TP.Hồ Chí Minh: Hạ tầng kỹ thuật viễn thông quá tải

Thứ Tư, 23/08/2017 11:56

|

Việc ngầm hóa tuyến cáp viễn thông và lưới điện được TPHCM thực hiện từ năm 2013 đến nay. Tổng cộng có hơn 100 tuyến công trình với 255km tại khu vực các quận 1, 3, 5 và một số trung tâm hành chính các quận, huyện đã được ngầm hóa. Tuy nhiên, công tác ngầm hóa đang gặp nhiều khó khăn.

Kinh phí quá lớn, trung bình mỗi kilômét ngầm hóa tốn khoảng 3,5 tỷ đồng. Nguồn vốn này được huy động từ xã hội hóa, do các doanh nghiệp như Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Viễn thông TPHCM, Công ty cổ phần Viễn thông FPT, Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigon Tourist (SCTV)... Đặc biệt, xuất hiện hiện tượng quá tải hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông của thành phố.

KHU TRUNG TÂM VẪN NGỔN NGANG “MẠNG NHỆN”

Hiện nay, tại nhiều khu vực trung tâm TPHCM, vẫn còn tình trạng hệ thống cáp viễn thông chằng chịt. Tại Q1, các tuyến đường như: Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu (phường Phạm Ngũ Lão) tập trung lượng lớn khách du lịch quốc tế. Thế nhưng trên vỉa hè, dễ dàng trông thấy cảnh những bó cáp hàng trăm sợi, to như con trăn lớn, nằm vắt từ đầu đường đến cuối đường. Các tuyến đường như Cô Bắc, Cô Giang, Nguyễn Khắc Nhu (phường Cô Giang) cũng có cảnh dây cáp chằng chịt, bắt từ trụ điện này sang trụ điện khác. Tại ngã tư Cô Bắc - Đề Thám, Cô Giang - Đề Thám, các trụ điện phải “cõng” tới hàng trăm dây điện, dây cáp, tạo thành những bó lớn trông rất xấu xí.

Trên các tuyến đường Nguyễn Văn Tráng, Lê Thị Riêng và khu vực ngã sáu Phù Đổng (P.Bến Thành), tình trạng dây cáp viễn thông treo lủng lẳng cũng không hiếm. Tuyến cáp trên đường Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Văn Thủ, Phùng Khắc Khoan, Phan Liêm, Huỳnh Khương Ninh (P.Đa Kao) hiện đã được bó lại, nhưng vẫn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Tuyến đường Điện Biên Phủ thuộc địa bàn các phường 15, 17 (Q.Bình Thạnh) cũng trong tình trạng tương tự. Tại đầu các con hẻm 27, 75 (P15Q.Bình Thạnh), dây cáp sà xuống, che cả mặt tiền các dãy nhà gần đó.

Thời gian qua, việc ngầm hóa cáp viễn thông và lưới điện được các cơ quan chức năng cùng Tổng công ty (TCT) Điện lực TPHCM, Viettel, SCTV, FPT, Viễn thông TPHCM nỗ lực thực hiện. Riêng TCT Điện lực TPHCM đã thực hiện chủ trương ngầm hóa lưới điện của thành phố từ giai đoạn 2003 - 2005, khi thí điểm ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi. Tuy nhiên, trong thời gian đó, việc ngầm hóa lưới điện vẫn chưa đồng bộ, chưa kết hợp được việc ngầm hóa dây thông tin và chiếu sáng, nên tình trạng “mạng nhện” dây thông tin chưa được cải thiện triệt để.

Trong các năm 2009 - 2010, TCT Điện lực TPHCM triển khai các công trình ngầm hóa lưới điện, kết hợp ngầm hóa dây thông tin tại một số khu vực trung tâm thành phố, gồm khu vực xung quanh hội trường Thành ủy, chợ Bến Thành, các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn, Trương Định... Sau đó, đơn vị này tiếp tục tập trung ngầm hóa lưới điện trung thế, hạ thế trên các tuyến đường, con hẻm đã được xây dựng ổn định theo quy hoạch trên địa bàn Q1 và Q3.

Các công trình sử dụng giải pháp ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, quản lý tập trung hệ thống công trình hạ tầng ngầm kỹ thuật đô thị, bao gồm điện và viễn thông thông tin, phối hợp đồng bộ với công tác chỉnh trang, cải tạo vỉa hè, góp phần nâng cao năng lực cung ứng điện, an toàn trong vận hành lưới điện, đem lại vẻ mỹ quan đô thị, cải thiện môi trường sống cho người dân trong khu vực. Đến nay, tại khu vực trung tâm như các quận 1, 3, 5, việc ngầm hóa lưới điện, cáp thông tin đã được thực hiện đạt tới 90%.

ĐIỀU CHỈNH TIÊU CHUẨN PHÙ HỢP ĐẶC THÙ ĐÔ THỊ

Theo Đề án “ngầm hóa lưới điện TPHCM để nâng cao năng lực, độ tin cậy và an toàn cung cấp điện, kết hợp với ngầm hóa dây thông tin trên trụ điện giai đoạn đến năm 2020” được UBNDTP thông qua ngày 31-5-2011, cơ bản đến năm 2020, TCT Điện lực TPHCM sẽ cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện trung thế, hạ thế cho khu vực nội thành; các quận, huyện còn lại thực hiện ngầm hóa tại các khu trung tâm hành chính, thương mại. Đến năm 2025, sẽ cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện tại các quận, trung tâm hành chính huyện, khu đô thị mới, khu công nghiệp trên phạm vi toàn thành phố.

Để công tác ngầm hóa được tiến hành đồng bộ, TCT Điện lực TPHCM đã ký thỏa thuận nguyên tắc phối hợp triển khai các dự án ngầm hóa với Viettel, Viễn thông TPHCM, SCTV, FPT, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh điện lực TPHCM nhằm thực hiện đồng bộ các dự án ngầm hóa, hạn chế tối đa việc đào đường, vỉa hè nhiều lần, giảm bớt ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, giao thông đô thị, giảm lãng phí trong đầu tư chung của xã hội.

Tuy nhiên, công tác ngầm hóa đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài kinh phí ngầm hóa quá lớn, chủ yếu do doanh nghiệp đầu tư, hiện tại, các đơn vị thi công ngầm hóa bị vướng trong việc tìm vị trí lắp đặt trạm biến áp, tủ điện trung thế (RMU), tủ điện hạ thế, tủ thiết bị viễn thông, hầm cáp viễn thông.

Do đặc thù chung ở nước ta là “nhà nhà bám mặt tiền” nên nhiều người dân không cho đặt tủ điện trên vỉa hè trước nhà họ, ngay cả khi vị trí đặt tủ, trạm biến thế trước đây từng tồn tại ở các trụ điện, trạm hạ thế... Việc thuyết phục người dân đồng tình ủng hộ tốn nhiều thời gian. Mặt khác, tiến độ thi công các công trình ngầm hiện nay phụ thuộc rất lớn vào các công trình của Sở Giao thông - Vận tải, vì liên quan mật thiết tới việc đào đường, đào vỉa hè. Theo quy định, việc thi công các tuyến công trình ngầm chỉ được thực hiện vào ban đêm, từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, không được đào quá 250m/đêm. Việc tái lập vỉa hè phải được hoàn thiện ngay sau đó.

Điều đáng lo ngại nhất là hiện nay, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đang có hiện tượng quá tải. Theo kiến nghị của Sở Thông tin và Truyền thông gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, việc khai thác vận hành hệ thống kỹ thuật viễn thông đang tồn tại một số bất cập. Trong đó, các tiêu chuẩn kỹ thuật theo Quy chuẩn Việt Nam 33:2011 đang cần được điều chỉnh, để phù hợp với đặc thù của đô thị đặc biệt như TPHCM.

Hệ thống hầm cáp, bể cáp, tiêu chuẩn hệ số ống pi được xây dựng theo Tiêu chuẩn Việt Nam 33:2011 đang triển khai tại TPHCM, trung bình mỗi bể cáp chỉ lắp đặt từ 4 - 6 ống pi. Trong khi đó, các doanh nghiệp viễn thông phát triển ngày càng nhiều.

Trong thời gian tới, để đô thị ngày càng sạch đẹp, tăng mỹ quan cho các tuyến đường của thành phố, người dân cần ủng hộ, đồng thuận với chủ trương chung về ngầm hóa cáp viễn thông và lưới điện của TPHCM.

Kế hoạch ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn TPHCM được thực hiện theo Văn bản số 6976/KH-UBND do Phó chủ tịch UBNDTP Lê Mạnh Hà ký ngày 27-12-2013, với mục tiêu ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông treo trên trụ điện đạt 100% tại khu vực trung tâm thành phố, 50% tại các tuyến đường lớn, tuyến đường trọng điểm, tuyến đường chính nối các quận nội thành và huyện ngoại thành.

Ông Nguyễn Anh Vũ - cán bộ Tổng công ty Điện lực TPHCM:

Trên thực tế, việc ngầm hóa tốn rất nhiều kinh phí, nhưng TCT Điện lực TPHCM và các đơn vị viễn thông phải thực hiện vì chủ trương chung của thành phố. Tại các tuyến đường đã được ngầm hóa lưới điện, tuyến cáp viễn thông, mỹ quan đô thị được nâng lên rất nhiều, trị giá nhà, đất của người dân tại đây cũng được nâng lên.

Với đặc thù tại Việt Nam và TPHCM, phần lớn đều bám mặt tiền đường nên rất khó khăn cho công tác tìm vị trí để đặt tủ điện, trạm hạ thế, trung thế. TCT Điện lực TPHCM luôn cố gắng tìm địa điểm đặt tủ cắt điện, trạm hạ thế ở những nơi có vỉa hè rộng, thoáng, góc công viên... để ít gây ảnh hưởng nhất đến mỹ quan và giao thông.

Ông Hoàng Anh Nguyên (người dân Q1):

So với những năm trước đây, bộ mặt mỹ quan của TP đã chuyển biến rất nhiều, đặc biệt là các tuyến đường chính tại khu vực trung tâm Q1 do việc ngầm hóa hệ thống lưới điện, viễn thông. Những năm trước đây, đi ở khu vực trung tâm mà “mạng nhện” chằng chịt nhìn phát ớn. Rõ ràng là chủ trương ngầm hóa đã mang lại những hiệu quả rất lớn về mặt mỹ quan đô thị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang