Nghẹn ngào đám cưới cho hai liệt sĩ bảo vệ biên giới phía Bắc

Thứ Bảy, 16/02/2019 16:47

|

(CAO) Đi dọc biên giới phía Bắc từ Điện Biên đến Quảng Ninh, từ núi ra biển, sẽ thấy đỉnh thiêng Pò Hèn (trước đây là Đồn 209, xã Hải Sơn, TP.Móng Cái, Quảng Ninh) như một bông hoa đỏ trên vầng trán của Tổ quốc.

Lịch sử không bao giờ quên đây là nơi yên nghỉ của 86 chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tháng 2/1979.

21 ngày đêm tìm hài cốt đồng đội

Đại tá Nguyễn Quang Vinh (nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh) cũng như cán bộ, chiến sĩ của đồn Pò Hèn không thể ngờ, vào lúc 5 giờ 30 ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc tràn qua biên giới, từ Hải Hòa, Móng Cái đến Pò Hèn, chúng đã dùng pháo hạng nặng và nhiều loại hỏa lực bắn dữ dội vào các đồn biên phòng 209, 210, 211, 212 và các đội công nhân lâm nghiệp, khu dân cư dọc tuyến biên giới.

Đến 6 giờ 30 phút, địch sử dụng 1 trung đoàn và 5 tiểu đoàn, chia làm 3 hướng tấn công dồn dập đồn Pò Hèn. Quân số của đồn lúc đó chỉ có 92 người. Đồn trưởng đang đi công tác, Trung úy - Đồn phó quân sự Đỗ Sĩ Họa và Chính trị viên Nguyễn Xuân Tảo đảm nhiệm việc chỉ huy.

Pháo binh của ta dội bão lửa trừng trị quân địch, ngày 10/3/1979. (Ảnh: Phùng Triệu/TTXVN)

Đồn phó Đỗ Sĩ Họa trực tiếp nắm bộ phận hỏa lực, chỉ huy chính. Cán bộ, chiến sĩ ở trong đồn và ba điểm chốt nhất loạt nổ súng quyết liệt. Quân xâm lược dùng chiến thuật "biển người" ồ ạt tấn công.

Sau mấy lần tấn công thất bại, địch rút quân ra xa, gọi pháo bắn vào trận địa ta cấp tập 30 phút rồi mở cuộc tấn công mới, lần này chúng đánh mạnh vào chốt Đồi Quế. Dù đã kiên cường chiến đấu, tiêu diệt và bắn bị thương nhiều tên địch, nhưng do lực lượng không cân sức nên đến 11 giờ cùng ngày, 45 chiến sĩ của đồn đã hy sinh cùng với nhóm công nhân Lâm trường Hải Sơn và nữ nhân viên thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Sau trận chiến, nhận lệnh từ chỉ huy, chiến sĩ Vinh đã cùng với hơn 30 cán bộ chiến sĩ tập trung tìm và quy tụ hài cốt của đồng đội. Ông Vinh còn nhớ như in, chốt Đồi Quế là nơi tập trung hỏa lực chính của quân ta, tại đây cả 8 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Từ ngày 17/2 đến 11/3/1979, không quản nắng mưa, gió rét, trong suốt 21 ngày đêm, đoàn của ông Vinh đã tìm thấy 40 hài cốt của đồng đội.

Ký ức không thể nào quên

Sau trận đánh khốc liệt, trên nền doanh trại cũ của Đồn Pò Hèn, một đài tưởng niệm đã được dựng lên vào ngày 19/5/2010 và khánh thành vào ngày 10/1/2011.

Hai bên đài tưởng niệm là hai nhà bia với tấm bia lớn khắc tên tuổi các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, kế bên đó là một ngôi đền tưởng niệm được xây dựng khang trang với kiến trúc mái đình-nét đặc trưng văn hóa của người Việt. Biểu tượng được xây dựng tại đây có hình 3 bàn tay nâng ngôi sao 5 cánh (tượng trưng cho 3 dân tộc chính sinh sống tại đây là Kinh - Sán Chỉ - Dao) cùng góp phần xây dựng, bảo vệ vùng đất nơi biên cương.

Trong 86 chiến sĩ đã hy sinh, dòng đầu tiên được khắc tên Trung úy, đồn phó Đỗ Sĩ Họa, Anh hùng lực lượng vũ trang. Dòng cuối là chiến sĩ Nguyễn Văn Khánh, quê ở Lạng Sơn, sinh năm 1970 và hy sinh năm 1991.

Xe tăng địch bị quân ta đánh lật nhào trong đợt 17/2/1979. (Ảnh: Mạnh Thường/TTXVN)

Nhiều năm qua, cứ đến ngày mùng 1 âm lịch đầu tháng, luôn có một người lính già lên đài tưởng niệm thắp hương cho đồng đội. Đó là ông Hoàng Như Lý, người dân tộc Tày, quê ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), nguyên là chuẩn úy trinh sát Đồn 209 Pò Hèn năm xưa.

Ông Lý luôn nhớ về kỷ niệm chiến đấu với Chính trị viên Phạm Xuân Tảo (người chỉ huy được điều động từ biên giới Tây Nam - tỉnh Tây Ninh ra Quảng Ninh và về đồn nhận nhiệm vụ chiều 15/2/1979). Lúc đó, Thượng úy Phạm Xuân Tảo chiến đấu anh dũng, ngoan cường. Trong lúc bị thương, Thượng úy Phạm Xuân Tảo cố bò tới chân Đồi Quế thì lịm đi vì vết thương quá nặng và đã hy sinh trong lúc tựa mình vào một tảng đá lớn. Tảng đá đó bây giờ được ông Hoàng Như Lý dựng tấm bia để tưởng nhớ đồng đội.

Nhớ về các đồng đội đã hy sinh, ông Như Lý chia sẻ nỗi niềm vẫn còn trăn trở, đó là câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện (sinh năm 1958, tại xã Đức Chính, nay là phường Đức Chính, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh).

Chiến sĩ Nguyễn Văn Hiện nhập ngũ tháng 11/1976 và hy sinh ngày 17/2/1979. Cha mẹ liệt sĩ tự hào về con trai mình đã góp phần xương máu chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, song nỗi buồn chưa biết được mộ phần con trai vẫn còn trăn trở đến tận cuối đời...

Đám cưới cho hai liệt sĩ

Trong cuộc chiến đấu khốc liệt đó, có một lời hẹn ước của đôi trai gái đã không thành hiện thực. Đó là chuyện tình của liệt sĩ Bùi Văn Lượng, chiến sĩ biên phòng đồn Pò Hèn và nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Ông Bùi Văn Huy (anh trai của liệt sĩ Bùi Văn Lượng) kể lại, em trai ông và cô nữ mậu dịch viên yêu nhau hơn một năm. Vào dịp Tết Nguyên đán 1979 (trước trận đánh ngày 17/2), Lượng dẫn Chiêm về quê ăn Tết, nói với gia đình ra Giêng sẽ xin cưới.

Vào buổi sáng định mệnh đó, cô mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm nhận lệnh của chỉ huy lên cửa hàng cũ ở Pò Hèn dọn dẹp một số hàng rồi rút về tuyến sau, tiện dịp cô ghé thăm người yêu. Khi thấy tình hình chiến sự ác liệt, cô đã xin được ở lại chiến đấu cùng. Đám cưới chưa kịp đến thì cả hai đã anh dũng hy sinh. Năm ấy, Hoàng Thị Hồng Chiêm 25 tuổi, còn chiến sĩ biên phòng Bùi Văn Lượng 26 tuổi.

Di ảnh hai liệt sĩ Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm trên bàn thờ

38 năm sau, vào tháng 8/2017, gia đình của hai liệt sĩ Lượng - Chiêm mới gặp lại nhau và cùng đồng đội cũ tổ chức lễ cưới đặc biệt, với hành trình rước dâu Hạ Long - Móng Cái. Nghi thức cho đám cưới đặc biệt này cũng đầy đủ như bao đám cưới khác, trước sự chứng kiến của họ hàng, bạn bè và những đồng đội cũ của hai bên.

Chỉ có điều đặc biệt là hai họ đón dâu, rể là đón nhận 2 tấm ảnh chân dung của hai liệt sĩ. Gia đình nhà trai đem lễ và ảnh liệt sĩ Lượng từ Hạ Long ra Móng Cái. Xin dâu xong, nhà trai gửi lại nhà gái ảnh của liệt sĩ Lượng và rước ảnh chân dung của liệt sĩ Chiêm về Hạ Long...

Ông Bùi Văn Huy chỉ lên 2 tấm ảnh liệt sĩ đặt cạnh nhau và ngậm ngùi: “Nếu không có chiến tranh thì đã có một đám cưới trọn vẹn rồi…”

Đồn biên phòng 209 năm xưa - Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn hiện nay, đã trở thành khu di tích lịch sử cấp tỉnh, là một trong những "địa chỉ đỏ" trong việc giáo dục truyền thống đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc.

Để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hằng năm vào ngày 17/2, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Đồn Biên phòng Pò Hèn tổ chức đón tiếp hàng ngàn lượt người đến thành kính dâng hương tưởng niệm và thắp nến tri ân.

Không được quên quá khứ, nhưng hãy cùng hướng tới tương lai!
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang