Lần ra đường dây tín dụng đen từ vụ án giết người

Thứ Tư, 20/05/2020 17:52

|

(CATP) Trưa 19-7-2018, Khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận một bệnh nhân nam được đưa đến bằng taxi trong tình trạng nguy kịch và tử vong ngay sau đó. Các đối tượng đi cùng nạn nhân nhanh chóng rời khỏi bệnh viện và không rõ tung tích. Nạn nhân không có giấy tờ tùy thân, trên người có nhiều dấu vết bầm tím, xây xước da, nghi vấn do tác động của ngoại lực.

Được giao nhiệm vụ chủ công điều tra, Phòng CSHS đã cử các trinh sát viên có kinh nghiệm được chia thành nhiều tổ công tác, rà soát mọi thông tin về nạn nhân để xác định đối tượng gây án. Theo đó, lực lượng chức năng truy tìm tất cả các hãng taxi trên địa bàn để tìm chính xác người chở nạn nhân đến viện để xác định nhân thân lai lịch, vừa xác định kẻ gây án và địa điểm.

Qua xác minh, nạn nhân là anh Nguyễn Văn Minh (SN 1999, trú thôn Liên Tân, xã Bố Hạ, H.Yên Thế, Bắc Giang). Địa điểm trước khi Minh được đồng bọn đưa đến bệnh viện là ngôi nhà ở phố Bà Triệu, TP.Thanh Hóa.

Ngay lập tức, một tổ công tác tổ chức khám xét khẩn cấp ngôi nhà trên; một tổ lên Bắc Giang xác định nhân thân nạn nhân và được biết, Minh là nhân viên Công ty dịch vụ tài chính Nam Long tại TP.Hồ Chí Minh, chi nhánh Bắc Kạn. Tháng 7-2018, Nguyễn Văn Minh thu được tiền nợ từ khách hàng (người vay lãi) và cầm cố xe máy do Công ty Nam Long cấp cho nhân viên với tổng giá trị tài sản khoảng hơn 20 triệu đồng để tiêu xài cá nhân sau đó bỏ trốn khỏi công ty. Chính vì vậy, các đối tượng đã đi tìm, bắt được Minh.

Từ các thông tin thu thập được, cơ quan công an xác định Minh đã bị các đối tượng trong Công ty Nam Long hành hung đến chết. Cụ thể, sau khi bắt được Minh, nhóm này đưa Minh ra khu vực bãi đất trống để đánh, sau đó đưa về chi nhánh tại Hà Nội (có khoảng 30 đến 40 người là nhân viên công ty).

Nguyễn Đức Thành tại cơ quan công an

Dưới sự chủ trì của Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Công ty Nam Long, công ty tổ chức họp, Minh phải xin lỗi từng người, xin chữ ký để cho cơ hội ở lại công ty hoặc đưa ra pháp luật, đưa ra một bát cơm và một bát phân cho chọn 10 lần, nếu bò đến chọn bát cơm sẽ bị đá, đánh vào lưng, ngực, bụng. Do tất cả 10 lần bị hại đều chọn bát cơm nên đều bị đánh.

Sau khi tra tấn Minh, Thành giao cho Ngô Văn Chương (SN 1988, trú xã Hoàng Văn Thụ, Chương Mỹ, Hà Nội) đưa về P.Đông Thọ, TP.Thanh Hóa.

Tại đây, Chương giao cho 2 nhân viên mới là Hoàng Tùng (SN 1982, trú xã Sơn Cẩm, TP.Thái Nguyên) và Nguyễn Thế Vũ (SN 1999, ngụ xã Yên Lâm, H.Yên Định, Thanh Hóa) trông coi. Sau đó, do thấy sức khỏe của Minh yếu dần, Chương gọi taxi đưa đến bệnh viện cấp cứu. Khi nghe bác sĩ nói bệnh nhân ngừng tim (chết lâm sàng), Chương bỏ đi.

Khám xét khẩn cấp tại nơi giam giữ Minh, lực lượng chức năng thu được nhiều giấy tờ, tài liệu nghi có liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng. Công an tỉnh Thanh Hóa lập tức xác lập chuyên án đấu tranh.

Sau nhiều ngày đêm cùng với CBCS Cục CSHS, Công an các tỉnh, thành tích cực điều tra, Ban Chuyên án đã dựng được cơ cấu tổ chức, phương thức, thủ đoạn hoạt động trong lĩnh vực cho vay lãi nặng của băng nhóm do Nguyễn Cao Thắng (SN 1984, trú quận Lê Chân, TP.Hải Phòng) là Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long - đối tượng cung cấp nguồn tài chính chủ yếu và hưởng lợi từ hoạt động cho vay lãi nặng; Nguyễn Đức Thành (SN 1988, trú quận 1, TP.Hồ Chí Minh) là Giám đốc, cũng là đối tượng cầm đầu, trực tiếp điều hành các hoạt động của Công ty Nam Long; Trần Hồng Phong (SN 1985, trú Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng; là anh vợ Cao Thắng) và một số đối tượng khác tham gia giúp sức.

Các đối tượng trong vụ án

Băng này dùng thủ đoạn tạo vỏ bọc hợp pháp cho các hoạt động tín dụng đen bằng cách thành lập Công ty CP Tư vấn đầu tư và Kỹ thuật xây dựng Thành Nam rồi sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của công ty này để thuê trụ sở, mở 26 chi nhánh tại 22 tỉnh, thành phố trên cả nước, quảng cáo lấy tên Công ty Nam Long nhằm hoạt động cho vay lãi nặng.

Sau khi mở chi nhánh, các đối tượng treo biển lấy tên Công ty tài chính Nam Long và đăng tin tuyển nhân viên trên các trang rao vặt tìm việc làm, đăng trên Facebook, Zalo kèm theo hứa hẹn trả lương cao. Khi tuyển được nhân viên, các đối tượng tổ chức huấn luyện các thủ đoạn đòi nợ, in sẵn các mẫu đơn tố cáo, vu khống khách hàng khi người vay tiền không trả nợ đúng hẹn...

Để quản lý và điều hành nhân viên, chúng thu thập thông tin gia đình, bắt nhân viên ký hợp đồng với nhiều điều khoản ràng buộc nghiêm ngặt, trái pháp luật như: "đánh đòn sa thải", "phạt cải tạo trong công ty", "cho đi tù Quốc pháp", "chế độ tiêu diệt với bản thân và gia đình", "chặt ngón tay"...

Trong hơn 1 năm điều tra, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với lòng quyết tâm và sự sắc bén về nghiệp vụ cũng như nỗ lực của lực lượng tham gia, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 29 bị can, trong đó có 25 đối tượng bị khởi tố về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, xác định số tiền giao dịch qua hơn 80 tài khoản ngân hàng là hơn 800 tỷ đồng, tiền chiếm đoạt gần 9 tỷ đồng với hơn 500 bị hại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang