Quảng Nam: Lần đầu tiên có lễ hội Sâm Ngọc Linh

Chủ Nhật, 11/06/2017 17:35

|

(CAO) Lễ hội sâm núi Ngọc Linh lần thứ I năm 2017, có chủ đề ‘Huyền thoại Ngọc Linh’ tại Quảng Nam nhằm quảng bá đến với bạn bè trong và ngoài nước một loại cây dược liệu quý, hiếm của nước ta, đó là cây sâm núi Ngọc Linh.

Qua lễ hội đưa sâm núi Ngọc Linh trở thành cây dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao, xứng tầm những loại sâm trên thế giới như sâm Hàn quốc, sâm Mỹ, sâm Nga, sâm Canada…

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, lần đầu tiên Lễ hội sâm núi Ngọc Linh được diễn ra tại thủ phủ sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My)

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, lần đầu tiên Lễ hội sâm núi Ngọc Linh được diễn ra tại thủ phủ sâm Ngọc Linh (huyện Nam Trà My) từ ngày 10 đến 13-6 gồm nhiều hoạt động lớn như trưng bày, giới thiệu các sản phẩm sâm Ngọc Linh; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt, tour du lịch khám phá, trải nghiệm vùng trồng sâm Ngọc Linh và khám phá văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My.

Cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đã có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện TuMơRông tỉnh Kon Tum. Là một loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, Nó chứa đến 52 hợp chất saponin, là 1 trong 5 loại sâm quý nhất trên thế giới.

Những năm gần đây và nhất là khi Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm núi Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) thì công tác bảo tồn và phát triển cây sâm Núi Ngọc Linh ngày càng phát triển mạnh; các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc một cách quyết liệt, đem lại nhiều kết quả quan trọng.

Sâm Ngọc Linh chứa đến 52 hợp chất saponin, là 1 trong 5 loại sâm quý nhất trên thế giới

Tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch trên 15.000ha để trồng sâm; hiện nay có trên 1.000 hộ trồng sâm, tăng 900% tại 7 xã huyện Nam Trà My; đã di thực sang trồng tại một số địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng, độ cao từ 1.000 đến 2.400m so với mặt nước biển với tỷ lệ sống khoảng 70%; giá cả cây sâm Ngọc Linh không ngừng tăng lên; các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm, sản xuất sản phẩm từ sâm.

Đặc biệt, nhận thức của bà con đồng bào các dân tộc vùng trồng sâm được nâng lên, người dân đã biết bảo vệ rừng, phục hồi rừng để trồng sâm. Một tin vui là ngày 5-6-2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 787 phê duyệt sâm Ngọc Linh là sản phẩm Quốc gia.

Trong ngày đầu tiên mở hội chợ sâm Ngọc Linh đã thu hút nhiều người đến tham quan và mua hàng. Đáng nói, tại hội chợ có nhiều những bình rượu sâm đẹp mắt được rao bán giá hàng trăm triệu đồng.

Trong ngày đầu khai trương, nhiều "đại gia" từ khắp miền đất nước cũng tìm đến để mua sâm. Trong đầu giờ chiều 10-6, một cây sâm Ngọc Linh kèm củ hơn 10 năm tuổi, nặng hơn 4 lạng đã được một người dân Nam Trà My bán cho khách với giá 120 triệu đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang