần xe bị hư là lúc đem về nhà đều được ông chính tay lấy đồ nghề ra sửa giúp tôi”, bà Tôn Tuyết Dung nhớ lại.

Bà Tôn Tuyết Dung kể về những ngày tháng quý báu sống bên cạnh người ba vĩ đại

Sau vài giây xúc động nhớ về người cha vĩ đại, bà Dung tiếp lời: “Nếu xưa không gặp được ba thì tôi bây giờ có thể chỉ trở thành một người phụ nữ, người vợ nội trợ lo cho gia đình, cho chồng, cho con chứ không thể trở thành một nhà giáo, có thể đóng góp phần nào việc truyền dạy kiến thức cho thế hệ trẻ được”.

Từ ngày 18-8 đến 2-9-2018, tại đường sách Nguyễn Văn Bình sẽ triển lãm sách và ảnh tiêu biểu nhằm giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Đồng thời, trong khuôn khổ chương trình còn có nhiều hoạt động thú vị khác như: Tọa đàm với chủ đề: “Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ XX đến năm 1930”; Tọa đàm giới thiệu sách “Khi Tổ quốc gọi”; Đêm thơ nhạc Tôn Đức Thắng đều tổ chức tại đường sách Nguyễn Văn Bình.

Tại đây, các bạn trẻ cũng được nghe ông Trần Anh Tuấn chia sẻ về quá trình đi tìm, sưu tầm thêm những kỷ vật, di vật của Bác Tôn đưa về Bảo tàng để phục vụ người đến xem.

“Đến thời điểm này, tôi đã làm việc tại Bảo tàng khoảng 30 năm. Thời gian đầu, do Bảo tàng không có nhiều tư liệu như bây giờ, tôi cùng những đồng nghiệp khác đi đến nhiều nơi xa xôi hẻo lánh, tìm về những địa điểm mà Bác đã sinh sống và hoạt động cách mạng để sưu tầm thêm nhiều hiện vật có giá trị. Dù đi xa nhưng mỗi khi tìm thấy một kỷ vật liên quan đến Bác là anh em chúng tôi phấn khởi vô cùng”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn tự hào chia sẻ về hành trình tìm lại những kỷ vật của Bác Tôn

Đồng thời, ông Tuấn chia sẻ thêm, trong thời gian tới, Bảo tàng sẽ xây dựng việc trưng bày kỷ vật thành 5 nội dung chính để tóm tắt toàn bộ quá trình hoạt động của Bác Tôn. Cụ thể đó là: Thời niên thiếu; Từ người thợ đến lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn; 15 năm tù Côn Đảo; Hạt nhân đoàn kết; Vị Chủ tịch nước. “Khi phân bổ như vậy người xem có thể hình dung dễ dàng hơn về quá trình sống, hoạt động của Bác”, ông Tuấn nói.

Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP tặng hoa đến 2 khách mời
Các bạn trẻ tham quan triển lãm ảnh về Bác Tôn

Bình luận (0)

Lên đầu trang