Giả đại gia nước ngoài 'thề non hẹn biển' với phụ nữ Việt Nam để lừa đảo

Thứ Ba, 05/04/2016 16:04  | Ngọc Anh

|

(CAO) Ngày 5-4, Đội 8 Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Công an TPHCM cho biết bắt giữ băng nhóm lừa đảo tiền thông qua mạng xã hội trên Facebook.

Ngoài đối tượng Lê Thị Mai Phương (34 tuổi) đang nuôi con nhỏ được cho tại ngoại, bảy đối tượng còn lại gồm hai người mang quốc tịch Nigeria và 5 người Việt Nam đang bị tạm giam trong trại Chí Hòa để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức”.

Các đối tượng bị bắt

Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Ihugba Augustine Chinonso (tên thường gọi là Ben, 30 tuổi, quốc tịch Nigeria, tạm trú quận 12), Onu Chinonso Peter (31 tuổi, quốc tịch Nigeria, tạm trú Q.12), Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (25 tuổi, ngụ Q.7), Trần Viết Hùng (34 tuổi, chồng của Lê Thị Mai Phương, ngụ Q.12), Lê Văn Nhóc (21 tuổi, ngụ huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh), Phạm Trường Thành (23 tuổi, ngụ huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Văn Hải (26 tuổi, ngụ huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận).

Kết quả điều tra, các đối tượng trên giữ những vai trò khác nhau trong băng nhóm lừa đảo do một số người Nigeria tổ chức. Thông qua mạng xã hội Facebook, những đối tượng người Nigeria giả danh là người thành đạt, giàu có ở Mỹ, Úc, Anh… làm quen, kết bạn với các nạn nhân (thường là nữ) ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Sau một thời gian trò chuyện qua mạng, chúng đặt vấn đề quan hệ tình cảm và hứa tiến tới hôn nhân với những người phụ nữ này. Khi hai bên “thề non hẹn biển”, các “đức lang quân” tương lai gợi ý gửi quà về Việt Nam tặng cho “ý trung nhân” của mình.

Sau đó, toàn bộ thông tin về nạn nhân như: Họ tên, số điện thoại được các đối tượng người Nigeria cung cấp cho Tuyết sau đó chuyển cho vợ chồng Hùng - Phương. Tiếp đó, 3 đối tượng này gọi cho người bị hại, đóng giả nhân viên công ty chuyển phát nhanh, nhân viên hải quan, cảnh sát kinh tế… cho biết trong thùng quà có tiền giá trị lớn và yêu cầu người bị hại đóng phí vận chuyển, phí hải quan, tiền phạt, lót tay… để được nhận thùng quà.

Ngoài việc gọi điện thoại cho người bị hại yêu cầu nộp tiền, Hùng còn cung cấp thông tin tài khoản ATM cho nhóm lừa đảo. Những thông tin tài khoản này Hùng mua từ Lê Văn Nhóc, Phạm Trường Thành, Nguyễn Văn Hải, và đều được mở từ Giấy CMND giả.

Sau khi người bị hại chuyển tiền vào, Hùng, Nhóc, Thành, Hải trực tiếp đi rút tiền, đưa cho Tuyết để chuyển cho các đối tượng người Nigeria. Tổng cộng từ tháng 12-2015 đến tháng 3-2016, Hùng cung cấp cho Tuyết và nhóm đối tượng người Nigeria khoảng 50 thẻ ATM; Hùng cùng Nhóc, Thành, Hải rút được hơn 4 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 400 triệu đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang