Những toan tính trong “chính sách nước đôi” của Trung Quốc với ASEAN

Thứ Bảy, 03/08/2019 14:58

|

(CATP) Trung Quốc thi hành “chính sách nước đôi” với ASEAN: ngoài mặt tuyên bố tăng cường hợp tác và đóng góp tích cực cho trật tự khu vực theo sự điều phối của ASEAN, nhưng thực chất mong muốn xác lập một quỹ đạo riêng.

Khu vực Đông Nam Á (ĐNA) đang ngày càng trở thành điểm nóng cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược của các cường quốc khu vực và liên khu vực như Trung Quốc (TQ), Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Úc và sắp đến là sự xuất hiện tăng cường của các cường quốc ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức (do hậu thuẫn chính sách đảm bảo an ninh hàng hải do Mỹ phát động trên Biển Đông).

Trong đó, cạnh tranh Mỹ - Trung được xem là có vai trò chủ chốt, giúp định hình nên các làn sóng hợp tác và đối đầu ở ĐNA. TQ ngoài mặt đều tuyên bố tôn trọng trật tự đang có trong khu vực với trọng tâm điều phối mọi hoạt động thuộc về Hiệp hội ASEAN, nhưng bản chất các chính sách hợp tác đều nhắm đến cách tiếp cận đặc trưng của “chính trị cường quốc" kết hợp với học thuyết về “sức mạnh biển" nhằm phân chia ASEAN thành các nhánh nhỏ có định hướng phát triển và lợi ích riêng biệt với cả Hiệp hội, từ đó định hình nên hệ thống “vành và nan hoa" theo quỹ đạo hoặc các vành đai kinh tế lệ thuộc từng phần vào TQ.

Nói cách khác, TQ thi hành “chính sách nước đôi” với ASEAN: ngoài mặt tuyên bố tăng cường hợp tác và đóng góp tích cực cho trật tự khu vực theo sự điều phối của ASEAN, nhưng thực chất đều mong muốn xác lập một quỹ đạo riêng của mỗi nước để rồi từng bước chuyển hoá quan điểm trung lập của Hiệp hội ASEAN từ bên trong.

Cụ thể, có thể nhận thấy cách tiếp cận “nước đôi” của TQ khi phân tích làm rõ sự khác biệt giữa những lộ trình mà đưa ra trong các tuyên bố chung với Hiệp hội ASEAN (trên tinh thần đôi bên cùng có lợi) trong so sánh với các bước triển khai hợp tác trên thực tiễn mang nặng tính “TQ hoá (sinicization)” thông qua công thức hợp tác 3 điều kiện: tài chính TQ, công nghệ TQ và nhân công TQ (trên tinh thần TQ nắm đằng chuôi).

Mặc dù trên bề nổi, khuôn khổ hợp tác TQ – ASEAN được định hình từ công thức “2 + 7” nhưng về cơ bản từ 5 nhân tố, cũng là 5 lĩnh vực hợp tác đặc trưng: (1) hợp tác xung quanh vấn đề quản lý các nguồn nước và vùng biển trong khu vực, (2) hợp tác phát triển bền vững và khai thác tài nguyên, (3) kiến tạo và quản lý xung đột, (4) hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối ở các vị trí chiến lược và (5) hợp tác hỗ trợ về tài chính qua các khoản vốn cho vay.

1. Về hợp tác quản lý các nguồn nước và vùng biển trong khu vực sẽ xoay quanh hai nhân tố chủ chốt là (a) các hợp tác thuỷ - chính trị trên các dòng sông mà TQ có lợi thế thượng nguồn như hợp tác Lan Thương - Mekong và (b) triển khai chiến lược “kinh tế hoá tranh chấp” mà TQ đang nhất quán tiến hành trên Biển Đông đóng vai trò “lợi ích cốt lõi” liên quan đến chủ quyền nên trở thành ưu tiên cấp thiết phải đạt được mục tiêu “TQ hoá” sớm nhất có thể.

Một con đập thủy điện Trung Quốc xây trên thượng nguồn sông Lan Thương (Mê Kông) gây ra nhiều hệ lụy cho hạ nguồn. Ảnh: AP.

TQ sử dụng linh hoạt nhân tố (a) để gây sức ép chính trị với các quốc gia hạ nguồn các con sông lớn ở ĐNA (đặc biệt là nhóm ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia) và Nam Á (tập trung vào Ấn Độ khi TQ kiểm soát thượng nguồn các dòng chảy ở sông Brahmaputra hòa với sông Hằng và sông Sutlej đổ vào sông Ấn). Phương thức dùng “thượng nguồn” khống chế “hạ nguồn” của TQ đã tiến hành ở Nam Á có thể khái quát theo phương pháp “tằm ăn lá dâu” theo 4 bước như sau: (i) xây dựng các dự án kiểm soát dòng chính thượng nguồn các con sông lớn (tạo áp lực đe doạ “các nước hạ nguồn”), (ii) vận động các quốc gia hạ nguồn con sông đó tham gia vào các dự án xây dựng đập thuỷ điện do TQ điều phối, (iii) từng bước can dự để gia tăng ảnh hưởng lên các tổ chức khu vực hiện có ở hạ nguồn và (iv) thể chế hoá các cơ chế hợp tác “thượng nguồn” – “hạ nguồn” do TQ sáng lập với sự tham gia của tất cả các nước có lãnh thổ giáp với dòng chảy của con sông chung.

Các bước TQ đã triển khai: Bước 1, tính đến 2012 TQ đã xây dựng 7 đập thuỷ điện trên sông Lan Thương (thượng nguồn sông Mekong) và dự định xây thêm 21 đập nữa, ảnh hưởng nặng nề đến lưu lượng dòng chảy quốc tế của con sông này; Bước 2, xây dựng hai hành lang kinh tế CMEC (với Myanmar) và CLEC (với Lào), trong khuôn khổ nhánh (China-Indochina-Peninsula Economic Corridor) CIPEC của Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) và đầu tư cho các dự án đập thuỷ điện khổng lồ ở ĐNA trên dòng chính sông Mekong (như đập Xayaburi, hoàn thành đập Don Sahong ở Lào, kiểm soát vận hành đập Lower Sesan 2 lớn nhất của Campuchia) cùng với kế hoạch mở rộng sông Mekong cho tàu thương mại 500 tấn và mục tiêu quân sự hoá sông Mekong; Bước 3, tỉnh Vân Nam tham gia vào tổ chức GMS+ (Hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng), duy trì hợp tác với Uỷ hội sông Mekong (MRC) về điều phối thượng nguồn dòng chảy chung; Bước 4, TQ chủ động đẩy mạnh hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) với các nước hạ nguồn với tính thể chế hoá rất cao (thành lập 2016).

Các nước hạ nguồn Mekong nỗ lực cân bằng ảnh hưởng của MLC với các cơ chế hợp tác quốc tế đang có với Nhật Bản, Mỹ (LMI), Ấn Độ (MGC) đồng thời giữ vững nguyên tắc đặt ASEAN làm trung tâm.

Cồn cát lộ ra trên sông Mekong đoạn chảy qua Thái Lan do mực nước xuống thấp, ảnh hưởng của các đập do Trung Quốc xây ở thượng nguồn - Ảnh: Chiang Rai Times

Nhân tố thứ 2 (b) là chiến lược “kinh tế hoá tranh chấp” của TQ và vấn đề “thể chế hoá” trên Biển Đông với 4 nhiệm vụ quan trọng như sau: xây dựng chính sách phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành và cơ quan hành chính địa phương bên trong chính phủ; mở rộng vùng kiểm soát trên thực địa; Củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật về hậu cần hàng hải; và thể chế hoá các hoạt động hợp tác kinh tế.

Năm 2019 là thời điểm mà phía TQ có nhiều chỉ dấu đã triển khai thực hiện đồng bộ cả 4 nhóm mục tiêu “kinh tế hoá” này, cho thấy quyết tâm của nước này nhằm hoàn thiện “thế đã rồi” dài hạn trên Biển Đông.

2. Hợp tác phát triển bền vững và khai thác tài nguyên là nội dung thường được phía TQ công bố chính thức trong các tuyên bố chung hoặc chương trình hành động chung với ASEAN nhằm mục tiêu xây dựng niềm tin và tạo thêm dư địa để gia tăng “sức mạnh mềm” của TQ trên nhiều lĩnh vực, dựa trên phương thức: dùng số lượng các hợp tác phát triển đa lĩnh vực để tạo niềm tin tăng cường lôi kéo ASEAN vào nâng cao chất lượng các hợp tác trụ cột vốn có tính chất “TQ hoá”, cụ thể là các dự án hợp tác khai thác tài nguyên chung.

Điển hình của các hợp tác phát triển bền vững đa lĩnh vực này chính là 283 biên bản ghi nhớ mà TQ đã ký kết tại Diễn đàn Con đường Vành đai (BRF) năm 2019 vừa qua với một loạt các quốc gia Á – Phi – Âu và châu Mỹ Latinh, trong đó các nước ASEAN tham dự ký kết rất đa dạng.

Các hợp tác phát triển kinh tế bền vững và khai thác tài nguyên của TQ được thể hiện thông qua những biên bản, tuyên bố chung, chương trình hành động chung giữa TQ với ASEAN trên nhiều lĩnh vực, nhằm tôn tạo lớp vỏ xây dựng niềm tin với các quốc gia ĐNA với một số lượng lớn các hợp tác về “ảnh hưởng mềm” (như chống khủng bố, chống tham nhũng, tăng cường thương mại, giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục…) nhưng thực chất là để khiến các nước ASEAN “lơ là” những mục tiêu “TQ hoá” trong các dự án hợp tác khai thác tài nguyên.

Do đó, các dự án hợp tác này là nguồn cơn kiến tạo xung đột mà phía TQ luôn sẵn sàng leo thang để đạt được mục đích cuối cùng là thâu tóm tối đa tài nguyên ở ĐNA, đồng thời cũng ảnh hưởng làm giảm uy tín các hợp tác địa – chính trị về kết nối cơ sở hạ tầng của TQ ở ĐNA và phía TQ dường như sẵn sàng chấp nhận thực tế này để đổi lấy sự bảo toàn trữ lượng tài nguyên và khả năng khai thác tối đa các tài nguyên của các nước ĐNA.

3. Kiến tạo xung đột là nội dung mang tính đối kháng giữa TQ với ASEAN liên quan đến những hoạt động kiến tạo xung đột ở những “vùng xám (grey zone)” nhằm: (i) hoàn thành “ngoại giao vây lấn” để mở rộng kiểm soát thực địa trên Biển Đông trái phép, (ii) quấy rối, phong toả khả năng khai thác tài nguyên ở các vùng biển mà TQ có khả năng kiểm soát và sinh ra (iii) sự tăng cường nhận thức về các vị trí địa – chính trị, địa – chiến lược của Biển Đông nói riêng và ASEAN nói chung.

Để kiến tạo xung đột trên Biển Đông, TQ sẵn sàng chấp nhận đánh đổi những khoản đầu tư khổng lồ để đầu tư vào các dự án lớn (mà chưa chắc có lợi nhuận ban đầu) như quyết định đổ tiền đầu tư vào quan hệ với Philippines thời Tổng thống R.Duterte để đổi lấy những nhân nhượng của chính phủ Philippines trong việc không sử dụng Phán quyết của Toà Trọng tài (PCA) biển Đông ngày 12/7/2016.

Do đó, các nước ASEAN có quan điểm bất đồng về Biển Đông với TQ thường nhận được những khoản đầu tư khổng lồ và phía TQ xem đây như là một động thái tất yếu có tính quy luật, nên sẽ sẵn sàng kiến tạo thêm xung đột trên Biển Đông (trong giới hạn “vùng xám” chứ không để vượt tầm kiểm soát thành cuộc chiến tranh).

Trung Quốc bồi lấp và xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: CSIS)

4. Hợp tác cơ sở hạ tầng kết nối địa – chính trị và hợp tác tài chính được hậu thuẫn từ những xung đột do TQ chủ động kiến tạo ở khu vực, khiến cho nhận thức về kết nối địa – chính trị của ĐNA ngày càng trở nên quan trọng. Với 3 nhánh đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối trọng yếu xuất phát từ Côn Minh: (t1) hành lang kinh tế TQ – Myanmar (CMEC), (t2) hành lang kinh tế TQ – Lào (CLEC), (t3) hành lang kinh tế TQ – bán đảo Đông Dương (CIPEC) và một nhánh (t4) xuất phát từ Hải Nam để đi qua tuyến Vành đai Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI (MSR), thì khu vực ĐNA nói chung và Biển Đông nói riêng có vai trò địa – chiến lược ngang ngửa với vị trí “yết hầu” ở khu tự trị Tân Cương (giao điểm của 3/6 nhánh hành lang BRI) trong khuôn khổ Sáng kiến Con đường Vành Đai (BRI) của TQ.

Các hợp tác cơ sở hạ tầng này tạo nền tảng cho sự hình thành chiến lược “ngoại giao bẫy nợ” của TQ để hướng đến kiểm soát từng phần các công trình đường cao tốc, đường sắt cao tốc, bến cảng... nhưng cũng là nguồn lực quan trọng tạo nên quan ngại của dư luận khu vực và quốc tế về chiến lược “TQ hoá”, từ đó dẫn đến những kế hoạch của các nước ASEAN nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của TQ đối với các hợp tác “thuỷ -chính trị” trên sông Mekong và dư luận phản đối dâng cao với cách hành xử đơn phương bá quyền của TQ ở Biển Đông gần đây.

Chiến lược “vây lấn” của Trung Quốc trên Biển Đông
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang