Bi hài khi lấy lời khai người câm điếc phạm tội

Thứ Hai, 06/05/2019 18:46

|

(CATP) Khi một vụ án xảy ra, việc điều tra để tìm ra thủ phạm đã là cuộc đấu trí cân não giữa lực lượng công an và một cái bóng chưa rõ, nhưng không ít điều tra viên còn gặp phải tình huống dở khóc, dở cười khi tìm ra thủ phạm là đối tượng bị câm điếc bẩm sinh, dùng tay để nói chuyện.

Đối tượng “5 không”

Đầu năm 2019, Cơ quan CSĐT Công an Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội mới kết thúc điều tra vụ việc đối tượng Đỗ Văn Trọng (SN 1985, trú xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội) trộm cắp điện thoại từ tháng 7-2018.

Các điều tra viên cho hay, sở dĩ vụ án có quá trình điều tra dài là vì Đỗ Văn Trọng bị câm điếc bẩm sinh, lại có bệnh án tâm thần nên phải chờ kết quả giám định tâm thần tại thời điểm xảy ra vụ án thì mới xác định được Trọng có tội hay không có tội dù trước đó, anh này đã có 2 tiền án.

Cơ quan CSĐT CAQ.Bắc Từ Liêm lấy lời khai Đỗ Văn Trọng với sự tham gia của 2 phiên dịch và người giám hộ

Bị câm điếc bẩm sinh, nhưng Đỗ Văn Trọng cũng chưa từng được học qua bất cứ trường lớp nào, bởi vậy nên cách anh ta sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cũng hoàn toàn… bẩm sinh. Trình độ văn hóa là 0/12 nên việc hỏi đáp thông qua giấy bút là hoàn toàn không thể.

Vì vậy ngay từ những ngày đầu tiên thực hiện lệnh tạm giữ hình sự Đỗ Văn Trọng, cán bộ thụ lý vụ việc đã phải thuê tới 2 phiên dịch là nhân viên Công ty Hỗ trợ và kết nối người điếc với cộng đồng trợ giúp. Người thứ nhất cũng câm điếc bẩm sinh như Trọng thì mới có thể hiểu được ngôn ngữ ký hiệu Trọng sử dụng.

Sau đó, người phiên dịch đã học qua trường lớp truyền tải lại với người bình thường hiểu ngôn ngữ ký hiệu để cung cấp cho cơ quan công an. Và từ khi bị tạm giữ, tạm giam và đến khi kết thúc điều tra, điều tra viên phải tự thanh toán số tiền 11 triệu đồng cho 2 phiên dịch vì khoản tiền này không nằm trong bất cứ “hạng mục” nào của quá trình điều tra.

Trong vụ án Đỗ Văn Trọng, cơ quan điều tra còn may mắn vì Trọng có mẹ là người giám hộ, có mặt đầy đủ trong các cuộc lấy lời khai. Còn trong một vụ án trộm cắp tài sản, giết người xảy ra tại Đồng Nai vào năm 2011, các điều tra viên ngoài việc phải đối diện với đối tượng “5 không”: không nghe, không nói, không đọc, không viết, không được học ở trường khuyết tật ngày nào, và cũng không có người giám hộ.

Rạng sáng 4-10-2011, tại cửa hàng điện thoại Quốc Toàn ở khu vực xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, một nam thanh niên dùng thanh sắt cạy cửa. Tiếng động kèn kẹt vang cả một góc phố nên anh Nguyễn Văn T. là hàng xóm đoán chắc đây là đối tượng trộm cắp nên lao tới, dồn gã thanh niên vào góc tường và tri hô hàng xóm.

Thấy có người chạy đến hỗ trợ anh T., tên trộm dùng thanh sắt đánh mạnh vào đầu khiến anh T. ngã lăn xuống đất bất tỉnh và tử vong tại bệnh viện một ngày sau đó. Gã thanh niên tiếp tục dùng gậy sắt hành hung người tiếp ứng, nhưng cuối cùng phải bỏ chạy vì bị đánh trả quyết liệt.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai lấy lời khai đối tượng 5 không Nguyễn Văn Đức

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã xác định đối tượng gây ra cái chết cho anh T. là Nguyễn Văn Đức (SN 1982, trú xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, Đồng Nai). Đức từng có nhiều tiền án, tiền sự; đã rời khỏi địa phương từ nhiều năm nay không rõ tung tích.

Đức vừa bị điếc, vừa bị câm, không biết chữ nên buộc phải có người phiên dịch trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Thế nhưng, vì Đức không đi học tại trường câm điếc nên việc phiên dịch “ký hiệu” của người phiên dịch chưa chắc đã đảm bảo đúng 100% “ký hiệu” của bị cáo về hành vi phạm tội của mình, mà có thể chỉ có bố mẹ hoặc người thân của hắn mới hiểu được.

Theo luật sư tham gia quá trình tố tụng, cơ quan chức năng cần phải ngay lập tức mời người thân của Đức đến làm người giám hộ, tránh rắc rối có thể xảy ra sau này. Tuy nhiên, Đức đã bỏ nhà đi nhiều năm nay và người thân nhất thời gian gần đây lại là cô người yêu nghi vấn “đồng phạm” hiện đã bỏ trốn.

Theo lời phiên dịch, hung thủ kiên quyết không chịu trả lời việc ai đã đưa hắn tới bệnh viện, ai làm thủ tục nhập viện, ai thanh toán viện phí những ngày hắn điều trị? Lúc đầu, Đức khẳng định phạm tội một mình, nhưng khi bị hỏi, không biết nói, không nghe được, lại không biết viết thì làm sao làm thủ tục nhập viện thì Đức im lặng.

Gã hàng xóm độc ác

Hay như trong vụ án Bùi Mạnh Cường giết bé gái hàng xóm mới 11 tuổi xảy ra tại Hải Phòng năm 2016. Cường là người câm điếc bẩm sinh, chỉ vì mâu thuẫn trong cử chỉ với cháu Nguyễn Y.N. ở cách nhà hắn 200m, Cường đã ra tay sát hại cháu bé.

Khi vụ án mạng xảy ra, rà soát hàng chục đối tượng nghi vấn, Ban chuyên án đã đưa Cường vào “tầm ngắm”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một đối tượng câm, điếc bẩm sinh như Cường khó có khả năng gây án. Đặc biệt, sau khi vụ án xảy ra, diễn biến tâm lý của Cường vẫn bình thường, vẫn đến viếng đám tang cháu bé.

Sau 1 tuần xảy ra vụ án, ngày 20-5-2016, Cường một lần nữa được triệu tập đến cơ quan công an để làm việc. May mắn là Cường đã đi học ngôn ngữ ký hiệu của một cô giáo dạy khiếm thính và còn được cô nhận làm con nuôi nên cô được mời đến hỗ trợ ghi lời khai của Cường.

Là người đã dạy dỗ Cường nhiều năm, trước sự việc nghiêm trọng này, cô giáo đã đồng ý hỗ trợ lực lượng công an trong việc lấy lời khai của Cường.

Đối tượng Bùi Mạnh Cường sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trong phiên tòa xét xử cuối năm 2016

Gặp lại người mẹ thứ hai đã nhiều năm nuôi nấng, dạy dỗ mình, cuối cùng, Cường đã bật khóc và khai nhận tất cả. Cường khai, tối 13-5, Cường đi qua ngõ nhà cháu Nguyễn Y.N., gặp cháu đứng ở cổng, hai bên có xích mích, sau đó Cường bỏ về.

Tối hôm sau, Cường đạp xe đến nhà cháu N., trèo tường vào nhà, thấy cháu bé đang ngồi ở cửa xem ti vi. Cường tiến sát thì bị N. phản ứng, đuổi ra. Cường ra ngoài, nhặt 1 hòn gạch bê tông, quay lại bất ngờ đập 4 phát vào đầu bé gái.

Khi bé N.., nằm gục trên vũng máu, Cường vào bếp rửa vết máu rồi kéo thi thể cháu từ nhà ra sân định đem đi phi tang nhưng sợ bị bại lộ nên dừng lại.

Thấy còn vết máu trên người, Cường cởi quần bé gái để lau vết máu rồi trèo qua hàng rào, lấy xe đạp đi về nhà. Trên đường đi, Cường vứt chiếc quần cháu N. lại bên đường. Ngoài ra, khi ra tay sát hại cháu N., thấy chiếc điện thoại trong túi quần N. rơi ra, Cường đã lấy đút vào túi quần mình. Nhưng khi Cường trèo tường ra ngoài, chiếc điện thoại đã rơi lại ở bên trong vườn nhà nạn nhân.

Cuối năm 2016, dù là người câm điếc bẩm sinh nhưng do hành vi đặc biệt nghiêm trọng TAND TP Hải Phòng đã tuyên phạt Bùi Mạnh Cường 18 năm tù giam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang