Nắng qua miền gió cát:

Kỳ 2: “Nước mắt ông Trời”

Thứ Sáu, 24/04/2020 11:39

|

(CATP) Đợt nắng nóng kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay làm ngành nông nghiệp của dải đất miền duyên hải Nam Trung bộ lâm vào cảnh điêu đứng. 

Trên khắp các cánh đồng từ Khánh Hòa ra tới Bình Định, dễ dàng bắt gặp ánh mắt của những “Hai Lúa” đang mỏi mòn trông ngóng nước về. Rồi trận mưa quý giá cũng đổ xuống, nói theo cách của dân gian thì đó là “ông Trời thương tình khóc giúp nhà nông”. Nhưng “giọt nước mắt thiên nhiên” ấy đã quá muộn để cứu lấy một vụ mùa thê thảm vì hạn hán.

Mía “đắng” trên non

Đối với bà con đồng bào Ê Đê tại xã các xã miền núi Ninh Tây, Ninh Xuân (TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa, giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk), chưa khi nào cây mía lại đắng chát như vụ mùa năm nay. Mất gần 3 tháng đổ mồ hôi chăm bẵm, vậy mà ruộng mía nhà anh Y Tùng lại không có cây nào lên lóng. Điều tồi tệ hơn, trong 10 phần thì ít nhất 3 phần mía đã bị chết. Chỗ mía còn lại đang “thoi thóp” vì thiếu nước.

Nhiều tháng ròng, đất ở vùng miền núi này bị nứt nẻ, khô cằn. Với người đồng bào, chỉ cần một trận mưa thì những rẫy mía của họ sẽ có cơ may hồi phục. Nhưng đó chỉ là hy vọng cho một vụ mùa năm tiếp theo, còn với vụ đông xuân năm nay thì đồng bào Ê Đê xem như lỗ vốn.

Những cây mía ở huyện Ninh Hòa không còn ngọt với nông dân vì nắng hạn (Ảnh: Kim Sơ)

Gắn liền với khoảng 17.000 héc-ta vùng nguyên liệu mía ở tỉnh Khánh Hòa là cuộc sống của hàng nghìn gia đình. Tại một vùng đất khô cằn, sỏi đá như vậy, phần lớn diện tích trồng mía đều dựa vào "nước trời" là chính.

Nước ngầm thì hệ thống bơm dẫn chắc chắn là không thể phục vụ tưới tiêu hết cho cả vùng canh tác, nên nếu “ông Trời không khóc” để mưa xuống thì việc mía chết khô, chết cháy là thực trạng khó lòng tránh khỏi. “Bây giờ, nước đâu mà tưới? Nếu bơm nước ngầm lên thì có bán hết rẫy mía này cũng không đủ tiền bù, chứ đừng nói tiền lời” - Anh Y Tùng than thở.

Nắng hạn hoành hành trên vùng mía, tiếp sau là sự tụt dốc giá mía trong niên vụ vừa qua. Thiên tai và khó khăn trên thị trường dồn dập làm nhiều nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng mà bao năm nay là nguồn thu nhập ổn định của mình.

“Giá mía những năm gần đây rất thấp. Hơn nữa năng suất, chất lượng bị giảm do khô hạn triền miên, nên khả năng bà con nông dân hoàn vốn sau một vụ mùa rất khó. Điều đó tác động trực tiếp đến tâm lý có nên trồng cây mía nữa hay không?” - Ông Võ Hương (Phó chủ tịch UBND xã Ninh Xuân) nhận định.

Vào mỗi vụ mùa, người nông dân lại thấp thỏm không yên. Họ phải đứng trước nhiều lựa chọn, mà nhiều khi quyết định đều phải phó thác cho… “ông Trời”. Muốn phá bỏ ruộng mía để khỏi đầu tư thêm thì không thể trồng lại, mà giữ đến cuối vụ thì cầm chắc lỗ vốn.

Không thể tự quyết số phận cho cây mía, nhiều gia đình chỉ còn biết chờ đợi. Ở vụ đông xuân, họ chờ cơn mưa trong vài tháng. Còn sắp tới là một vụ mùa được dự báo nắng sẽ còn gay gắt hơn gấp bội. Vậy thì nỗi trông ngóng cơn mưa không biết sẽ dai dẳng đến bao lâu?

Trận mưa “hành” cây lúa

Trận mưa cách đây hơn một tuần đổ xuống tỉnh Phú Yên được xem là “quý như vàng” với nông vụ sau bao ngày nắng gắt. Nhưng tiếc là “nước mắt ông Trời” đã rơi không đúng lúc. Những thửa ruộng lúa đang sắp sửa thu hoạch của bà con đã bị thiệt hại vì trận mưa bất ngờ.

Nhà anh Trần Quốc Quỹ (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, Phú Yên) trồng hơn 2,5 sào lúa, chỉ còn vài ngày nữa là gặt. Vậy mà chỉ sau một đêm mưa, sáng anh ra thăm đồng thì thấy cả cánh đồng lúa bị đổ rạp, ngập úng. “Gần 2 sào lúa bị ngâm nước. Điều này không chỉ làm giảm năng suất, chất lượng lúa mà việc tiêu thụ cũng gặp khó khăn” - Anh Quỹ buồn bã nói.

Vụ lúa đông xuân, gia đình chị Lê Thị Phường (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) trồng được 4 sào. Chị đã gọi máy gặt lúa để 3 ngày nữa đến thu hoạch. Thế nhưng mưa lớn liên tục trên địa bàn làm lúa ngã rạp, ngập úng, nhiều hạt lên mọng.

“Nhiều ruộng lúa mới chín được 50 - 60%, nhưng bị ngập nhiều ngày, bùn, đất bám đầy, người dân thu hoạch để cố gắng vớt vát phần nào” - Chị Phường mặt méo xẹo nhìn kết quả ít ỏi gặt hái được sau bao ngày dày công chăm bón.

Lúa ngã rạp ở một cánh đồng huyện Đông Hòa sau một trận mưa (Ảnh: Thanh Huy)

Chỉ sau một trận mưa dữ dội, toàn tỉnh Phú Yên có hơn 2.400 héc-ta lúa đông xuân bị ảnh hưởng. Địa phương có diện tích lúa thiệt hại nhiều nhất là huyện Đông Hòa (gần 1.000 héc-ta), còn huyện Phú Hòa là 850 héc-ta, huyện Tây Hòa 150 héc-ta, TP. Tuy Hòa 450 héc-ta. Nhiều thửa ruộng lúa ngã mẹp, máy cắt lúa không thể vào thu hoạch. Nhà nông lại thêm khổ sở vì phải xắn tay làm thay máy móc.

Theo bà con nông dân, những vụ trước chưa đến ngày thu hoạch lúa thì thương lái đã gọi điện đặt cọc trước. Còn vụ này thì ngược lại, có nài nỉ họ cũng không mặn mà.

“Thật tình thì cũng thương bà con, nhưng lúa bị ngập úng thì năng suất giảm, chất lượng gạo cũng giảm nên chúng tôi rất khó bán” - Một thương lái phân trần.

Nỗi lo còn “quặn” đến bao giờ?

Phú Yên “vớt” được trận mưa như không đúng thời điểm, còn tỉnh Bình Định thì vẫn còn đang thấp thỏm vì dự báo nắng sẽ còn làm khổ ngành nông nghiệp đến tận vụ hè thu.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định, tổng lượng mưa năm 2019 của tỉnh này chỉ đạt 74% trung bình của nhiều năm, lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 5-2020 cũng thấp hơn từ 10 - 25%.  Mưa thấp, nhưng nhiệt độ trung bình vụ hè thu lại cao hơn cùng kỳ vụ này năm trước. Điều đó đồng nghĩa với việc nước sẽ bốc hơi mạnh hơn, càng tăng nguy cơ xảy ra hạn hán.

Dự báo khả năng xảy ra hạn hán trong vụ hè thu của ngành chức năng tỉnh Bình Định là có cơ sở, bởi mới cuối vụ đông xuân vừa rồi, 226 héc-ta lúa và cây trồng cạn tại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) đã bị thiếu hụt nước tưới.

Ông Đào Văn Hùng (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định) dự báo: “Nắng nóng kéo dài như thế này, khả năng sẽ có khoảng 600 héc-ta lúa “ăn” nước từ các công trình thủy lợi bị thiếu 3 đợt tưới cuối vụ, phải chống hạn. Lượng nước tại 150 hồ do các địa phương quản lý cũng chỉ đảm bảo được 6.124 héc-ta cây trồng, còn 1.629 héc-ta sẽ không sản xuất được, vì không có nước tưới”.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định đi kiểm tra, chỉ đạo chống hạn. Ảnh: Tiến Sỹ

Không chỉ gây hạn, nắng nóng kéo dài cũng có thể làm tăng khả năng xâm nhập mặn tại nhiều xã mạn đông của các huyện: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. Lo lắng nguy cơ xảy ra hạn hán trên diện rộng ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, tháng 2-2020, trong chuyến đi kiểm tra tiến độ thi công hệ thống kênh tưới Thượng Sơn (huyện Tây Sơn), Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đã chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các cấp nhanh chóng xây dựng, thực hiện các phương án phòng, chống hạn một cách linh hoạt. Ngay sau đó, nhiều cuộc họp được UBND tỉnh này tổ chức để tìm kế sách chống hạn.

Nắng hạn sẽ còn là nỗi lo triền miên nếu không có kế sách dài lâu (Ảnh: Duy Quan)

Những phương án ứng phó với nắng hạn cấp thiết là đẩy lịch gieo sạ vụ hè thu lên sớm hơn so với năm trước từ 5 - 10 ngày, nhằm tận dụng độ ẩm trong đất, rút ngắn số ngày nắng nóng, hạn chế lượng nước tiêu hao; hướng dẫn nông dân sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày có tiềm năng về năng suất và chất lượng cao; những diện tích đất lúa kém hiệu quả thì chuyển sang các loại cây trồng cạn… được các cấp chính quyền tỉnh Bình Định triển khai đồng bộ, rốt ráo ở các địa phương có canh tác nông nghiệp.

Dẫu thế nhưng quả thật việc con người năm nào cũng chạy theo sự thất thường và ngày càng tiêu cực của thời tiết, cho thấy chúng ta luôn bị rơi vào tình thế bị động, phải căng mình chống chọi với khó khăn trong sản xuất nông vụ.

Nỗi lo hạn hán sẽ còn “quặn” mãi trong tâm trí của nông dân lẫn các chấp chính quyền, nếu chúng ta không nhìn trực diện vào nguyên nhân cốt lõi khiến cho ngành nông nghiệp của cả nước bao năm nay phải lao đao vì hạn hán.

(Còn tiếp...)

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên

Để khắc phục thiệt hại cho bà con, các hợp tác xã đã tập trung nguồn lực, máy móc bơm tiêu cho các ruộng lúa bị ngập úng. Đặc biệt, đối với diện tích lúa chín và gần đến thời điểm thu hoạch thì dùng các biện pháp sấy.

Ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định:

Ngành chức năng và chính quyền các cấp phải tích cực, sẵn sàng chống hạn, hạn chế tối đa thiệt hại, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sạch nhằm cung cấp cho người dân.

Các địa phương phải xác định cụ thể vùng chủ động nước tưới, vùng thiếu nước tưới theo các mức độ khác nhau. Trên cơ sở đó, xây dựng và chỉ đạo kế hoạch sản xuất phù hợp. Những vùng sản xuất lúa, nhưng thường xuyên bị thiếu nhiều đợt tưới thì vận động nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn hoặc không sản xuất, vì kinh phí chống hạn còn cao hơn nhiều so với sản lượng lúa thu hoạch được.

Kỳ 1: Những con nước “khóc”… khô dòng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang