Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ:

Liệt sĩ Huỳnh Văn Bánh - Người con cống hiến trọn đời cho Tổ quốc

Thứ Ba, 25/07/2017 09:26

|

(CAO) Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Tổ quốc đã ghi công hàng ngàn anh hùng liệt sĩ, thương binh đã ngã xuống hiến dâng máu xương để có nền độc lập, hòa bình cho đất nước hôm nay.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ, chúng tôi đã tìm gặp một số gia đình liệt sĩ, thương binh trong lực lượng công an TP.HCM để tìm hiểu về lý tưởng sống của người chiến sĩ công an nhân dân trong khói lửa chiến tranh và cả khi đất nước đã hòa bình, thống nhất...

Tại quận Phú Nhuận hiện nay có một con đường mang tên Huỳnh Văn Bánh. Tuy nhiên, khi tra tài liệu, thông tin về ông lại cực kỳ hiếm hoi. Qua dòng tiểu sử ngắn ngủi, khi biết liệt sĩ là cán bộ nòng cốt của Đảng, từng giữ trọng trách Phó Ban An ninh T4 (ANT4) - tiền thân của lực lượng CATP.Hồ Chí Minh ngày nay- càng khiến chúng tôi muốn tìm hiểu thông tin về ông.

Giải đáp thắc mắc vì sao tiểu sử, thông tin hoạt động của liệt sĩ Huỳnh Văn Bánh (bí danh Năm Tấn) lại quá hiếm hoi, đại tá Lê Văn Thiện (tức Tám Vỹ) - nguyên phó giám đốc CATP.HCM hé lộ: “Tại thời điểm hy sinh vào năm 1969, ông Bánh giữ chức quyền Bí thư Khu ủy Phân khu 1, Trưởng Ban an ninh Phân khu 1 (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp (Gia Định), Bến Cát, Dầu Tiếng (Bình Dương) và Trảng Bàng (Tây Ninh).

Trước đó, ông là Tỉnh ủy viên tỉnh Gia Định, từng kinh qua các chức vụ Trưởng đoàn cán bộ chỉ đạo riêng của tỉnh ủy Gia Định, Phó Ban ANT4... Với cương vị, chức vụ trên nên mọi thông tin cá nhân và các hoạt động của ông Năm Tấn đều phải được giữ bí mật tuyệt đối. Vả lại, vào giai đoạn trên, để bảo đảm an toàn cho tổ chức, cũng như các cá nhân, chức vụ của từng thành viên chỉ có người trực tiếp lãnh đạo phân công mới rõ, hơn nữa trong giao tiếp, hội họp, mọi thành viên đều dùng bí danh riêng”.

Cùng là tỉnh ủy viên, khi ông Bánh giữ chức vụ Trưởng đoàn cán bộ chỉ đạo riêng của tỉnh ủy Gia Định thì ông Thiện làm Phó đoàn nên có thời gian công tác cùng nhau không ít. Nhận xét về người đồng chí từng ở chung chiến hào, ông Thiện đánh giá: “Ông Năm Tấn là người có năng lực lãnh đạo, có uy tín và sống chan hòa với anh em”.

Đường Huỳnh Văn Bánh - quận Phú Nhận ngày nay

Cùng quan điểm, thượng tá Hà Nam Nhiều - nguyên Trung đội trưởng Đội cận vệ ANT4 nhận xét: “Ông Năm Tấn là thủ trưởng sống nghiêm khắc, có lý tưởng, có uy tín trong công việc và rất có tâm với đồng đội, cấp dưới”. Riêng về thời khắc ông Bánh hy sinh, đại tá Thiện bồi hồi hồi tưởng: “Sáng 21-5-1969, sau khi cùng nhau cà phê, đàm đạo công việc xong thì ông Năm Tấn chia tay Tám Vỹ (lúc đó là Trưởng văn phòng) băng rừng tham dự hội nghị Khu ủy ở Sở Ông Bồ thuộc ấp Bến Súc, xã Thanh Tuyền, huyện Bến Cát, Bình Dương. Khoảng 1 giờ sau, Út Can đau đớn chạy về báo tin khu vực họp Khu ủy bị đánh bom B52, ba đồng chí hy sinh gồm có Năm Tấn, Tư Thuật (Nguyễn Văn Thuật) và bảo vệ Nguyễn Văn Ný, khiến anh em ai nấy đều chết lặng”.

16 tuổi đã được ba đưa vào chiến trường, từng làm qua nhiều công việc như văn thư đánh máy, kế toán tiền lương... trước khi được chú Cao Đăng Chiến đưa về Trung ương cục miền Nam công tác cho đến ngày giải phóng, khi nhắc về đấng sinh thành, chị Huỳnh Minh Trúc (tức Huỳnh Thị Tâm, SN 1951) trào dâng niềm tự hào: “Ba đi công tác suốt, các chị em chủ yếu sống với má, nhưng trong lòng chúng tôi luôn thần tượng về ba. Với con cái, ông hết mực yêu thương nhưng cũng khá nghiêm khắc. Với đồng đội, đồng chí, ông luôn quan tâm, sẵn sàng chia sẻ các áp lực trong công việc, cuộc sống riêng tư nên được nhiều người thương quý. Ba sống có lý tưởng, không ngại vất vả, khó khăn, luôn khát khao giải phóng quê hương, giành lại độc lập, hòa bình cho đất nước nên cũng định hướng và lan tỏa lý tưởng sống tốt đẹp sang con cháu, những người xung quanh”.

Liệt sĩ Huỳnh Văn Bánh tham gia hoạt động từ những năm kháng chiến chống Pháp. Ông sinh trưởng tại xã Vĩnh Lộc, trong một gia tộc có nhiều thành viên mang tư tưởng tiến bộ, luôn khát khao giải phóng quê hương. Khi tham gia hoạt động cách mạng, với tố chất thông minh, nhạy bén, lại gan dạ, dũng cảm nên ông nhanh chóng được kết nạp Đảng và trở thành lãnh đạo nòng cốt tại Tỉnh ủy Gia Định.

Do yêu cầu, nhiệm vụ công tác, ông xa nhà thường xuyên nhưng vẫn dành tình yêu thương, sự quan tâm đặc biệt cho cha mẹ, vợ con. Để hướng đạo các con sống có hoài bão, lý tưởng, đặt quyền lợi quốc gia, dân tộc lên trên hết, ngoài giáo dục truyền thống, ông còn đưa hai con gái là bác sĩ Huỳnh Thị Tre và Huỳnh Minh Trúc vào chiến khu để cùng tham gia kháng chiến.

Đại tá Đinh Thanh Nhàn - Phó giám đốc Công an TP.HCM dâng hương lên liệt sỹ Huỳnh Văn Bánh và mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Chín

Có chồng và con tham gia cách mạng nên cuộc sống của má Phạm Thị Chín khá gian nan vất vả, thường xuyên bị cảnh sát Sài Gòn quấy nhiễu, gây khó dễ. Để yên ổn nuôi các con nhỏ, má phải dời quê, chọn địa phương khác mà sinh sống. Cuộc sống vất vả, cơ cực đủ bề nhưng má không than vãn, luôn vui vẻ để chồng con yên tâm lo việc nước. Nỗi đau ngất trời khiến má cạn khô dòng lệ vào những năm 1969, 1970, khi cùng lúc nhận tin sét đánh chồng và con gái Huỳnh Thị Tre hy sinh, còn chị Huỳnh Minh Trúc cũng bị địch bắt giam, tra tấn...

Ghi nhận những cống hiến toàn diện cho cách mạng của má Chín, Nhà nước đã phong tặng má danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Hiện nay, má đã về với tổ tiên ông bà được gần hai năm. Nói về truyền thống gia đình, chị Huỳnh Thị Nhã, từng công tác hơn 30 năm tại Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh: “Lối sống có hoài bão, lý tưởng đã được ba má hun đúc, hình thành sẵn trong máu thịt chị em tôi nên ngoài việc phấn đấu làm tốt trọng trách một công dân, chúng tôi còn cố gắng cống hiến công sức cùng dựng xây đất nước và hướng đạo con, cháu nỗ lực làm theo”.

Nối gót cha ông, hiện nay trong gia đình liệt sĩ Huỳnh Văn Bánh có đến bốn thành viên đang công tác trong ngành công an, những người còn lại đều có những đóng góp nhất định cho xã hội ở nhiều lĩnh vực công tác khác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang