Thơ gửi bạn của hai nhà tình báo chiến lược

Thứ Năm, 30/04/2020 19:30

|

(CATP) Trong kháng chiến chống Mỹ, cụm tình báo chiến lược H10 - A22 đầy huyền thoại do "ông cố vấn" Vũ Ngọc Nhạ chỉ huy đã lập được những chiến công hiển hách, khiến ngay cả đối phương cũng phải "tâm phục, khẩu phục". Trong bộ hồ sơ ta thu được tại Tổng nha Cảnh sát quốc gia chính quyền Việt Nam Cộng hòa có đoạn:

"Từ trước đến nay, ngoại trừ những giai thoại giả tưởng trong tiểu thuyết trinh thám, chưa bao giờ có những tổ điệp báo thành công đến như thế. Cụm A22 do ông Vũ Ngọc Nhạ đứng đầu phát triển đều đặn và thi thố nhiều thủ đoạn mà chúng ta phải nhìn nhận là huyền diệu, xuất sắc. Cụm phát triển một hệ thống điệp vụ vô cùng quan trọng và đã len lỏi vào được nhiều cơ quan đầu não của Việt Nam Cộng hòa. Những tin tức chiến lược mà Cảnh sát quốc gia biết họ cung cấp đều có giá trị giúp Hà Nội có được những dữ kiện chắc chắn khi ấn định chính sách của họ đối với cuộc chiến tranh".

Cuộc đời và những hoạt động của thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ được công chúng biết đến qua cuốn tiểu thuyết "Ông cố vấn" của nhà văn Hữu Mai. Trong cụm tình báo này, nhân vật số hai là đại tá Lê Hữu Thúy - Anh hùng lực lượng vũ trang, phần nào được thể hiện qua cuốn tiểu thuyết - tự truyện "Điệp viên giữa sa mạc lửa" của ông, với bút danh Nhị Hồ.

Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ

Sinh năm 1926 ở Thanh Hóa, năm 17 tuổi, cậu học trò thông minh, đẹp trai, con nhà khoa bảng Lê Hữu Thúy hăng hái bước vào hàng ngũ cách mạng. Ông được lựa chọn để trở thành một chiến sĩ tình báo chiến lược, với nhiệm vụ ban đầu là học thật giỏi. Tốt nghiệp đại học ngành Triết học phương Đông một cách xuất sắc tại Hà Nội, thông thạo ngoại ngữ Trung - Anh - Pháp, năm 1954 ông được lệnh "di cư" vào Nam. Tại Sài Gòn, gặp lại những bạn học cũ thời sinh viên như trùm mật vụ Trần Kim Tuyến, với tài trí của mình, Lê Hữu Thúy đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công vang dội. Ngay cả khi bị án chung thân đày ra Côn Đảo, ông vẫn mưu trí lấy được bản gốc danh sách tù chính trị gửi về đất liền, buộc địch phải trao trả 17.000 tù chính trị (thay vì 5.000) vào năm 1973.

Tháng 7-1969, khi đang là Chánh văn phòng Bộ chiêu hồi, ông bị bắt cùng "cố vấn" Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Nguyễn Xuân Hòe. Tòa án quân sự Sài Gòn tuyên án "chung thân khổ sai" đối với Vũ Ngọc Nhạ và Lê Hữu Thúy. Thực ra địch rất muốn tuyên án tử hình các chiến sĩ tình báo, bởi những "tội tày đình". Nhưng trước nhiều áp lực, đặc biệt là lời tuyên bố của Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình tại Paris: "Nếu Mỹ - Thiệu thẳng tay bắn giết những người yêu nước, thì những phi công Mỹ sẽ bị trừng trị thích đáng" nên quan thầy Mỹ hiểu là cần phải làm gì. Ngày 29-11-1969, sau phiên xử chấn động đối với "tổ điệp báo lừng danh của Việt cộng", CIA Mỹ tiếp tục tra khảo hai ông suốt 4 tháng, trước khi đày ra Côn Đảo.

Một ngày cuối tháng 4-2000, tại nhà riêng, thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ bồi hồi kể cho tôi nghe về hoàn cảnh ra đời một bài thơ trong chốn ngục tù, mà đại tá Lê Hữu Thúy đã gửi cho ông: "Tuyên án xong, chúng bịt mặt đưa tôi về khu biệt giam tại Đặc ủy tình báo số 3A Bạch Đằng - hang ổ khét tiếng của CIA ở Sài Gòn. Tại đây, bọn Mỹ tiếp tục đày đọa nhằm hủy diệt tinh thần, ý chí, sức khỏe của mình. Trong phòng giam tối tăm rộng chừng 2m2, chúng cho tăng dần nhiệt độ lên đến 40 - 50°C. Lú cmình đang nóng bức tưởng như phát điên, chúng đột ngột hạ nhiệt độ xuống 12 - 13oC. Chúng cứ lặp đi lặp lại như thế, xen kẽ là những câu hỏi của máy "kiểm tra sự thật" xoáy vào óc. Tôi bị ốm nặng".

Một bữa đang trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, tôi nghe văng vẳng tiếng Năm Thúy (tên thường gọi của đại tá Lê Hữu Thúy) ở phòng bên. Chờ gác ngục đi xa, tôi gõ "moóc" vào tường, Năm Thúy đáp lại. Hóa ra anh ở phòng 4, còn tôi ở phòng 6, Thúy cho biết ngoài việc sốt cao, cả hàm răng sưng tấy, rụng dần. Mỗi ngày Thúy nhổ ra cả bát máu mủ, cảm thấy cái chết đã kề bên. Sau đó Thúy "gửi" sang cho tôi một bài thơ, thay lời từ biệt, nhắn nhủ cuối cùng:

Anh là nỏ, tôi là tên

15 năm chẵn sát bên chẳng rời

Trong khám cũng như ngoài đời

Kẻ thù khiếp sợ gặp "đôi bài trùng"

Đường dài gian khổ xe chung

Tránh sao khỏi bước đoạn trường chia ly

Mai này anh ở, tôi đi

Gửi anh đàn trẻ dẫn về quê hương.

Tôi áp tai sát tường mới "nghe" được bài thơ của Thúy và thuộc ngay. Thương bạn quá, tôi ghé miệng qua lỗ hổng của phòng giam, hát to mấy bài ca tiếng Pháp, rồi như vô tình đọc to bài thơ của Thúy. Đến câu cuối, tôi nhấn mạnh "đàn trẻ dẫn về quê hương" như một lời hứa với bạn. Đó là một ngày tháng 2-1970.

Đại tá Lê Hữu Thúy

Rất may là sau đó tôi tranh thủ được một đệ tử của Nguyễn Cao Kỳ làm nhiệm vụ khám, phát thuốc tại đây. Nhờ anh này, tôi cất được một số thuốc, thức ăn dành cho Năm Thúy. Mỗi cửa phòng giam có một lỗ nhỏ bằng bàn tay, để đưa thức ăn vào cho tù. Tôi buộc thức ăn, thuốc men vào sợi dây chừng 2m, chờ khi lính gác đi xa thì báo cho Thúy. Rồi tôi thò tay qua lỗ hổng, quay cánh tay lấy đà, quăng gói quà dọc theo bức tường phía buồng giam bên cạnh. Năm Thúy thò cánh tay ra chờ sẵn, khi nào gói quà vắt qua là kéo vào. Nhờ đó sức khỏe của Thúy khá lên.

Qua được hoàn cảnh ngặt nghèo, chúng tôi lại vui vẻ, lạc quan động viên nhau. Tôi còn nhớ một bài thơ vui "tức cảnh" gửi Thúy:

Sáng ra được mẩu bánh mì

Độ mươi con kiến tha đi cũng vừa

Ăn thì lưỡi đắng miệng chua

Không ăn thì phụ người đưa cho mình.

Ấy, cũng phải nói thêm là có những cai ngục họ có cảm tình với mình, khi đưa thức ăn thì nói rất thiện cảm: "Mời cụ dậy ăn".

Kể đến đây, thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ dừng lại giây lát, rồi bâng khuâng nói tiếp: "Năm Thúy ít tuổi hơn tôi, mấy năm gần đây sức khỏe của Thúy cũng tốt hơn tôi, nhìn xa tóc chưa thấy bạc. Thúy vẫn nói đùa là còn có nhiệm vụ tiễn tôi đi trước. Ai ngờ câu thơ 30 năm trước Mai này anh ở tôi đi, giờ lại là hiện thực. Ngày 2-5 tới đã là 49 ngày của Thúy. Những anh em trong lưới: Hòe, Trọng, Thúy lần lượt ra đi. Tất cả đều đã sống rất trong sáng, giản dị, lạc quan và đầy tình cảm. Hôm Năm Thúy mất, đơn vị có giao cho tôi viết một bài điếu văn nói về quá trình 50 năm tham gia cách mạng (từ 1950 - 2000) và thành tích của Thúy. Nhưng phút động quan, tôi chỉ đọc bài thơ Khóc bạn:

Thúy ơi, những đấng tài hoa

Thác là thể phách, còn là tinh anh

Lòng ta ba chữ rành rành:

Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba

Chữ Trung với nước non nhà

Với dân chữ Hiếu, hai ta chữ Tình

Bể dâu mình lại gặp mình

50 năm ấy khối tình thủy chung

Thúy ơi, thương nhớ vô cùng!

Bình luận (0)

Lên đầu trang