Hành trình đến "miền đất hứa": Tường trình từ người trong cuộc (kỳ cuối)

Thứ Sáu, 08/11/2019 18:12

|

(CATP) Sau những năm trốn vào nước Anh trót lọt để trồng cần sa, sau đó cảnh sát phát hiện, bắt giam, lãnh án tù rồi bị trục xuất về nước, những lao động "chui" làm nghề "trồng cỏ" thuê vẫn chưa hết ám ảnh vì sự liều lĩnh của mình.

TỪ BỎ "MỘNG LÀM GIÀU TRONG BÓNG TỐI"

Sau nhiều năm làm việc tại Cộng hòa Séc, T.V.T. (ngụ TX.Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đã tìm cách trốn sang Anh lao động bất hợp pháp. Tại đây, ban đầu T. làm nghề "nail", sau đó xin nghỉ, chuyển sang trồng cần sa thuê.

"Thợ làm vườn" dưới ánh đèn

Vườn "cỏ" bí mật trong nhà - nơi T. được thuê chăm sóc - sau đó bị cảnh sát phát hiện, phá hủy. T. bị tòa tuyên phạt 6 tháng tù về tội trồng cần sa trái phép. Mãn hạn tù, T. chuyển sang trại tị nạn, sau đó ra trình diện để xin về nước, chấm dứt những năm tháng bôn ba xứ người với mong muốn làm giàu bằng công việc phi pháp.

H. kể lại những năm tháng trồng cần sa thuê trái phép ở Anh

Theo lời kể của T., năm 2010 mới ngoài 25 tuổi, nhưng T. chưa nghĩ đến việc lập gia đình, mà muốn sang Cộng hòa Séc lao động để tạo dựng kinh tế. Tuy nhiên, do ở Cộng hòa Séc công việc thất thường, thu nhập không cao nên T. liên lạc với một số bạn bè ở Anh, tìm đường sang đó với mong ước làm giàu.

T. đã bỏ ra 8.000 USD thuê đường dây đưa người sang Anh trái phép để thực hiện ước mơ đến "miền đất hứa". Từ cảng Calais (Pháp), T. được một tài xế lái chiếc ôtô 5 chỗ chờ sẵn rồi chở đến Luân Đôn (Anh). Sang đến nơi, T. bị nhóm người môi giới gốc Việt Nam giam giữ, yêu cầu gọi điện cho người nhà chuyển 8.000 USD tiền công như thỏa thuận.

Tại Anh, ban đầu T. xin vào làm ở một tiệm "nail" do một người Việt Nam làm chủ. Với công việc sơn móng tay, móng chân, mỗi tháng T. được trả công 2.000 bảng Anh. Mặc dù công việc ở tiệm "nail" không bị cảnh sát bắt, nhưng không còn giấy tờ tùy thân nên T. xin nghỉ, chuyển sang đi trồng cần sa thuê, một công việc kín đáo, lại có thu nhập cao.

"Với việc này, tôi ít xuất hiện ngoài đường nên cảnh sát không phát hiện ra, nhưng được trả công rất nhiều tiền. Công việc hàng ngày của tôi xoay quanh trong ngôi nhà 3 tầng, có 3 căn phòng sắp xếp những chiếc chậu nhựa trồng cần sa trong đó. Lương thực, thực phẩm hàng tuần được chủ mang đến, bỏ vào tủ lạnh ăn dần. Những căn phòng này được lắp rất nhiều bóng đèn chiếu sáng để tăng nhiệt độ cho cây cần sa phát triển. Chính vì thế, những cánh cửa trong nhà luôn được che bạt kín mít, ánh sáng không thể thoát ra ngoài để những hộ dân sống xung quanh phát hiện ra. Trên trần nhà lắp nhiều quạt hút, trong nhà lắp ống xả kết hợp với ống khói gắn thùng lọc để giảm mùi cần sa" - T. mô tả về công việc mới của mình.

Trong 3 căn phòng trên, chủ trồng 300 cây cần sa. Mỗi năm, cần sa có thể thu hoạch được 9 vụ, mỗi vụ trừ chi phí còn lời khoảng 25.000 USD. T. được chủ trả công 30% số tiền lời đó. Theo T., việc trả tiền công được thực hiện rất sòng phẳng. Hàng tháng, T. gửi tiền về cho mẹ qua đường trung gian rất đều đặn.

Tuy nói là kín đáo, nhưng những người trồng cần sa thuê vẫn luôn lo sợ bị cảnh sát phát hiện hoặc cướp đột nhập cướp "hàng". Nếu bị cướp thì coi như chủ mất vốn, T. bị trừ tiền công trong những vụ mới, còn bị cảnh sát phát hiện thì T. sẽ bị phạt tù 6 tháng và trục xuất về nước.

"Lâu lâu, cảnh sát lại cho trực thăng bay qua các khu vực khả nghi, dùng máy tầm nhiệt để rà soát. Mỗi lần như thế, tôi lại được chủ gọi điện thông báo cho biết để tắt điện trong nhà rồi trốn đi nơi khác. Nói chung, dù cuộc sống trong bóng tối, nhưng không yên đâu! Như tôi đến đi ngủ cũng phải xỏ giày sẵn, nếu có cảnh sát là chạy trốn để thoát thân" - T. kể.

Đến năm 2013, "trang trại" cần sa của chủ T. bất ngờ bị cảnh sát ập vào bắt giữ. Với tội trồng cần sa trái phép, T. bị phạt tù 6 tháng. Sau khi chấp hành án xong, T. được chuyển qua trại tị nạn và 3 tháng sau xin ra trình diện rồi trở về quê. "Những ngày qua, khi đọc thông tin 39 người tử nạn trong thùng container, tôi thấy con đường đi

Anh của tôi trước đây vẫn còn may mắn. Thế nhưng vào được Anh rồi, để kiếm tiền cũng không phải là dễ dàng như những người ở nhà đang nghĩ đâu!" - T. chia sẻ.

Làm giàu thì ai cũng muốn, nhưng...

L.V.H. (ngụ H.Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) có "thâm niên" nhiều năm trồng cần sa ở Anh rồi trở về nước sinh sống, đã kể lại công việc đen tối của mình. Theo H., nếu sang nước Anh "đi VIP" thì mất khoảng 8.000 - 10.000 USD. Nếu có người của đường dây đưa người nhập cư lậu dẫn đi rồi giúp sức cho mình thì rất thuận lợi, còn "đi cỏ" thì giống như... chơi xổ số.

H. cho biết, những người "đi cỏ" thường tập kết trong rừng ở gần cảng Calais ở Pháp. Họ cứ ngồi "canh me", chờ thấy xe tải chuẩn bị lên phà sang Anh thì bí mật leo lên. Đa số những người đi theo hình thức này dễ bị lộ và trục xuất về chỗ cũ. Người nào may mắn lắm mới gặp được tài xế tốt bụng, im lặng, không báo với cơ quan chức năng thì mới đi trót lọt được.

Cây cần sa do T. trồng thuê ở Anh (ảnh do nhân vật cung cấp)

Cách đây 10 năm, H. cũng trốn sang Anh trót lọt. Thông qua người quen giới thiệu, H. được gặp một ông chủ người Việt Nam, xin trồng cần sa thuê trong nhà. Sau khi thỏa thuận xong, ông chủ hứa sẽ trả cho H. 30% lợi nhuận mỗi vụ. Từ đây, H. bị nhốt trong một căn nhà dư ánh sáng đèn điện, nhưng thiếu không khí bên ngoài. Hàng ngày, H. chăm bẵm những gốc cây cần sa cho chúng phát triển để chờ ngày thu hoạch.

"Chúng tôi không được rời khỏi ngôi nhà đó, chỉ thỉnh thoảng cuối tuần chủ mới cho ra ngoài. Đó là nguyên tắc, vì nếu chúng tôi đi ra ngoài không may gặp cảnh sát thì coi như chỉ còn con đường trở về quê trong nợ nần" - H. nói. Mặc dù bị hạn chế ra ngoài, nhưng lúc đổ bệnh, những người di cư bất hợp pháp như H. vẫn có thể đến bệnh viện khám và điều trị bình thường, vì bệnh viện không hỏi giấy tờ tùy thân của người bệnh. Tuy nhiên, để đề phòng, đa số những người như H. vẫn chọn các phòng khám tư để chữa bệnh.

"Kiếm được đồng tiền từ công việc trồng cần sa thuê không hề dễ dàng. Quá trình đi sang Anh, phải đối diện với bao nhiêu nguy hiểm. Qua đó, mình phải sống như loài chuột, rất khổ sở. Đó là một công việc phi pháp nên luôn bị người khác coi thường" - H. tâm sự.

Sau 5 năm làm nghề "trồng cỏ" ở xứ sở "thiên đường", cơ sở trồng cần sa của H. bị cảnh sát địa phương phát hiện. Cũng giống như T., H. bị phạt tù, sau đó chuyển sang trại tị nạn rồi bị trục xuất về nước. Từ đó đến nay, H. nghĩ sẽ không tiếp tục sang Anh làm giàu mà quyết định ở nhà làm việc để kiếm sống. "Làm giàu thì ai cũng muốn, nhưng đã trải qua rồi nên tôi đã biết sợ. Thà ở nhà làm việc đủ sống nhưng tự do và hạnh phúc, an toàn tính mạng vẫn hơn" - H. nói.

Hành trình đến “miền đất hứa”: Tường trình từ người trong cuộc (kỳ 1)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang