Những món quà sưởi ấm đêm Giao thừa

Thứ Sáu, 16/02/2018 01:10

|

(CAO) 23 giờ đêm 30 Tết, khi phút giao thời của năm mới đã cận kề thì ở trên những góc phố, vẫn còn nhiều mảnh đời co ro trong màn sương đêm. Những tưởng họ sẽ đón chào một năm mới lạnh lẽo thì món quà của những vị khách xa lạ mang đến đã làm nụ cười trên môi họ chợt hé. Đó dù chỉ là những cái bánh chưng truyền thống nhưng như thế cũng là quá đủ để sưởi ấm trái tim của những con người chưa có Tết.

Đêm 30 Tết (15-2), những mẻ bánh chưng hảo hạng trong căn nhà số 50 Hàm Nghi, Q1 (TP.HCM) vừa mới ra lò đã được nhiều chiếc xe đã đậu sẵn trước đó gấp rút chuyển đi nơi khác. Điểm đến sẽ là không cố định, vì chúng được dành tặng cho những “cư dân đường phố” chưa có Tết.

Năm nay đã hơn 37 lần bà Nguyễn Thị Dậu (hay còn gọi là bà Như Lan – chủ tiệm bánh Như Lan) làm bánh chưng Tết. Đặc biệt ở chỗ, bánh bà làm không chỉ để bán mà còn để sẻ chia ân tình cho người nghèo khó.

Chúng tôi đã theo chân những chuyến xe từ cơ sở bánh Như Lan đi hết các nẻo đường trung tâm, ra tới cầu Ông Lãnh, cầu Chữ Y… để tận tay trao những chiếc bánh chưng nóng hổi cho người vô gia, các công nhân quét rác. Đó đều là những mảnh đời chưa có một cái Tết ấm cúng, trọn vẹn, dù đây đã là đêm Giao thừa.

Nhận bánh trên tay, nhiều người dân đã rất xúc động trước tấm lòng mà bà chủ Như Lan cùng các tình nguyện viên đã dành tặng cho mình. “30 Tết rồi! Tôi phải nằm ở đây vì không có nhà. Những tưởng đêm nay sẽ lại là một đêm Giao thừa lạnh lẽo nhưng món quà ý nghĩa này đã sưởi ấm trái tim tôi rất nhiều. Cảm ơn cô Như Lan và các anh, chị”, chú Nguyễn Văn Hiệp – một người sống vô gia cư trên cầu chữ Y - nghẹn ngào nói.

Với người Sài Gòn, đặc biệt là với những người lao động nghèo, bà Như Lan chắc không mấy xa lạ. Ngần ấy năm làm nghề bán bánh, những đồng tiền lời tích góp được, bà dùng một phần lớn vào việc giúp đỡ người nghèo khó, xây cầu, đường cho những vùng quê hẻo lánh. Việc bà làm, thầm lặng và bộc trực như chính tính cách hào sảng của bà.

Bà cho rằng chiếc bánh chưng, bánh tét không chỉ chứa đựng trong đó nét văn hóa Tết cổ truyền của người Việt mà còn mang theo nghĩa cử cao đẹp. Đó là dư vị của ngày tết, là truyền thống của cha ông và cả những nỗi niềm của người phương Nam cởi mở.

“Tôi còn nhớ như in cái đêm 30 Tết mấy năm trước. Tiệm tôi ra 3.000 ngàn cái bánh. Ai nấy cũng lật đật mang đi cho người nghèo, sinh viên xa nhà không có tiền về quê ăn Tết. Tôi luôn tâm nguyện mình bán hàng chất lượng cho khách hàng, xây dựng thương hiệu uy tín, khi làm ăn có lời thì xây cầu, xây đường, giúp đỡ cho người nghèo. Làm được vậy tôi vui lắm!” – bà Như Lan tâm sự.

Sài Gòn những ngày cuối năm đã bớt náo nhiệt hơn thường lệ. Ai rồi cũng trở về với mái ấm ở quê nhà, đón chờ một cái tết đoàn viên. Nhưng cũng còn đó những con người chưa có tết. Với họ, cứ mỗi năm được cầm trên tay chiếc bánh chưng nghĩa tình của bà Như Lan vào phút giao thời, cũng giống như là được chia Tết…

Sài Gòn lắm bao dung: Đêm, chúng tôi dọc theo những con đường vắng vẻ, nơi có người vô gia cư để tặng bánh chưng thì gặp được anh Đinh Văn Dương (quê Hà Tĩnh), cũng đang đi tặng quà Tết cho người nghèo. Anh Dương kể rằng mình làm công nhân ở TP.HCM, năm nay không có điều kiện về Tết nên ở lại.

Nhiều đêm đi làm về, thấy trên vỉa hè, dưới gầm cầu còn nhiều bà con sống cảnh “màn trời chiếu đất”, dù cái Tết đã cận kề. Bấm bụng, anh mua ít quà, âm thầm tìm đến họ sẻ chia. Phần quà của chàng thanh niên này dù chỉ là một vài mẩu bánh nhỏ, nhưng khi cầm trên tay, ai nấy cũng rưng rưng cảm xúc.

Một câu chuyện nhỏ vào đêm cuối năm nhưng bấy nhiêu ấy thôi cũng đủ để lan toả được một nghĩa cử to lớn của vùng đất, con người sống ở nơi đây. Sài Gòn, bình dị và bao dung từ những điều như thế!

Cơ sở bánh Như Lan cùng các tình nguyện viên tặng bánh cho người vô gia cư, người nghèo đêm 30 Tết
: Anh Đinh Văn Dương (quê Hà Tĩnh) với những món quà nhỏ nhưng giàu lòng nhân ái đã sưởi ấm rất nhiều trái tim của người nghèo trong đêm Giao thừa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang