Thêm nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo công nghệ cao

Thứ Ba, 26/05/2020 17:23

|

(CATP) Thủ đoạn giả danh công an, viện kiểm sát để lừa đảo chuyển tiền diễn ra trong nhiều năm nay, cơ quan công an đã nhiều lần khuyến cáo các đơn vị báo chí truyền thông đã cảnh báo rất nhiều nhưng một số người nhẹ dạ, cả tin vẫn trở thành nạn nhân của bọn tội phạm.

Sáng 14-5, anh Nguyễn Văn Danh (SN 1974, ngụ huyện Bình Chánh) đang ở nhà thì nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là nhân viên bưu điện, báo anh có bưu phẩm với nội dung nợ số tiền 46 triệu đồng từ khoản nợ mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhanh Hà Nội. Anh Danh vô cùng sửng sốt và cố giải thích, bởi trước đó anh không hề ra Hà Nội mở thẻ tín dụng.

Ngay lúc đó, nhân viên bưu điện nối máy vào đường dây nóng để báo công an thì gặp điều tra viên Lê Văn Hùng. Người này cung cấp một số thông tin về cá nhân anh Danh và bảo sẽ kiểm tra kỹ về vụ việc của anh. Sau đó, Hùng liên lạc lại và cho biết anh Danh nằm trong tổ chức buôn ma túy xuyên quốc gia. Để trấn áp tinh thần, điều tra viên Hùng đe dọa sẽ thi hành lệnh bắt giữ ngay anh Danh để điều tra về hành vi "rửa tiền", tiếp tay cho tội phạm.

Trong lúc anh Danh còn đang bàng hoàng thì Hùng yêu cầu anh phải chuyển 50 triệu đồng bằng hình thức Internet Banking vào số tài khoản mà Hùng cung cấp để họ kiểm tra, đối chiếu xem anh có thực hiện hành vi "rửa tiền" không. Để chứng minh mình không liên quan đến tội phạm, anh Danh lập tức chuyển số tiền trên vào tài khoản Hùng cung cấp. Tưởng mọi việc đã êm xuôi thì ít phút sau, anh Danh tiếp tục nhận được điện thoại của Hùng yêu cầu chuyển tiếp 50 triệu đồng vào tài khoản mà Hùng chỉ định. Đến lúc này, anh Danh bỗng giật mình liền chia sẻ câu chuyện của mình cho bạn bè và người thân thì mới té ngửa bị lừa, anh vội tìm đến cơ quan công an trình báo sự việc.

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo qua điện thoại, bằng công nghệ cao, báo chí, ngành chức năng cảnh báo nhiều, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác (ảnh minh họa).

Là nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo trên còn có chị Kiều Thị Quỳnh Như (SN 1994, ngụ Đồng Nai). Khoảng trưa 12-5, chị nhận được điện thoại của người đàn ông tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo liên quan đến đường dây buôn ma túy, mại dâm mà cơ quan điều tra đang thụ lý. Sau đó, họ nhiều lần yêu cầu chị Như chuyển tiền vào số tài khoản lạ để họ điều tra án, hứa khi điều tra xong sẽ gửi lại tiền. Tin tưởng, chị Như nhiều lần chuyển tiền với tổng cộng khoảng 20 triệu đồng. Nhưng sau đó biết chị Như không còn xoay sở được nữa thì chúng lặn mất tăm và cắt đứt liên lạc. Lúc này, chị Như mới biết mình bị lừa bởi kịch bản hoàn hảo của bọn tội phạm.

Không chỉ vào vai nhân viên bưu điện, công an hay viện kiểm sát, gần đây kẻ gian còn đóng vai nhân viên điện lực đến gõ cửa nhà dân để thu tiền rồi chiếm đoạt. Cụ thể, sáng 17-1-2020, chị Hồ Thị Thẩm Mỹ (SN 1989) đang ở nhà trên đường Trần Khắc Chân (Q1) thì chuông cửa đổ dồn. Gia chủ chạy ra mở cửa, thấy một thanh niên mặc đồng phục và đeo thẻ nhân viên Viettel. Anh này cho biết đến nhà thu tiền cáp và internet. Sau đó, anh ta đưa ra các gói khuyến mãi cực kỳ hấp dẫn với thời lượng 3 tháng mà chỉ phải đóng gần 4,4 triệu đồng. Khi chị Mỹ đồng ý mua gói cước trên thì anh ta đã viết phiếu thu giao dịch để tạo lòng tin. Một tuần sau đó, chị

Mỹ hoảng hồn khi Công ty Viettel thông báo cáp và internet nhà chị chưa thanh toán phí và sẽ bị cắt hợp đồng! Chị Mỹ vội cung cấp thông tin về nhân viên thu tiền thì nhận được câu trả lời rằng người thu tiền của gia đình chị đã nghỉ việc cách đó cả nửa năm.

Do dịch bệnh Covid-19 hoành hành nên việc cho thuê căn nhà mặt tiền để lấy nguồn thu nhập lo cho gia đình của anh Nguyễn Vũ Anh (SN 1963, ngụ Q.Bình Thạnh) gặp không ít khó khăn. Sau nhiều tuần treo biển, đến giữa tháng 5-2020, anh Vũ Anh quyết định đăng thông tin cho thuê nhà trên mạng. Sau đó vài giờ, anh nhận được cuộc gọi của nam thanh niên sử dụng số ĐT +1 (559) 6664447 cho biết hiện đang sinh sống ở nước ngoài nhưng muốn thuê nhà để người thân kinh doanh.

Khi chốt giá xong, đối tượng thỏa thuận sẽ chuyển tiền đặt cọc cho anh Vũ Anh qua hệ thống Western Union nên yêu cầu chủ nhà cung cấp số tài khoản. Anh ta cho biết sau khi anh Vũ Anh nhận được tin nhắn thì phải nhấp vào đường link để nhận tiền. Tưởng thật, anh Vũ Anh liền làm theo. Tuy nhiên, sau đó tiền đặt cọc thuê nhà chả thấy đâu trong khi tài khoản của anh bị mất số tiền 59 triệu đồng...

Từ các vụ việc trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác khi giao dịch tiền bạc với người lạ, đặc biệt khi họ gửi đến những đường link lạ thì không nên truy cập vào bởi khi đã đánh cắp được thông tin trong tài khoản thì ngay khi truy cập vào đường link lạ, bọn tội phạm công nghệ cao sẽ nhanh chóng lấy cắp hết số tiền trong tài khoản.

Bình luận (0)

Lên đầu trang