Định hướng phát triển du lịch Việt Nam có chiều sâu và chất lượng cao

Thứ Bảy, 10/09/2016 19:38  | Hoàng Sơn

|

(CAO) Với mục tiêu thúc đẩy Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngành Du lịch Việt Nam phải chú trọng phát triển du lịch theo chiều sâu, có chất lượng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ với tiêu chuẩn cao.

Tọa đàm “Giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trở thành Ngành kinh tế mũi nhọn” - Ảnh: Vũ Nguyễn

Vừa qua (8-9), Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm “Giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trở thành Ngành kinh tế mũi nhọn”. Sự kiện được diễn ra trong khuôn khổ “Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM – ITE HCMC 2016”, với hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong ngành Du lịch tham dự.

Trong buổi tọa đàm, nhiều đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch đưa ra những ý kiến về việc ngành du lịch Việt Nam tuy có nhiều thế mạnh về vị trí địa lý, ẩm thực, văn hóa… nhưng khả năng cạnh tranh yếu kém so với các quốc gia trong khu vực.

Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch – Ông Nguyễn Văn Tuấn đánh giá, ngành du lịch trong những năm qua đã thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh. Nhưng cần định hướng rõ ràng, không phát triển theo hướng tùy tiện, tràn lan mà cần dựa vào lợi thế cạnh tranh từng vùng, từng địa phương và phải tuân thủ theo quy luật của kinh tế thị trường. Cơ quan quản lý hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch bằng những biện pháp thiết thực, cụ thể.

“Ngành du lịch cần phải đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh theo hướng cải thiện quy trình; thực hiện cấp thị thực điện tử từ ngày 1-1-2017; rút ngắn thời gian xin thị thực; phát triển cơ sở giao thông từ đường bộ, đường thủy, đường hàng không,…”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhận định.

Theo ông Võ Anh TàiTổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại một hội nghị toàn quốc về việc phát triển du lịch thành công thì thể chế chính sách pháp luật phải tạo điều kiện cho ngành.

Quan cảnh buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trở thành Ngành kinh tế mũi nhọn” - Ảnh: Vũ Nguyễn

Lĩnh vực kinh doanh du lịch, lữ hành cần có những điều kiện thành lập, tỉ lệ góp vốn, thị trường khai thác, số lượng hướng dẫn viên cơ hữu có khả năng đáp ứng ngôn ngữ của thị trường kinh doanh,… bởi lẽ hoạt động kinh doanh này liên quan đến tính mạng con người, độ an toàn cũng như uy tín và hình ảnh của quốc gia.

Từng bước hướng tới ngành kinh tế mũi nhọn

Tại buổi khai mạc Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM – ITE HCMC 2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Ông Nguyễn Ngọc Thiện đã phát biểu: “Du lịch được coi là ngành kinh tế quan trọng tại nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trong những năm qua, du lịch đã phát triển không ngừng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác giữa các quốc gia

Năm 2015, Du lịch Việt Nam đón 7,92 triệu lượt khách quốc tế, 57 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu du lịch đạt 338 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,6% GDP. Tám tháng đầu năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 6.5 triệu lượt, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Những con số cho thấy Du lịch Việt Nam đang trỗi dậy từng bước.

Du lịch Việt Nam phải chú trọng phát triển du lịch theo chiều sâu, có chất lượng, thương hiệu và sức cạnh tranh. Cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ với tiêu chuẩn cao; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch luôn được coi là nhiệm vụ then chốt quyết định đến hiệu quả tăng trưởng du lịch. Góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

“Tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế được cấp phép là 1.519 doanh nghiệp; là con số quá lớn so với nhu cầu. Điều này dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh như chất lượng không đạt yêu cầu, bán sản phẩm phá giá,… ảnh hưởng lớn đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Do đó, mức ký quỹ, người đại diện pháp luật,… cần quy định cụ thể chứ không thể giản lược như dự thảo hiện nay”, Ông Võ Anh Tài trao đổi tại buổi tọa đàm

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhận định việc thiếu bộ phận xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, cụ thể là việc mỗi đợt hội chợ quốc tế lại đưa cán bộ mới tham dự và trong các năm trước khâu chuẩn bị về tài liệu quảng bá, bố trí gian hàng vẫn chưa được trau chuốt kỹ lưỡng.

“Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì cần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp du lịch uy tín, thế mạnh trở thành vai trò chủ lực trong việc khai thác thị trường mới. Các cơ quan quản lý cần rà soát, kiểm tra, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, kinh doanh trái phép”, ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtours, đề xuất tại buổi tọa đàm.

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều đơn vị còn đưa ra những ý kiến từ việc định vị thế mạnh của đơn vị và các quốc gia xung quanh, nhằm đưa ra những chiến lược dài hạn và tại các chương trình quảng bá phải có hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc thành lập doanh nghiệp lữ hành trong nước khá thoáng đã khiến thị phần lữ hành bị phân tán nhỏ. Các doanh nghiệp không dám đầu tư đột phá do lo sợ bị “ăn cắp chất xám”.

8 tháng đầu năm 2016, những chính sách của ngành Du lịch được Chính phủ cởi trói, lượng khách quốc tế đến với Việt Nam đạt 6,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 25% so với cùng kỳ 2015); 43,1 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu đạt 265.000 tỉ đồng (tăng 22,5% so với cùng kỳ 2015).

Tháng 8 được doanh nghiệp du lịch đánh giá tháng thấp điểm nhất trong năm, nhưng trong năm nay lượt khách quốc tế tăng đạt mức kỷ lục với 900.000 khách quốc tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang