UNESCO vừa công nhận thêm một CVĐC Toàn cầu ở Việt Nam

Thứ Năm, 12/04/2018 18:39

|

(CAO) Lúc 18 giờ ngày 12-4 (giờ Việt Nam) UNESCO đã chính thức thông qua nghị quyết công nhận Công viên địa chất (CVĐC) non nước Cao Bằng là CVĐC Toàn cầu. Sau Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), đây là CVĐC thứ hai của Việt Nam được UNESCO công nhận là CVĐC Toàn cầu.

Theo ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học, địa chất và khoáng sản, Non nước Cao Bằng là nơi sinh sống của 9 dân tộc ít người, trong đó chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng. Nơi đây đều còn lưu giữ được những truyền thống văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc, có xuất xứ cũng từ đặc điểm tự nhiên của vùng đất nơi họ sinh sống.

Về giá trị đa dạng sinh học, Non nước Cao Bằng có độ che phủ rừng lớn và điều kiện tự nhiên thuận lợi, có loài vượn Cao Vít ở Trùng Khánh nổi tiếng thế giới cùng các hệ sinh thái rừng rêu, rừng lùn... Đáng chú ý, đặc điểm địa chất và các giá trị di sản địa chất của toàn cầu Cao Bằng có nhiều điểm rất khác biệt.

Đoàn chuyên gia UNESCO khảo sát tại động Ngườm Ngao, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng

Viện trưởng Trần Tân Văn cho biết thêm, địa hình đá vôi ở Non nước Cao Bằng điển hình cho những giai đoạn cuối của chu trình tiến hóa karst, với những tháp karst rời rạc, nổi cao trên nền các thung lũng karst phẳng, rộng, mở, với những hang động chủ yếu đi ngang, vô cùng nhiều nhũ đá muôn hình vạn trạng và đặc biệt, với những hệ thống hồ-sông-hang ngầm khi đầy khi vơi (hệ thống Thang Hen).

Non nước Cao Bằng cũng rất độc đáo với cái gọi là "bồn trũng Cao Bằng" - một vùng đất bằng phẳng, rộng mênh mông với những cánh đồng lúa nước bát ngát giữa bốn bề núi non xung quanh - đúng với tên gọi của nó. Đây là hệ quả của một đới đứt gãy sâu - đứt gãy Cao Bằng-Tiên Yên đã xuất hiện từ cách ngày nay hàng trăm triệu năm và ngày nay vẫn còn đang hoạt động.

Dọc theo đới đứt gãy sâu này trong quá khứ đã từng diễn ra rầm rộ các hoạt động núi lửa, cả trên mặt đất lẫn ẩn sâu trong lòng đất, khiến cho khu vực này khá phong phú, giàu có về các loại hình khoáng sản, như thiếc, vàng, nicken, mangan..., thậm chí cả urani mà từ đây nữ bác học nổi tiếng thế giới Marie Curie đã phát hiện ra các nguyên tố Radium và Polonium từ những năm đầu của thế kỷ trước.

Được biết, quá trình xây dựng hồ sơ của Việt Nam diễn ra rất khẩn trương, quyết liệt, với sự vào cuộc một cách đồng bộ, rộng khắp của chính quyền địa phương các cấp và cộng đồng dân cư tỉnh Cao Bằng, cũng như sự hỗ trợ hết sức chặt chẽ, có hiệu quả của UBQG UNESCO Việt Nam. Ban quản lý CVĐC Non Nước Cao Bằng đã làm việc không quản ngày đêm để cùng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản hoàn chỉnh hồ sơ, nộp đúng hạn và đón các đoàn chuyên gia thẩm định.

Tất cả những hoạt động này là tiền đề để Hội đồng chấp hành Mạng lưới CVĐC Toàn cầu của UNESCO thống nhất trình UNESCO công nhận Non cước Cao Bằng là CVĐC Toàn cầu của UNESCO.

Bình luận (0)

Lên đầu trang