45 năm, xứng danh thành phố mang tên Người:

Kỳ cuối: Diện mạo mới cho TPHCM với những đô thị hiện đại

Thứ Tư, 29/04/2020 23:18

|

(CATP) Sau 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TPHCM đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, mang lại diện mạo mới với những công trình hiện đại.

Nhiều khu đô thị (KĐT) mới, hiện đại được đầu tư xây dựng, như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Tây Bắc... Nhiều tuyến đường được xây dựng (đường Nguyễn Văn Linh, cao tốc TPHCM - Trung Lương, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, đường Võ Văn Kiệt...) hàng loạt cầu vượt, hầm chui được đưa vào sử dụng; công trình thi công đường sắt đô thị đầu tiên tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cũng đã thành hình, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào cuối năm 2020.

Hiệu quả của đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị

Theo định hướng, TPHCM sẽ xây dựng các dự án nhà ở xen cài trong khu dân cư hiện hữu thành các KĐT mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đồng thời xây dựng một số KĐT mới hiện đại gồm Thủ Thiêm, Nam thành phố, cảng Hiệp Phước, Tây Bắc và Bình Quới - Thanh Đa... Đây là nội dung quan trọng của Chương trình đột phá Chỉnh trang và phát triển đô thị của TP.

Tính đến hết năm 2019, TP đã cấp phép xây dựng và đang triển khai thi công 25 dự án nhà ở quy mô 8,1ha với 3,2 triệu mét vuông sàn xây dựng, gồm 13.646 căn hộ chung cư và 1.018 căn nhà ở riêng lẻ, đạt 55% kế hoạch đề ra.

Cùng với đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật 1.053 tuyến đường, hẻm, cải tạo hệ thống thoát nước, triển khai công trình công cộng thuộc các khu dân cư hiện hữu gồm 128 trường học, 65 công viên và mảng xanh, 21 trạm y tế, ngầm hóa hơn 8,5km lưới điện viễn thông và các công trình công ích khác.

Việc xây dựng các khu đô thị mới, KĐT mới Thủ Thiêm, TP đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 1,48 triệu mét vuông (đạt 57% mục tiêu đề ra), công tác giải phóng mặt bằng được 99,4%. Một số dự án lớn đã và đang triển khai như: 4 tuyến đường chính, cầu Thủ Thiêm 2, Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông, hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc, Khu đô thị Sala...

Trong khi đó, dự án KĐT Nam TP phát triển được 30-35% diện tích, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh, mạng lưới giao thông chính. Tổng diện tích sàn xây dựng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng là 2,4 triệu mét vuông (đạt 57% kế hoạch) thuộc 90 công trình với quy mô khoảng 11.050 căn hộ. Hiện TP đang đầu tư xây dựng các khu dân cư và công trình công cộng trên diện tích khoảng 1.000ha, đầu tư xây dựng 5 khu tái định cư và 3 dự án nhà ở xã hội.

Tại KĐT Tây Bắc (quy mô khoảng 6.000ha), TP đã xây dựng phương án tổng thể cho công tác giải phóng mặt bằng toàn khu. Giai đoạn 1, giai đoạn 2 của dự án và Khu giáo dục đại học cao đẳng đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000. Tương tự, KĐT cảng Hiệp Phước (quy mô hơn 3.000ha) được quy hoạch với chức năng KĐT và cảng biển. Hiện tại một số cảng biển lớn đã được xây dựng và đưa vào vận hành dọc tuyến sông Soài Rạp, riêng khu đô thị đang được điều chỉnh quy hoạch.

Nhìn tổng thể Chương trình đột phá Chỉnh trang và phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả, tạo tiền đề để nhiệm kỳ 2021 - 2025 tiếp tục thực hiện. Chỉnh trang nâng cấp các khu dân cư hiện hữu, phát triển các KĐT mới đồng bộ, văn minh, hiện đại, qua đó xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước.

Khu trung tâm TPHCM nhìn từ sông Sài Gòn

Đòn bẩy khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông

UBND TPHCM vừa có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP tại quận 2, 9 và Thủ Đức (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), gồm 22 thành viên do Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Phong làm trưởng ban.

Theo Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Phong, TP sáng tạo, tương tác cao phía Đông dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao (Q.9), Đại học Quốc gia TPHCM (Q.Thủ Đức) và KĐT mới Thủ Thiêm (Q2). Đây sẽ là hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên những nền tảng có sẵn.

Được biết, TP sáng tạo, tương tác cao phía Đông sẽ kết nối 3 chức năng: Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ; trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao; trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao.

Theo ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông của đội Sasaki-encity (đoạt giải nhất) thì khu đô thị này sẽ bao gồm 6 trọng điểm sáng tạo. Cụ thể: Khu công nghệ cao (SHTP) với định hướng trở thành trung tâm sản xuất tự động hóa, ngôi nhà của nền công nghiệp thế kỷ 21 tại Việt Nam.

Đại học Quốc gia TPHCM, trong đó Đại học Quốc gia TPHCM cung cấp một quần thể giáo dục đào tạo trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về ngành công nghệ thông tin, cùng với một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, từ đó mở rộng khả năng hợp tác liên ngành trong nghiên cứu, thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng. Khu tài chính Thủ Thiêm với tầm nhìn trở thành trung tâm công nghệ tài chính của khu vực. Rạch Chiếc - Trung tâm thể thao và sức khỏe của Đông Nam Á. Tam Đa - Trung tâm công nghệ sinh thái và khu đô thị có khả năng chống chịu cao. Là trung tâm sáng tạo trong thiết kế và vận hành công nghệ sinh thái, cũng như thúc đẩy du lịch sinh thái. Khu Trường Thọ - nơi định hình như một đô thị tương lai, áp dụng những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ.

Với tầm nhìn trở thành một mô hình cho sự tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật và phòng trưng bày đô thị của tương lai. Như vậy, khu đô thị giúp chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế hiện tại của TP trở thành nền kinh tế tri thức, công nghệ cao. Qua đó tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn, sáng tạo hơn, thu nhập tốt hơn; hạ tầng được nâng cấp và thêm không gian xanh sẽ có môi trường trong lành hơn...

Tại hội thảo gần đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho hay: "Năm 2020, TP sẽ cố gắng trình ra Quốc hội về đề án Chính quyền đô thị TPHCM, trong đó có đề án Khu đô thị sáng tạo phía Đông này. Từ năm 2021 trở đi có thể bắt tay triển khai...".

Kỳ 1: Công an TPHCM sẵn sàng xung kích vì sự bình yên của người dân
 
Kỳ 2: Kỳ vọng về thành phố thông minh
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang