Chiến lược “vây lấn” của Trung Quốc trên Biển Đông

Thứ Ba, 23/07/2019 15:49

|

(CATP) Các hoạt động khôn khéo của Cảnh sát biển Việt Nam xuyên suốt diễn biến của sự kiện bãi Tư Chính và tuyên bố phản đối mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Việt Nam có thể thấy rõ sự đổ vỡ của chính sách “ngoại giao vây lấn” của Trung Quốc.

Hoạt động thăm dò trái phép của tàu Hải Dương Địa chất 8 (HYDZ 8) thuộc Cơ quan khảo sát địa chất Trung Quốc (China Geological Survey - CGS) tại khu vực phía bắc bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam từ đầu tháng 7-2018 đến nay, là một động thái kết nối chặt chẽ với chiến lược “vây lấn” mà Trung Quốc đang tiến hành trở lại từ tháng 3-2019 (sau một khoảng thời gian tạm lắng từ tháng 6-2018 một phần do sức ép từ cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ phát động).

MÔ HÌNH “VÂY LẤN” Ở BÃI CẠN SCARBOROUGH

Vào tháng 4-2012, khi lực lượng hải quân Philippines bắt giữ các tàu cá đang đánh bắt không phép tại khu vực Scarborough (Việt Nam không tuyên bố chủ quyền với bãi cạn này), thì Trung Quốc đã điều động các tàu hải giám và các tàu cá lân cận với số lượng đông hơn hẳn để “bủa vây” các tàu của Philippines, tạo nên cuộc đối đầu căng thẳng gần 2 tháng sau đó.

Cùng lúc với thế trận bủa vây áp đảo ở Scarborough, chính phủ Trung Quốc sử dụng truyền thông đại chúng của họ vin vào cớ Philippines dùng đến hải quân trong tranh chấp dân sự để cáo buộc Philippines “quân sự hóa tranh chấp”, đồng thời tuyên bố cấm vận nhập khẩu một số mặt hàng nông nghiệp chủ lực từ Philippines.

Với một tình thế bất khả kháng trên thực địa, kết hợp với những tổn hại nghiêm trọng về thương mại, chính phủ Philippines tỏ ra kiệt sức và chấp nhận lui tàu sau khi phía Mỹ đứng ra làm trung gian hòa giải. Chỉ đợi như vậy, cho rằng phía Mỹ không có quyền can thiệp vào vấn đề này, Trung Quốc cho tàu phong tỏa bãi Scarborough cho đến hiện nay.

Sau thắng lợi bất ngờ nhờ “bủa vây” Scarborough, Trung Quốc lấn sang siết chặt vòng vây đối với bãi Cỏ Mây ngay cạnh (mà phía Philippines duy trì một xác tàu chiến cũ mắc cạn làm căn cứ đóng quân trái phép) nhằm cô lập đường tiếp tế cho từ đất liền, với hy vọng phía Philippines sẽ sớm rút quân vì kiệt sức như trước.

Các năm sau, nhiều báo cáo ghi nhận các tàu Trung Quốc tiếp tục lấn sang hiện diện ở bãi Hải Sâm (phía bắc Cỏ Mây) vào 2016, bãi cạn Luconia (phía nam Cỏ Mây) vào 2017, và gần đây nhất (2018) là khu vực quanh đảo Thị Tứ.

“Ngoại giao vây lấn” không chỉ là sự kết hợp giữa các hoạt động phong tỏa trên thực địa với số lượng áp đảo với các bước đi về “ngoại giao ngân lượng” (tạo đòn bẩy kinh tế thu hút lãnh đạo đối phương), mà còn rất tinh vi trong việc sử dụng “lực lượng phức hợp” bao gồm quân đội chính quy (quân sự), các tàu chấp pháp hoặc tàu nghiên cứu đa ngành (lưỡng dụng) và dân quân biển (dân sự).

Trong đó, “đội quân thứ 3” là dân quân biển đóng vai trò chủ công, và các thực thể “chưa có đồn trú” (đặc biệt là các bãi cạn) là những mục tiêu trọng yếu, đánh vào đúng các “vùng xám” của luật pháp quốc tế.

TƯ CHÍNH VÀ THẾ “VÂY LẤN” TRONG TÀN CUỘC CỦA TRUNG QUỐC

Tuy nhiên, khác với sự nhân nhượng có tính toán của Philippines, các hoạt động “vây lấn” tinh vi của Trung Quốc ngày càng lộ rõ tính chất thụ động trong những diễn biến gần đây. Các hoạt động quấy phá của tàu hải cảnh Trung Quốc ở bãi Luconia (5/2019) nằm trong EEZ của Malaysia và bãi Tư Chính (7-2019) trong EEZ của Việt Nam đều hoàn toàn mang tính bị động. Trên thực tế, sự xuất hiện của tàu HYDZ 8 cùng với các tàu hải cảnh và dân quân biển hộ tống hoàn toàn không ngăn cản được những hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia trên bãi cạn Luconia và của Việt Nam trên bãi Tư Chính.

Tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc. Ảnh nhỏ: Hình ảnh được phó giáo sư Ryan Martinson đăng tải trên Twitter cho thấy hải trình của tàu Hải Dương địa chất 8 từ ngày 3-7 tới 19-7, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam - Ảnh chụp màn hình HK01 (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Những phản ứng quyết đoán của chính phủ Malaysia khi ngay lập tức tiến hành tập trận bắn đạn thật từ 15-7 tại khu vực bãi Luconia (Việt Nam không có tuyên bố chủ quyền với khu vực này), cùng với những tuyên bố quyết liệt nhằm bác bỏ các đề nghị đàm phán song phương về vấn đề Biển Đông của Bộ Ngoại giao Malaysia trước đó đã cho thấy lập trường cứng rắn chống “ngoại giao bủa vây” của phía Malaysia.

Kết hợp cùng các hoạt động khôn khéo của Cảnh sát biển Việt Nam xuyên suốt diễn biến của sự kiện bãi Tư Chính và tuyên bố phản đối mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Việt Nam (với sự ủng hộ của Bộ Ngoại giao Mỹ ngay sau đó và động thái cảm ơn của Tổng thống Nga V. Putin đối với giám đốc công ty Rosneft đã quyết liệt triển khai giàn khoan Hakuryu-5 tại lô 06-01 trong hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam), có thể thấy rõ sự đổ vỡ từng bước của chính sách “ngoại giao vây lấn” mà Trung Quốc đã dày công chuẩn bị trên Biển Đông.

Với nền tảng của Phán quyết Tòa Trọng tài Biển Đông (ngày 12-7-2016) giúp vô hiệu hóa yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc, thế chủ động của Việt Nam và Malaysia ở các khu vực nằm trong EEZ của mỗi nước đang tạo một nền tảng mới cho các hoạt động vô hiệu hóa thế trận “vây lấn” của Trung Quốc trên cả ba mặt trận: tâm lý, pháp lý và truyền thông - một bước phong tỏa đối với “tam chủng chiến pháp” mà Trung Quốc rất tăm đắc. Với nền tảng mới này, dư luận khu vực và quốc tế hoàn toàn có thể kỳ vọng những diễn biến đầy triển vọng cho vấn đề Biển Đông trước thềm các Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới.

Trung Quốc vi phạm, còn thách thức luật pháp quốc tế
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang