Chuyện ly kỳ về những toán Fulro gần 20 năm ẩn náu trong rừng sâu:

Kỳ 4: Niềm vui ngày trở về

Thứ Năm, 16/07/2020 12:26

|

(CATP) Tổ công tác của K’Bối lấy trong gùi ra lương thực mang theo. Nhìn thấy lương khô, cơm nắm, cá khô, muối… toán K’Sờn mừng rỡ lấy ăn. Cùng với món thịt cheo nướng nhóm K'Sờn săn bắn được, đêm hôm đó, 8 người trong rừng có bữa liên hoan hội ngộ nhớ đời.

Họ kể chuyện, hát và khóc với nhau suốt đêm bên đống lửa. Sau hơn 20 năm lẩn trốn trong rừng, đây là lần đầu tiên những người tham gia Fulro vui đến vậy! Đêm về khuya, Tổ trưởng K’Bối lúc này mới lôi ra mấy bộ quần áo lành lặn bảo:

- Anh Sáu - Trưởng Công an huyện dặn tôi đưa các bạn mặc vào không lạnh.

Cầm những bộ quần áo mới, các Fulro mừng rưng rưng nước mắt. Họ không ngờ cán bộ chu đáo, quan tâm họ như vậy. Trời vừa tảng sáng, tất cả vội vã gọi nhau thức dậy, thu dọn hành lý để trở về.

12 giờ 10 phút ngày 5-4-1998, tại cửa rừng thuộc xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm – Lâm Đồng, Thiếu tá Nguyễn Minh Thiệt – Trưởng Công an huyện Bảo Lâm, đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương, Trung tá Nguyễn Đức Hiệp, Thiếu tá Bùi Văn Sơn đại diện Công an tỉnh Lâm Đồng cùng một số CBCS an ninh Công an huyện Bảo Lâm đón toán Fulro gồm 6 người của K’Sờn trở về đầu hàng.

Lãnh đạo Công an huyện Bảo Lâm đón gia đình em Ka B'rin trở về. Ảnh tư liệu

Sau này, các anh kể lại với chúng tôi: Sau khi được chở bằng xe U-oát từ cửa rừng về trụ sở Công an huyện Bảo Lâm, gia đình K’Sờn và toán Fulro được đưa vào ở trong một dãy phòng tập thể của Công an huyện Bảo Lâm. Sở dĩ có việc này là để từng bước cho nhóm người này làm quen với cuộc sống đời thường, xem xét các bệnh lý của họ đề phòng những bất trắc. Các cán bộ phải tốn khá nhiều công sức mới truyền đạt cho họ được cách sử dụng các vật dụng.

Do 20 năm liên tục họ chỉ ăn củ mài nên trận liên hoan giữa rừng với tổ công tác đặc biệt đã làm họ bị sốc thức ăn, tiêu chảy. Họ được uống thuốc và ăn cháo loãng vài ngày cho dạ dày quen với thức ăn mới. Sau đó được ăn cơm theo tiêu chuẩn của anh em Công an.

Hai ngày sau đó, Ban giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã về Bảo Lâm tổ chức lễ tặng bằng khen cho tổ công tác đặc biệt 4 người và anh K’Lồng – người đã cung cấp nguồn tin quý giá ban đầu. Kèm theo bằng khen, mỗi người được thưởng 2 triệu đồng. Huyện ủy, UBND huyện tặng thêm 500 ngàn đồng. Riêng nhóm Fulro đầu thú được thưởng 3 triệu đồng, nhiều quần áo mới và được địa phương cấp 6 tháng lương thực, mỗi hộ được 1 đến 2 ha đất ở buôn làng cũ và được hỗ trợ làm nhà ở.

Bộ đội, Công an xuyên rừng đi bắt, vận động Fulro về hàng. Ảnh tư liệu

"Khi đó trông họ hốc hác, vàng bủng. Nhất là 2 cháu nhỏ, chúng tôi xúc động vô cùng. Tôi không thấy họ là kẻ thù, chỉ thấy họ đáng thương. Sau bao nhiêu năm lầm đường, họ đã trở về. Chúng tôi đón họ bằng tình thương, chứ không phải những phát đạn!", Đại tá Nguyễn Đức Hiệp – nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng thốt lên đầy niềm vui khi kể lại câu chuyện với chúng tôi.

Điều khiến các cán bộ Công an, chính quyền địa phương và nhiều người dân ấn tượng mãi với toán Fulro vũ trang cuối cùng này chính là hình ảnh 2 cô cậu Fulro nhí, một mới 9 tuổi và một chỉ vừa 2 tuổi…

Khi cán bộ Công an bật ti vi cho họ xem, cô bé Ka Brin (9 tuổi) bỗng la hét hoảng loạn, vùng bỏ chạy, vẻ sợ hãi tột độ, khóc không thành tiếng.“Ở trong rừng, con cọp, con trăn không sợ, nhưng thấy người hiện ra và nói ồm ồm trong “cái hộp”, cháu lại tưởng là ma…” – K’Sờn, cha của bé Ka B’rin khi đó vừa dỗ dành con, vừa phân trần.

Cô bé Ka B’rin và cậu em K’Nison sau lần trở về, được ăn những bữa cơm no đủ, tỏ ra thích thú lắm. Bà Ka Lòng kể: “Mỗi ngày, dù đến bữa đã được ăn no căng bụng, nhưng chỉ nửa tiếng sau, cả hai vẫn cứ đòi “sà –piêng” (ăn cơm). Sau đó, món ăn cô bé Ka B’rin thích thú là món “bén… mì!” (bánh mì). Mỗi lần đến bữa ăn, cô bé Ka B’rin lại đòi “sà piêng, bén mì” và ăn với kiểu thưởng thức rồi cười ngặt nghẽo khi có ai hỏi “bé ăn có ngon không?”. K’Nison thì ngoan ngoãn, lớn phổng phao, dạn dĩ hơn cô chị, nhưng cũng chỉ chịu cho bố mẹ và những người trong nhóm Fulro ở rừng về bế chứ nhất định không theo ai...

Tác giả trong lần gặp gỡ ông Tambusun - nguyên Phó tư lệnh quân khu 4 Fulro, sau ông trở thành dân quân tự vệ tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng - Lâm Đồng, tham gia tích cực vào công tác bảo vệ trật tự an toàn, an ninh xã hộii, giúp xã Ninh Gia nhận được Cờ thi đua của  Chính phủ và Bộ Công an trong phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc
Kỳ 3: Sự trở về của gia đình
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang