Cơn "đại hồng thủy"tại miền Trung:

Lũ ơi, đừng về!

Thứ Ba, 27/10/2020 09:02

|

(CATP) Chỉ có trực tiếp đi vào những vùng bị cơn lũ tràn qua, thì mới thấu hết nỗi đau mà những phận đời cơ cực đang trân mình gánh lấy. Mất sạch! Hết Sạch! Tan hoang! Chúng tôi chỉ có thể cô đọng những gì đang xảy ra bằng vài lời cảm thán như như thế, vì sẽ chẳng có ngôn từ nào đủ sức lột tả hết được sự tàn khốc ấy. Giờ, với người miền Trung, nếu có ai hỏi họ mong muốn điều gì thì chỉ một câu duy nhất: Đừng về nữa, lũ ơi!

Quê nghèo gồng lấy đau thương

Ngày 26-10, có lẽ là ngày khô ráo hiếm hoi tại xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình trong suốt một tháng nay. Đoàn cứu trợ chúng tôi đến xã khi nước đã rút dần sau những ngày mưa không có điểm dừng.

Báo Công an TPHCM làm nhịp cầu trao hơn 600 triệu đồng nhu yếu phẩm và tiền mặt cho “khúc ruột” miền Trung. Đây là chuyến cứu trợ thứ 2 của Báo CATP đối với đồng bào miền Trung từ khi đợt lũ lịhc sử xảy ra.

Cơn lũ vừa mới đi qua nhưng dấu tích để lại thì vẫn còn vẹn nguyên ở đó. Dọc các tuyến đường liên thôn, bùn lầy, đất đá, rác rưới vương vãi khắp nơi.

Đâu đó lại thấy những mái nhà xiêu vẹo, nhìn vào cứ tưởng chừng, chỉ một cơn gió mạnh ập đến cũng đủ để đẩy sập. Tiếng mái tôn mục bị chân người dậm phải, thi thoảng vang lên trơ trọi, rồi tắt dần theo bóng người đi.

Bên trong những xóm nghèo ở xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) là khung cảnh đổ nát, thê lương

Tiêu điều! Đổ Nát! Tan hoang…! Tất cả như một bãi chiến trường theo đúng nghĩa đen. Nét buồn hằn lên đôi mắt của những phận đời cực khổ. Xóm nghèo bao trùm một bầu không khí thê lương. Trận lũ đã đến rất tàn khốc!

Chị Trương Đan Thuỷ - một mạnh thường quân đi cứu trợ, đã không kiềm được nước mắt khi chứng kiến cảnh đau thương tại vùng rốn lũ Quảng Bình

Chỉ cách đó vài ngày, toàn bộ huyện Lệ Thuỷ với 26 xã, thị trấn bị chìm trong biển nước. Mực nước của các con sông lớn đồng loạt dâng cao đến mức không tưởng, khiến người dân thất thủ. Riêng tại xã Lộc Thuỷ, gần 8km2 với hơn 4.000 người dân bị dòng nước xiết bao vây và cô lập hoàn toàn.

Lũ rút, người miền Trung gạc qua đau thương để phải tái thiết tương lai

Trong ký ức của các cụ già nơi đây, trận lũ kinh hoàng nhất đối với họ đã qua hơn 20 năm (trận lũ lịch sử năm 1999). Hồi đó, cả một vùng quê oằn mình trong tan tác, đau thương.

Từ độ ấy, năm nào người miền Trung cũng sống trong cảnh “chạy lũ”. Trận lũ nào cũng lớn, cũng kinh hoàng! Riết rồi người ta quen với cái “trái tánh” của ông trời. Và họ cam chịu, tiếp tục lao động cật lực, bám đất vươn lên. Nhưng sức chịu đựng của con người thì có giới hạn!

1900 thùng trà sữa dinh dưỡng và 200 thùng nước lọc của Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát đã đến được với người dân vùng lũ

Thôn An Xá, xã Lộc Thuỷ là địa bàn được cơ quan chức năng đánh giá là bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại huyện Lệ Thuỷ, sau khi nước lũ rút đi. Ông Nguyễn Minh Liền năm nay đã hơn 70 tuổi, 2 vợ chồng sống trong cảnh neo đơn vì con cái đi làm xa.

Nhà gần mé sông, trong đêm, lũ từ trên cao đổ về tạo thành sóng, đánh sập căn nhà trong tích tắc. Hai vợ chồng ông cụ may mắn bảo toàn tính mạng nhờ được hàng xóm cứu thoát nhưng nhà thì còn đâu? “Tôi bất lực rồi! Ông Trời sao nỡ gieo xuống tai ương?” – ông Liền nhìn vô vọng.

Các chiến sĩ công an tỉnh Quảng Bình đang tất bật vận chuyển hàng để phân phát cho các bà con vùng rốn lũ 

100 nhà dân ở thôn nghèo này bị sập gần như toàn bộ, phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất mấy ngày nay. Lũ về, nước chảy quá xiết, căn nhà vốn đã dột nát của anh Đoàn Công Lĩnh (SN 1973) lập tức bị cuốn phăng.

Hết đường, anh Lĩnh chỉ kịp đưa gia đình và bàn thờ ông bà chèo xuồng chạy sang hàng xóm cao hơn để tránh. Phận người giữa dòng lũ dữ nhỏ bé làm sao? Mới trưa nay, khi đoàn chúng tôi đến, mấy cha con anh Lĩnh vẫn kiên nhẫn lội bùn nhặt nhạnh từng tấm tôn bị lũ cuốn ra cánh đồng phía xa, hy vọng vớt vát lại được chút gì còn lại. Nỗi bất lực không thể thốt thành lời!

Lũ và tương lai…

Trước đó một ngày, đoàn xe chúng tôi phải mất cả buổi sáng để trườn lên được những khúc đèo quanh co trên Quốc lộ 12A, mang theo nhu yếu phẩm cứu trợ bà con hướng lên xã Ngư Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Dọc 2 bên đường là những đoạn bị sạt lở, hàng lớp đất đá, cây đổ đè lên nhau khiến chiếc xe di chuyển hết sức khó khăn. Bánh xe lăn mang theo nỗi nơm nớp, lo âu.

Bamboo Airways vận chuyển hàng cứu trợ miễn phí đến với người dân miền Trung

Người dân ở xã vùng cao này cách đó vài hôm, đã phải hứng chịu những trận lũ quét, lũ ống từ thượng nguồn đổ về. Trong những ngày mực nước dâng lên đỉnh điểm, bà con bị tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài trong điều kiện “3 không”: không điện, không nước và không lương thực.

Đoàn xe cứu trợ vất vả trườn qua cung đường đèo bị sạc lở, cố gắng mang nhu yếu phẩm đến với bà con miền núi Tuyên Hoá

Thấy xe đoàn cứu trợ chúng tôi đến, trẻ nhỏ reo hò vẫy gọi, còn người lớn thì cũng mừng rơi nước mắt. Đây là địa bàn rất hiểm trở nên từ ngày lũ về, ít đoàn từ thiện tìm đến giúp bà con. Hơn 150 suất quà cứu trợ (mỗi phần trị giá 500 ngàn, gồm: 300 ngàn nhu yếu phẩm và 200 ngàn tiền mặt) đã được đoàn trao gửi đến tận tay bà con.

Thiếu tá Nguyễn Nam Thành, Phó ban Hành chính - Trị sự Báo Công an TPHCM cùng nhà tài trợ trao quà cho người dân

Tại các xã khác như Văn Hoá (huyện Tuyên Hoá), xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch), mỗi điểm chúng tôi cũng trao 150 suất quà có giá trị tương tự. Riêng tại thị trấn Ba Đồn, đoàn đã trao 15 phần quà cứu trợ cho các hộ dân thuộc diện khó khăn nhất (mỗi phần trị giá 500 ngàn đồng) và thăm hỏi các cụ bà là lão thành cách mạnh, có nhà bị ngập trong lũ dữ.

Đợt này, Báo Công an TPHCM còn trao cho Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Quảng Bình 10 triệu đồng, Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị 10 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của bạn đọc.

Gần một tháng nay, các cán bộ - chiến sỹ Công an tỉnh phải căng mình trực chiến ứng cứu người dân và thực hiện công tác hướng dẫn, hỗ trợ các đoàn cứu trợ. Trong ảnh là Thượng uý Dương Quốc Khánh - Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Bình đang trao quà cho người dân vừa trải qua trận lũ quét tại xã Ngư Hoá, huyện Tuyên Hoá

Đây là những đơn vị vừa căng mình trực chiến ứng cứu người dân trong lũ dữ, vừa nhận nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ các đoàn từ thiện cứu trợ tại Quảng Bình suốt 1 tháng nay.

Lực lượng Công an và chính quyền địa phương cùng chung tay giúp đỡ người dân sau lũ dữ. Trong ảnh, Đại uý Đinh Xuân Hoàng – Phó bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Bình và một cán bộ xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch) đang phối hợp phát loa thông báo người dân nhận quà

Ngoài ra, đoàn còn đến thăm hỏi, trao gửi cho gia đình liệt sỹ Phạm Văn Thái (chiến sỹ Quân khu 4, Bộ Quốc phòng) - một trong 22 đồng chí hy sinh trong vụ sạt lở tại Quảng Trị 10 triệu đồng từ nguồn đóng góp của bạn đọc - mong được phần nào chia sẻ nỗi đau.

Thiếu tá Nguyễn Nam Thành cùng các thành viên trong đoàn thăm hỏi, trao gửi cho gia đình liệt sỹ Phạm Văn Thái (chiến sỹ Quân khu 4, Bộ Quốc phòng)

Chiều tắt nắng, đoàn chúng tôi cất bánh rời đi trong sự quyến luyến của dân vùng lũ. Bất chợt ở một đoạn đường quê tại xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, chúng tôi nhìn thấy những trang sách bị ướt nhoè, được phơi trước thềm nhà một hộ dân.

Mái trường tiểu học chỉ nằm cách đó không xa, nhưng lớp bùn đất là tàn dư của trận lũ, vẫn còn đóng thành lớp từng dày cộm. Đó là minh chứng cho sự gián đoạn học hành của trẻ thơ. Lại nhớ đến ước mơ thoát lũ của em Lý Ngọc Quỳnh Anh Thư – cô bé người Quảng Trị có ánh mắt biết nói mà chúng tôi đã gặp trước đó một tuần trong rốn lũ. Vâng, chỉ khi lũ dữ không hoành hành nữa thì mới mong sớm thoát khỏi cái nghèo, tìm tương lai sáng!

Hơn 300 áo phao được chuyển tặng cho các em nhỏ trong vùng rốn lũ
Ánh mắt thơ ngây của trẻ em vùng lũ có gì đó quá xót xa
Những cuốn tập ướt nhoè dòng mực được phơi sau khi lũ rút. Nhìn cảnh này, chúng tôi trăn trở suốt đường về

Nhưng nếu rừng còn mất, thuỷ điện vẫn còn làm vô tội vạ, và một bộ phận con người còn vẫn còn xem thường giá thị của thiên nhiên, thì biết đến chừng nào? Đài báo tin, hai hôm nữa, một cơn bão khủng khiếp có khả năng sẽ lại đổ bộ vào dải đất miền Trung…

Những tấm lòng đến với đồng bào trong lũ dữ

Để có chuyến cứu trợ thành công, an toàn này, Báo Công an TPHCM đã được sự giúp sức của Hội Chữ thập đỏ TPHCM và Phòng Công tác Đảng và Công tác Chính trị Công an tỉnh Quảng Bình (thông qua Đoàn Thanh niên Công an tỉnh).

Trước đó, khi nước lũ đang lên vượt mức kỷ lục ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình..., Ban biên tập Báo Công an TPHCM đã kêu gọi bạn đọc chung tay chung sức hướng về miền Trung ruột thịt.

Sau khi Báo Công an TPHCM kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung, cùng với nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, chúng tôi nhận được 1900 thùng trà sữa dinh dưỡng, 200 thùng nước lọc của Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát; 200 thùng sữa tươi của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamik) và hàng trăm phần quà là áo phao, đèn pin, dầu gội, bột giặt, thuốc men… từ bạn đọc đã được chở đến Toà soạn để nhờ báo làm nhịp cầu cứu trợ miền Trung. Tổng trị giá số hàng đợt này hơn 500 triệu đồng và đó đều là những nhu yếu phẩm cực kỳ thiết yếu lúc này cho đồng bào đang bị chi cắt trong vùng lũ.

Trong tình hình nước lũ dâng cao liên tục chia cắt Quốc Lộ 1A như hiện tại thì làm sao để vận chuyển số hàng này ra đến nơi cần nó đúng thời điểm? May mắn nhờ sự hỗ trợ tận tình của Hãng hàng không BamBoo Air Ways; Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn; các Công ty Vận tải dịch vụ: Hoàng Tuấn, Duyên Hà… Nhờ vậy, chuyến hàng đã được lăn bánh, ráp nối đúng thời điểm, thậm chí được vận chuyển lên những vùng cheo leo nhất!

Người miền Trung hơn lúc nào hết, đang rất cần những chuyến hàng mang yêu thương để họ vơi bớt khổ đau

Đi chung đoàn cứu trợ của Báo Công an TPHCM và Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Bình lần này còn có các công dân của TPHCM nghĩa tình, đó là chị Trương Đan Thuỷ, anh Nguyễn Tuấn Dũng và anh Tống Công Tuấn. Kể từ ngày đợt lũ lịch sử hoành hành đến nay, họ đã tự bỏ tiền túi và cả kêu gọi cộng đồng, liên tục lăn xả vào các vùng rốn lũ từ Quảng Trị ra Quảng Bình để cứu trợ cho người dân đang khốn khó. Nhờ sự cộng hưởng ấy mà chỉ trong 2 ngày, chị Thuỷ đã quyên góp được 80 triệu đồng, anh Dũng được 35 triệu đồng, còn anh Công Tuấn gom được hàng trăm cái áo phao, cộng thêm sữa, nước…. Tất cả họ đã mang ân tình của người dân ở Thàng phố mang tên Bác, cùng tiếp sức cho chuyến đi.

“Tôi bán chân gà đã hơn 10 năm trên facebook nên cũng có rất nhiều bạn theo dõi. Từ trước đến giờ tôi ít bao giờ vận động ai làm từ thiện, chỉ tự bỏ tiền túi và âm thầm đi. Nhưng trong đợt lũ này, nghe tin Báo Công an có chuyến cứu trợ ở Quảng Bình, tôi nghĩ rằng mình cứ thử vận động bạn bè. Không ngờ chỉ trong 2 ngày, tôi đã được mọi người đóng góp 80 triệu đồng. Trong cơn bĩ cực, mới biết tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt chúng ta lớn đến mức nào” – chị Trương Đan Thuỷ bộc bạch.

Tại TP.Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, khách sạn Xanh Hotel (thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Tuy Hoà Xanh) cũng chung nhịp đập hướng về đồng bào. Đọc tin trên Báo Công an TPHCM, khách sạn này đã mở lòng quyên góp được 30 triệu đồng từ các tấm lòng hảo tâm, đồng hành với Báo Công an TPHCM hướng về đồng bào đang lũ lụt.

Trận đại hồng thủy đi vào lịch sử

Chỉ có ai trực tiếp đi vào những điểm nóng của đợt lũ lần này - đợt lũ mà cả người dân và cơ quan chức năng đều đánh giá đã vượt lên cơn đại hồng thủy năm 1979 và 1999, chứ không phải là trận lũ đơn thuần - mới thấy hết sự phẫn nộ của “mẹ thiên nhiên” trút xuống như thế nào với người dân vô tội, mức tàn phá là quá kinh khủng!

Trước cơn đại hồng thủy chưa từng có trong lịch sử thiên tai của tỉnh này, từ miền núi đến miền xuôi, nơi đâu cũng ghi nhận mức lũ lụt kỷ lục. Từ sáng 18-10, lũ được ghi nhận ở mức vượt ngưỡng lịch sử 10 năm qua, đến chiều cùng ngày, lũ dâng cao vượt ngưỡng lũ lịch sử năm 1979. Rạng sáng 19-10, nhiều nơi vượt mức lũ lớn đã cao và dữ nhất từ năm 1950 đến nay. Vậy mới thấy đợt lũ này cả người dân và chính quyền các tỉnh miền Trung phải hứng chịu biết bao thiệt hại và đau thương!

Bình luận (0)

Lên đầu trang