Tại sao 'người nam châm' không sợ điện 220V?

Thứ Bảy, 23/05/2015 19:05  | Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường

|

(CATP) Ông Huỳnh Văn Khải không bị điện 220V giật vì da của ông có điện trở lớn (có thể do hệ tế bào sừng). Do đó theo định luật Ohm, cường độ dòng điện chạy qua cơ thể ông không đủ mạnh, để gây hiện tượng kích thích thần kinh vận động (tức bị giật).

Như đã viết trong bài “Người nam châm” dưới góc nhìn khoa học, đăng trên báo Công an TPHCM ngày 16-5-2015, ông Huỳnh Văn Khải (59 tuổi, ngụ tại thôn Phú Tiên 2, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) không chỉ có khả năng “hút” đồ vật, cả bằng kim loại và phi kim loại, mà còn có khả năng “chơi” với điện lưới 220V, khi dùng tay trần sửa điện.

Trường hợp của ông Khải khá đặc biệt và hiếm gặp, vì kể từ khi phát hiện năm 2007, sau gần 10 năm, đến nay khả năng của ông chưa hề bị mất đi. Việc ông Khải không bị điện 220V giật không hề khó hiểu dưới quan điểm khoa học.

Ông Khải có thể sửa điện mà không bị giật - Ảnh: Báo CATP

Tại sao điện không giật?

Khi sờ vào điện, hệ thần kinh của chúng ta sẽ bị kích thích. Ta thấy cảm giác tê tê hoặc đau; đó là sự kích thích hệ thần kinh cảm giác. Ta cũng thấy bị giật; khi đó hệ thần kinh vận động bị kích thích. Cảm giác chỉ bị tê nhẹ hay rất đau, cũng như bị giật nhẹ hay mạnh phụ thuộc chủ yếu vào cường độ dòng điện. Cường độ dòng điện lớn thì ta bị đau và bị giật mạnh.

Khi tường thuật về những người như ông Khải, nói chung mọi người chỉ nhắc tới điện thế 220V, mà không lưu ý tới cường độ dòng điện. Trên quan điểm vật lý và sinh học, sự kích thích thần kinh không phụ thuộc vào điện thế, mà chỉ phụ thuộc vào cường độ dòng điện và thời gian tác dụng.

Theo định luật Ohm, cường độ dòng điện không chỉ phụ thuộc vào điện thế (điện thế càng cao thì cường độ dòng điện càng lớn), mà còn phụ thuộc vào điện trở (điện trở càng cao thì cường độ càng nhỏ). Với người bình thường, do điện trở cơ thể tương đối nhỏ, nên điện thế 220V có thể tạo một dòng điện khoảng 10-20 mA chạy qua người. Dòng điện đó đủ mạnh để kích thích cả thần kinh cảm giác và thần kinh vận động. Khi đó ta thấy bị điện giật rất đau. Quan trọng hơn, dòng điện đó đủ mạnh để gây ngừng tim và ngừng hô hấp, có thể khiến nạn nhân tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách.

Với những người như ông Khải, do có điện trở lớn (có thể do hệ tế bào sừng ở da có cấu trúc đặc biệt), nên điện lưới 220V chỉ tạo được một dòng điện cỡ một vài mA chạy qua người. Dòng điện đó chỉ đủ độ lớn để kích thích nhẹ hệ thần kinh cảm giác, nên ông Khải chỉ cảm thấy tê tê một chút. Nó hoàn toàn không đủ để kích thích hệ thần kinh vận động, nên ông không bị giật. Và tất nhiên nó lại càng không thể làm ngưng tim và ngưng hô hấp đối với ông Khải (các nguyên nhân dẫn tới chết người).

Yếu tố thứ hai là thời gian tác dụng. Yếu tố này có thể không quan trọng với các dòng điện quá nhỏ, nhưng đóng vai trò quyết định với các dòng điện đủ lớn để gây ngưng tim và ngưng hô hấp. Các số liệu thu thập từ các vụ tai nạn điện cho thấy, thời gian tác dụng của dòng điện càng lớn thì khả năng tử vong càng cao. Chẳng hạn thời gian tác dụng 1 phút ứng với tỉ lệ tử vong chỉ 5%; trong khi với thời gian 5 phút, tỉ lệ tử vong lên tới 99%, cho dù nạn nhân được cấp cứu kịp thời và đúng cách.

Cấp cứu kịp thời và đúng cách

Do giới hạn 5 phút, nên nạn nhân điện giật cần được cấp cứu kịp thời và đúng cách. Cần cách ly nạn nhân khỏi nguồn điện ngay lập tức bằng cách cắt cầu dao điện. Nếu không thể cắt nguồn, cần dùng vật cách điện (găng tay vải sợi khô, cành cây khô...) để cách ly nạn nhân khỏi nguồn 220V. Cần lưu ý rằng, với nguồn điện khoảng 1.000V trở lên, phải có các thiết bị chuyên dụng (kìm cách điện chuyên dụng, găng tay cách điện chuyên dụng...), chứ không thể dùng vật cách điện thông thường.

Sau khi cách ly khỏi nguồn điện một cách kịp thời, nạn nhân thường được đưa ngay tới bệnh viện. Đó là một sai lầm chết người, vì lúc đó nạn nhân đã bị ngưng tim và ngưng hô hấp. Khi đó nạn nhân cần được cấp cứu đúng cách là hô hấp nhân tạo và kích thích tim để tim đập lại. Và thời gian 5 phút là ranh giới sinh tử đối với nạn nhân.

Lời khuyên cho ông Khải

Lời khuyên của tôi dành cho ông Khải và những “người điện” khác là hãy cẩn thận, kẻo có ngày chết oan. Như mọi khả năng lạ thường khác, khả năng không bị điện giật phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thời tiết (lạnh khô hay nóng ẩm), trạng thái sức khỏe thể chất và tinh thần. Và cũng có thể một ngày nào đó nó sẽ mất đi. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông sửa điện vào đúng cái ngày định mệnh đó?

Theo thông tin mà tôi được biết, ít nhất hai trường hợp “không sợ điện” như thế đã chết vì bị điện giật (bạn đọc có thể xem bài Người không bị điện giật trong Chuyện lạ Việt Nam chết vì điện, http://vietbao.vn/xa-hoi/Nguoi-khong-bi-dien-giat-trong-chuyen-la-Viet-Nam-chet-vi-dien/70061577/157).

Bình luận (1)

Con người luôn là thực thể kỳ diệu nhất

Anh Ba - Thứ Bảy, 23/05/2015, 19:57 Trả lời | Thích
Lên đầu trang