Dự luật Thi hành án hình sự (sửa đổi):

Phạm nhân có thể được trả một phần tiền nếu lao động ngoài trại giam

Thứ Sáu, 05/04/2019 08:34  | Hải Triều

|

(CATP) Giải trình dự luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (QH) chuyên trách chiều 4-4, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết, việc đổi mới công tác tổ chức lao động tại các trại giam sẽ tạo điều kiện để phạm nhân có thể tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của các trại giam.

Việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam, theo cơ quan giải trình, phải đảm bảo một số nguyên tắc.

Cụ thể: Trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm về an ninh, trật tự và giám sát việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam; tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam không đầu tư từ ngân sách nhà nước; không tổ chức khu sản xuất, điểm lao động trong khu vực đông dân cư và tại những địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự hoặc có thể ảnh hưởng xấu tới công tác quản lý phạm nhân; việc đưa phạm nhân ra lao động tại khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam phải có sự đồng ý của phạm nhân và phải bảo đảm các điều kiện cần thiết về an toàn, vệ sinh lao động.

Tuy nhiên, quá trình thảo luận vẫn còn những ý kiến lo ngại việc này sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ phạm nhân trốn.

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) đặt vấn đề: “Khi tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại phải bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự, phải kiểm soát được việc mang vật cấm, ma tuý vào trại như thế nào? Liệu các cơ sở cơ sơ sản xuất có trang bị được các phương tiện kỹ thuật để kiểm soát chuyện này không?” - đại biểu Mão nêu câu hỏi.

Ông Mão cũng lưu ý, việc tổ chức cho phạm nhân lao động phải được hiểu là một biện pháp giáo dục chứ không phải tạo ra cơ sở vật chất.

Khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là: “Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội…”, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga nói, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ và là một trong những yêu cầu quan trọng của công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga nêu ý kiến

“Việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tổ chức cho họ lao động thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam” - bà Nga phân tích và khẳng định: Công tác tổ chức lao động cho phạm nhân vừa nhằm giáo dục cải tạo, dạy nghề, cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng là biện pháp quản lý hiệu quả.

Dẫn báo cáo của Bộ Công an, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội thông tin, thời gian qua, các trại giam đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân.

Tại một số địa bàn có tình hình an ninh trật tự tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an đã tiến hành thí điểm, cho phép các trại giam được tổ chức “Khu sản xuất” và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức các “điểm lao động” ngoài trại giam. Trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn.

Chia sẻ nhìn nhận của cơ quan giải trình, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nhấn mạnh, quyền và nghĩa vụ của phạm nhân là được lao động, trách nhiệm của Nhà nước là phải đảm bảo cho phạm nhân được thực hiện quyền này. Theo ông Hồng, đây là biện pháp dạy nghề, giúp phạm nhân tái hoà hoà nhập, trong đó có việc giảm khó khăn cho ngân sách.

“Đây không phải là mô hình kinh tế, cũng không phải là lợi ích nhóm. Bản thân các cán bộ công tác trại cũng rất lo lắng việc dẫn giải phạm nhân ra ngoài lao động, nếu có phạm nhân bỏ trốn có thể bị kỷ luật, cho nên chúng ta phải yên tâm và tin tưởng vào trách nhiệm của các chiến sỹ” - ông Hồng trấn an.

Trung tướng Hồ Thanh Đình phát biểu

Thay mặt Ban soạn thảo, Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng đã làm rõ thêm nội dung này. Theo ông Đình, việc tổ chức lao động cho phạm nhân là bắt buộc. Tất cả phạm nhân vào trại đều phải học tập, phải lao động.

“Qua đi tham khảo kinh nghiệm các nước thì tất cả đều tổ chức cho phạm nhân lao động, kể cả Mỹ hay Nhật, Úc, Malaysia... Ở Singapore nhà tù còn sản xuất, cung cấp thức ăn cho sân bay Changi. Hệ thống giặt là trong sân bay và các khách sạn cũng do nhà tù lo" - ông Đình nói.

Về việc sử dụng kết quả lao động của phạm nhân, Trung tướng Hồ Thanh Đình cho biết, kết quả lao động sản xuất đều được phân chia: 16% bổ sung suất ăn cho phạm nhân, 10% lập quỹ tái hoà nhập cộng đồng, 15% bổ sung quỹ phúc lợi của trại giam, 7% bổ sung thưởng cho trại giam, 10% tổ chức dạy nghề cho phạm nhân, 42% trong đó có 2% làm quỹ khen thưởng cho trại giam, còn 40% Bộ duyệt để cho trại đầu tư trở lại mua phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho phạm nhân lao động.

“Một năm trừ chi phí, thu về khoảng 250 tỷ đồng, đều có sổ sách đàng hoàng. Các đồng chí yên tâm, không có lợi ích nhóm gì ở đây cả” - ông Đình khẳng định.

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết thêm, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, dự luật cũng đã bổ sung quy định: Kết quả lao động được sử dụng để “chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trong trường hợp phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động. Phạm nhân được gửi số tiền được nhận theo quy định tại khoản 1 của Điều này cho người thân hoặc gửi trại giam quản lý, được sử dụng theo quy định hoặc được nhận lại khi chấp hành xong án phạt tù”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang