Người mẹ sát hại con 35 ngày tuổi được về nhà sau khi điều trị tâm thần

Thứ Bảy, 08/09/2018 09:39  | Đoàn Tuấn

|

(CAO) Sau khi Công an ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra và hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, người mẹ buộc phải đi điều trị tâm thần và đã trở về nhà. 

Chiều 7-9, Phan Thị Trinh - người mẹ sát hại con đẻ 35 ngày tuổi gây rúng động dư luận Hà Nội hồi tháng 6-2017 đã được trở về nhà sau hơn 60 ngày điều trị bắt buộc tại Bệnh viện tâm thần Trung ương 1.

Trước đó, Công an Hà Nội ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra và hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với Trinh.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, người bảo vệ quyền lợi cho Trinh, quá trình tiếp xúc bị can, luật sư nhận thấy cô gái có biểu hiện tâm lý bất thường nên đề nghị trưng cầu giám định tâm thần đối với Trinh.

Đầu năm 2018, Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 kết luận Trinh bị tâm thần phân liệt, mất khả năng nhận thức trước, trong và sau khi thực hiện hành vi thả con trai 35 ngày tuổi vào chậu nước. Sau đó, Công an Hà Nội đã đình chỉ điều tra và áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc đối với Trinh.

Qua quá trình chữa bệnh, Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 xác định Trinh đã bình thường.

Trước đó, vào khoảng 5h giờ 30 phút  ngày 12-6, ông Vũ Đình L. (SN 1948, trú thôn Đình, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) phát hiện cháu nội là Vũ V.A. nằm sấp ở chậu nước ngay gần chân cầu thang. Và trên các bậc cầu thang có dòng chữ "TAO SẼ GIẾT CHÁU MÀY LĂNG" được viết bằng than củi.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, C6ng an và lực lượng chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi và tổ chức điều tra vụ án.

Kết quả cho thấy, cháu Vũ V.A. tử vong do bị ngạt nước, trên tử thi không phát hiện dấu vết tác động ngoại lực.

Công an sau đó đã làm rõ, xác định nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm này là do Phan Thị Trinh mắc bệnh trầm cảm nặng, nên xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực. Đây là loại trầm cảm sau sinh mà nhiều bà mẹ mắc phải.

Cơ quan Công an khuyến cáo các gia đình có phụ nữ trong giai đoạn sinh nở cần đặc biệt quan tâm, chăm sóc, để ý đến thái độ, hành vi của những người này. Nếu có dấu hiệu trầm cảm hoặc các bệnh lý khác thì phải có biện pháp điều trị phù hợp, hoặc cách ly với xã hội để tránh những vụ án đau lòng tương tự có thể xảy ra.

Bình luận (0)

Lên đầu trang