ĐBSCL: Đối mặt với thiên tai khắc nghiệt

Thứ Ba, 07/01/2020 18:03

|

(CATP) Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn và Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm nay đến sớm, nặng hơn so với trung bình nhiều năm.

Dự báo năm 2020, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đối mặt với biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn. Các cơ quan chức năng cần chuẩn bị kịch bản đối phó với thiên tai khắc nghiệt này.

BÁO ĐỘNG VỀ XÂM NHẬP MẶN, THIẾU NƯỚC NGỌT

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ cuối tháng 12-2019 đến tháng 2-2020, ĐBSCL sẽ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn ở mức sớm, sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Trong một số thời điểm, ranh mặn trên các sông có khả năng xâm nhập tương đương mùa khô năm 2015 - 2016. Từ tháng 3 đến tháng 6-2020, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.

Do đó, các tỉnh vùng ĐBSCL cần xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn để chủ động ứng phó với diễn biến thực tế trong thời gian tới, đặc biệt là Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang. Trong những tháng nửa đầu năm 2020, Enso (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt - El Nino và hiện tượng lạnh dị thường của lớp nước biển bề mặt - La Nina) ở trạng thái trung tính, nhưng nghiêng về pha nóng, vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020.

Tại khu vực Nam bộ, mực nước thượng lưu sông Mekong xuống dần và ở mức thấp. Lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 45%. Các tháng cuối mùa, ở mức xấp xỉ và cao hơn từ 15 - 20% so với trung bình nhiều năm.

Trước dự báo trên, các địa phương ở ĐBSCL đang theo dõi chặt chẽ những bản tin dự báo thời tiết. Cuối tháng 12-2019, ranh mặn 4 gram/lít sẽ xâm nhập vào đất liền ở các địa phương ven biển từ 20 - 30km. Sau đó, mặn tiếp tục tấn công mạnh hơn 40 - 67km, gây ảnh hưởng đến khả năng lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Một cánh đồng thất thu vì bị xâm nhập mặn

Ông Nguyễn Văn Lợi (Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Trong 38 năm qua, chưa có năm nào tỉnh này chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn như những ngày qua. Trong tháng 12-2019, độ mặn vào vàm Vũng Liêm khá cao. Theo quy luật nhiều năm, tỉnh này chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn từ tháng 2 đến tháng 5, cao điểm độ mặn thường xuất hiện trong tháng 3, tháng 4. Tuy nhiên, những năm gần đây, quy luật này đã biến đổi, mặn xâm nhập sớm hơn, độ mặn cao hơn, thời gian kéo dài, ước thiệt hại sẽ nghiêm trọng hơn.

Tại Bến Tre, độ mặn trên các sông chính của tỉnh đột ngột tăng ở mức cao, xâm nhập sâu trong những ngày qua. Hiện nay, độ mặn đo được tại các con sông chính, như: Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên khoảng 4%o. Trong đó, độ mặn cách cửa sông khoảng 47km vào đến địa bàn xã Quới Sơn (H.Bình Đại). Độ mặn 1%o cũng đã xâm nhập đến các xã An Khánh, Tiên Long (H.Châu Thành), Tân Thiềng, Phú Sơn (huyện Chợ Lách)... Dự báo độ mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền trong thời gian tới.

Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam dự báo, trong những tháng tiếp theo, dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL có khả năng ở mức thấp kỷ lục. Do đó, tình hình xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn biến rất nghiêm trọng. Dự báo tỉnh Bến Tre sẽ gặp khó khăn về nguồn nước ngọt ngay từ tháng 1-2020.

Theo ông Nguyễn Long Hoai (Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau), tỷ lệ hộ dân thiếu nước và chưa chủ động được nguồn nước sinh hoạt ở tỉnh này khoảng 20.000 hộ. Trong đó, có khoảng 13.500 hộ dân tại một số khu vực chưa tiếp cận được nguồn nước nối mạng và không có nguồn nước ngầm để khai thác, do đó sẽ thiếu hụt nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Đối với vùng sản xuất lúa đông xuân (tập trung tại tiểu vùng II và III, phía bắc Cà Mau) dù hệ thống thủy lợi cơ bản khép kín, nhưng chủ yếu trữ nước mưa, không có nguồn nước ngọt bổ sung vào mùa khô. Do đó, khi hạn hán sớm và nặng hơn trung bình nhiều năm, sẽ khiến hệ thống kênh rạch khô cạn nhanh, nước mặn xâm nhập nội đồng, dẫn đến thiếu nguồn nước ngọt.

KHẨN CẤP ỨNG PHÓ VỚI THIÊN TAI

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, hiện nay các tỉnh ĐBSCL bước vào cao điểm xuống giống hơn 1,55 triệu héc-ta lúa đông xuân năm 2019 - 2020, với sản lượng ước khoảng 10,7 triệu tấn. Dự báo hạn, mặn về sớm và diễn biến phức tạp nên Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương ven biển, như: Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu, Tiền Giang, Sóc Trăng... xuống giống sớm.

Hiện nay, nhiều nông dân vùng ĐBSCL đã cơ bản xuống giống xong đợt 1 và đợt 2, với diện tích từ 1 - 1,2 triệu héc-ta, đang khẩn trương xuống giống đợt 3 từ nay đến cuối tháng 12- 2019 cho những diện tích còn lại. Theo tính toán, trong 937.000 héc-ta lúa đông xuân ở các tỉnh ven biển, có hơn 55.000 héc-ta có nguy cơ bị hạn, mặn đe dọa.

Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang chỉ đạo ngành thủy lợi trên địa bàn đã và đang tiến hành đóng hàng chục cống ngăn mặn ở các khu vực ven biển, như: Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành, TP.Rạch Giá... Các cống ngăn mặn này được đóng sớm hơn so với những năm trước. Cạnh đó, tăng cường nạo vét thủy lợi, tích trữ nước ngọt nội đồng nhằm phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Tỉnh An Giang đưa vào sử dụng những công trình ngăn mặn, giữ ngọt

UBND tỉnh Vĩnh Long cũng yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương nạo vét hệ thống thủy lợi, đắp đập, đê bao ngăn mặn; trữ ngọt, bố trí trạm, máy bơm cấp nước tưới; đảm bảo cho sản xuất vụ đông xuân và vụ hè thu. Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre có kế hoạch điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý để đảm bảo cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trong mùa khô 2019 - 2020. Tại công trình hồ chứa nước Kênh Lấp (huyện Ba Tri), sẽ đảm bảo tích trữ nguồn nước theo thiết kế và chất lượng để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Ngành chức năng cũng khuyến cáo, nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng.

Ông Nguyễn Tiến Hải (Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau) cho biết, tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Ngành chức năng đang triển khai các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, góp phần ổn định sản xuất và đời sống của người dân. Hiện nay, sản xuất, sinh hoạt của người dân nông thôn phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô. Khi hạn hán đến sớm, nguồn nước mặt cạn kiệt, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, dẫn đến mực nước và chất lượng nước ngầm giảm sút, nên tỉnh đã có nhiều kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ NN&PTNT khuyến cáo, để giảm bớt thiệt hại do biến đổi khí hậu, người dân cần tìm các biện pháp thích ứng. Đã đến lúc thay đổi cây trồng, vừa tăng năng suất, vừa phù hợp với điều kiện thời tiết. Từ đầu năm 2019 đến nay, nông dân các tỉnh ĐBSCL đã chuyển đổi hơn 12.593 héc-ta đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Trong đó, cây mít có diện tích trồng nhiều nhất (4.728 héc-ta), kế đến là xoài (1.470 héc-ta), cam xoàn (1.470 héc-ta), thanh long (1.234 héc-ta)...

Ước tính của các địa phương ở ĐBSCL cho thấy, cây sầu riêng đem lại lợi nhuận cao nhất, với khoảng 910 triệu đồng/héc-ta, bưởi da xanh, cam xoàn, thanh long cho lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/héc-ta, mít Thái là hơn 364 triệu đồng/héc-ta... Tất cả đều cao gấp nhiều lần so với hiệu quả từ cây lúa.

Cạnh đó, ngành nông nghiệp đẩy mạnh hỗ trợ nông dân thực hiện rải vụ cây ăn trái, tập trung chính vào 5 loại cây (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn), với diện tích 59.000 héc-ta. Việc rải vụ nhằm tạo điều kiện tốt để tiêu thụ, giảm áp lực đầu ra khi sản lượng tập trung thu hoạch vào chính vụ. Nhờ đó, giá trái cây rải vụ luôn ổn định, giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất cao hơn chính vụ khoảng 2 lần.

Bộ NN&PTNT dự báo, cuối năm 2019 và đầu năm 2020, tình hình hạn, mặn phức tạp. Do đó, chính quyền các địa phương và người dân cần chủ động tìm những giải pháp ứng phó, bảo vệ vườn cây ăn trái. Sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ từ rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc, giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước.

Củng cố hệ thống đê bao xung quanh vườn để ngăn nước mặn xâm nhập. Đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước; không tưới nước có độ mặn cao hơn 1%o cho cây. Đối với một số cây ăn trái mẫn cảm với mặn, như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt..., không tưới nước có độ mặn hơn 0,5%o, nhằm tránh vườn cây bị thiệt hại.

Bình luận (0)

Lên đầu trang