Đồng chí Phạm Văn Chiêu với Đảng bộ và nhân dân Gia Định – TP.HCM

Thứ Bảy, 08/07/2017 13:40  | Mai Loan

|

(CAO) Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đồng chí Phạm Văn Chiêu (16/6/1097 - 16/6/2017, Thành ủy TP.HCM tổ chức Tọa Đàm khoa học “Đồng chí Phạm Văn Chiêu với Đảng bộ và Nhân dân Gia Định – TP.HCM” vào sáng 8-7.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP Tất Thành Cang phát biểu tại buổi tọa đàm 

Chủ trì buổi tọa đàm có các đồng chí Tất Thành Cang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM; Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP; Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các bậc lão thành cách mạng, các nhà khoa học và đại diện gia đình đồng chí Phạm Văn Chiêu.

Tọa đàm đã thu hút 80 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Mỗi bài viết là mỗi câu chuyện tự hào, xúc động về nhà cách mạng Phạm Văn Chiêu.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm, bà Thân Thị Thư cho biết, cuộc đời của đồng chí Phạm Văn Chiêu là cuộc đời của một nhà giáo yêu nước, nhà lãnh đạo, cách mạng sôi nổi và nhiệt huyết, đã lãnh đạo nhân dân quyết đánh, quyết thắng thực dân xâm lược. 

Đồng chí Thân Thị Thư phát biểu tại buổi tọa đàm

Sinh ra trong một gia đình nông dân yêu nước, đồng chí Phạm Văn Chiêu, nguyên Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Gia Định đã có tư tưởng tiến bộ và hoạt động yêu nước từ rất sớm. Tốt nghiệp Sư phạm Sài Gòn, ông đã truyền bá tư tưởng tiến bộ và tình yêu quê hương đất nước cho các lớp học sinh.

Một trong những dấu ấn đặc sắc của đồng chí Phạm Văn Chiêu là cùng Đảng bộ và nhân dân Gia Định tổ chức thành công Cách mạng Tháng tám, giành chính quyền về tay nhân dân, vào lúc 14 giờ ngày 25-8-1945. Trong 9 năm kháng chiến, ông đã cùng đồng bào viết nên những trang sử đẹp ở vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn - Gia Định anh hùng. Thời gian này, đồng chí được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Gia Định.

Các đại biểu tham luận tại buổi tọa đàm

Với những đóng góp tích cực, năm 1949, đồng chí Phạm Văn Chiêu được Nhà nước phong tặng Huân chương Độc lập và tặng phẩm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1950, Gia Định được Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ tặng giải nhất về du kích chiến tranh, kinh tế - tài chính, văn hóa – xã hội và được tuyên dương là tỉnh số 1 của Nam bộ.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở Ban Quan hệ Bắc Nam, rồi Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ ngoại giao… Sau ngày giải phóng ông trở về Nam, tham gia cùng Đảng bộ TP.HCM... Ở bất cứ vị trí, nhiệm vụ nào, đồng chí Phạm Văn Chiêu cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Nhân cách cao đẹp, tinh thần cách mạng trung kiên của nhà giáo, nhà cách mạng Phạm Văn Chiêu là tấm gương sáng về cuộc đời tận tụy với Đảng, với nhân dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang