Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị trực tuyến của Chính phủ

Thứ Năm, 28/12/2017 11:40

|

(CAO) Sáng 28/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ bắt đầu Hội nghị trực tuyến kéo dài 1,5 ngày với các địa phương.

Đây hội nghị thường niên lớn nhất của Chính phủ để tập trung thảo luận những giải pháp triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trưởng các ban, cơ quan của Đảng; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Chủ nhiệm các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội và một số hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học.

Tại điểm cầu trực tuyến các địa phương có các đồng chí Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số khoảng gần 6.000 đại biểu tham dự.

Đây là lần đầu tiên, cuộc họp Chính phủ được đón Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Cấp cao của Đảng, Nhà nước đến dự. Sự kiện này thể hiện tính thống nhất cao trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với việc thực hiện nhiệm vụ chung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, nhìn lại năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình hình quốc tế và khu vực phức tạp, có nhiều bất ổn. Các nước lớn có sự điều chỉnh chiến lược và các chính sách –kinh tế thương mại, đối ngoại, tác động trực tiếp đến nước ta. Ở trong nước, thiên tai gây thiệt hại nặng nề ở miền Bắc, miền Trung, Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã làm hơn 367 người chết, thiệt hại về tài sản khoảng trên 60 ngàn tỷ đồng. Từ đầu năm 2017, nhiều động lực tăng trưởng chính như khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu gặp khó khăn, kinh tế vĩ mô chịu nhiều áp lực về lạm phát, tỷ giá, nợ công cao, nợ xấu ngân hàng tăng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống nếu không được xử lý thực chất…Lúc đó nhiều ý kiến cho rằng cần phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của nhân dân và tinh thần của doanh nghiệp Việt Nam. Kiên định mục tiêu tăng trưởng rất cao mà Quốc hội đã đề ra, rất nhiều ngành, địa phương đã chủ động, tiên phong thực hiện cải thiện môi trường đầu tư; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng cho biết, đến hôm nay, kết quả phát triển kinh tế xã hội đạt được khá toàn diện, tất cả chỉ tiêu mà Quốc hội đưa ra đều đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Chất lượng tăng trưởng nâng lên nhờ cả tăng năng suất lao động xã hội và cải thiện các chỉ số môi trường. Điều đáng lưu ý là kết quả tăng trưởng trên trong bối cảnh ngành khai khoáng giảm 7,1% và không dựa vào những công cụ kích cầu ngắn hạn mà tập trung nỗ lực phát huy tăng trưởng từ tiềm năng, lợi thế so sánh của các ngành và các địa phương.

Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện rõ rệt, triển vọng của hệ thống ngân hàng của Việt Nam được nâng từ “ổn định” lên “tích cực”. Đến nay đã cắt giảm trên 5.000 thủ tục hành chính. Nhiều bộ ngành đã quyết liệt cắt giảm từ 1/3- 1/2 thủ tục hành chính như yêu cầu đặt ra của Chính phủ.

Năm 2017 cũng là năm của chấn chỉnh kỷ cương, làm trong sạch một bước bộ máy Nhà nước với nhiều đại án tham nhũng lớn được thanh tra, điều tra nghiêm túc, đưa ra xét xử nghiêm minh, từng bước lấy lại được niềm tin của nhân dân..

Thủ tướng khẳng định, những kết quả trên là sự đồng tâm hiệp lực, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là sự cố gắng của người dân và doanh nghiệp. “Chính phủ muốn các chuyển động không được phép đừng lại và phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa vượt trên các thành tích mà 2017 đã đạt được, tiếp tục giải quyết những vấn đề của cải cách, đổi mới theo đường lối của Đảng đã đề ra mà càng dần về sau càng khó hơn.”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục như: Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, chất lượng và tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, năng suất lao động còn thấp, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhưng chất lượng, hiệu quả, quy mô hoạt động, sức cạnh tranh thấp. Tính kết nối giữa khu vực tư nhân trong nước và khu vực FDI còn nhiều hạn chế. Việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đạt thấp. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động của thị trường quốc tế còn yếu; dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ còn hạn hẹp trong khi nhu cầu nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh rất lớn. Còn những biểu hiện tiêu cực suy thoái đạo đức, lối sống gây bức xúc trong nhân dân ở một bộ phận cán bộ…

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ bước vào năm 2018, cần tận dụng đà phát triển của năm 2017 và thúc đẩy một chương trình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt và vượt những mục tiêu quan trọng đề ra cho năm tới và cho cả nhiệm kỳ.

Thủ tướng khẳng định tinh thần này sẽ được thể hiện trong phương châm 10 chữ của Chính phủ năm 2018 là: Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả. Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày tại Hội nghị về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu sẽ nghe các báo cáo tóm tắt về: Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017; tình hình thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội; kết quả thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0; kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017.

Bình luận (0)

Lên đầu trang