Interpol Việt Nam - Chuyện bây giờ mới kể:

Kỳ 1: Các lệnh truy nã của ICPO - Interpol

Thứ Tư, 16/08/2017 07:21

|

Trước tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài và tội phạm xuyên quốc gia đã “vươn đến” Việt Nam đang diễn biến phức tạp, với xu hướng ngày càng gia tăng, trong khi đó khả năng trao đổi thông tin để có điều kiện ngăn chặn, truy bắt các đối tượng từ xa còn nhiều hạn chế, năm 1991 Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) họp bàn và thống nhất, đã đến lúc Cảnh sát Việt Nam gia nhập Tổ chức ICPO - Interpol.

SỨ MỆNH THIÊNG LIÊNG

Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế có tên tiếng Anh là International Criminal Police Organization - Interpol (gọi tắt ICPO - Interpol), trụ sở chính đặt tại Lyon, Pháp. Năm 1991, Cảnh sát Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức phòng chống và truy bắt tội phạm uy tín nhất thế giới này, với tên gọi chính thức là Văn phòng Interpol Việt Nam (gọi tắt VPI), thành lập ngày 4-11-1991, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Thiện Ngộ ký.

Theo đó, Interpol Việt Nam trực thuộc Tổng cục Cảnh sát, thực hiện chức năng cơ quan đầu mối hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm của lực lượng Công an (CA) nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát Việt Nam nói riêng, trong hợp tác với Interpol, Tổ chức Cảnh sát các nước Đông Nam Á (Aseanapol) và các cơ quan thực thi pháp luật của những nước thành viên Interpol trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tính chất quốc tế liên quan đến Việt Nam.

Ngày 17-9-2014, Văn phòng Interpol Việt Nam thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm được hợp nhất với Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ CA, thành Cục Đối ngoại trực thuộc Bộ CA.

Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, hợp tác quốc tế trong công tác truy nã tội phạm được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ CA Việt Nam đặc biệt quan tâm. Hợp tác quốc tế trong công tác truy nã của CA Việt Nam được thực hiện toàn diện trên cả phương diện song phương, đa phương và nhận được sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ tích cực của các nước trên thế giới, cũng như các tổ chức quốc tế Interpol, Hơn 25 năm qua, cán bộ chiến sĩ Interpol Việt Nam đã phối hợp với các cục nghiệp vụ thuộc Bộ CA Việt Nam ngăn chặn kịp thời nhiều vụ án xuyên quốc gia, thực hiện các chuyên án cứu người từ những nơi xa xôi nhất trên lãnh thổ và nhiều nơi bên ngoài Tổ quốc; phối hợp với ICPO - Interpol thực hiện việc truy bắt, dẫn độ tội phạm gây án ở Việt Nam trốn ra nước ngoài và những tên tội phạm nguy hiểm ở nước ngoài trốn sang Việt Nam... Họ là một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất của CA Việt Nam, đang ngày đêm thực hiện sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ sự bình yên cho nhân dân.

Hơn 25 năm là khoảng thời gian đủ để chúng ta nhìn lại sự hình thành và phát triển của một lực lượng tuy còn non trẻ nhưng đã trở thành chỗ dựa và là niềm tin cậy của biết bao người Việt sống bên ngoài Tổ quốc. Những sĩ quan của Interpol Việt Nam với số vũ khí không phải súng đạn thường tình, mà ngoài những chiếc máy vi tính nhấp nháy sáng đèn 24/24 và các thiết bị khoa học kỹ thuật hình sự cùng sự suy luận nhạy bén, quyền biến trong nhiều hoàn cảnh khó khăn đã làm nên những huyền thoại giữa cuộc sống đời thường tất bật.

Chính họ đã trở thành những “đôi mắt thiên lý”, là “cánh tay nối dài” của những “bàn tay sắt” thuộc lực lượng Cảnh sát Việt Nam trong công tác phòng chống, truy bắt tội phạm hoạt động xuyên quốc gia. Mỗi năm, Văn phòng Interpol Việt Nam tiếp nhận và xử lý khoảng 2.000 thông báo đủ màu sắc từ tổng hành dinh Interpol quốc tế và từ Interpol các nước.

Nhiều người nghe tin tội phạm nào đó bị truy nã đỏ trên toàn thế giới, chỉ nghĩ đơn giản rằng lệnh truy nã ấy được in mực đỏ và trên thực tế, nó cũng được in mực màu đỏ, treo tại Văn phòng ICPO - Interpol, tổng hành dinh của Interpol toàn cầu, trụ sở đặt tại Lyon (Pháp). Nhưng ngoài màu sắc thường thấy ấy, còn không ít “sắc màu” của các thông báo từ ICPO - Interpol như dưới đây.

SẮC MÀU THÔNG BÁO CỦA ICPO

Thông báo đỏ (Red Notice): Là yêu cầu truy bắt nhằm mục đích dẫn độ tội phạm (như vụ Nguyễn Thành Thắng, Trần Kỷ Điền, Thuấn “tóc dài”, Juan Ming...). Loại thông báo này chiếm 66% tổng số thông báo của VPI nhận được từ ICPO - Interpol hàng năm.

Thông báo đen (Black Notice): Loại thông báo nhằm xác định tung tích các nạn nhân đã chết ở bên ngoài Tổ quốc (mà VPI từng thực hiện những vụ liên quan đến người lao động Việt Nam tự tử ở Đài Loan, người lao động Việt Nam chết tại Malaysia, Nhật...). Loại thông báo này chiếm khoảng 6,5%.

Thông báo xanh lá cây (Green Notice): Cảnh báo về các đối tượng phạm tội từ các nước khác nghi đã thâm nhập vào Việt Nam hoặc đối tượng gây án ở Việt Nam trốn ra nước ngoài. Loại thông báo này chiếm khoảng 12,5%.

Thông báo xanh lam (Blue Notice): Nhằm xác định và cung cấp thông tin, đường di chuyển của các loại tội phạm, đối tượng hoạt động xuyên quốc gia. Loại thông báo này chiếm khoảng 7%.

Thông báo vàng (Yellow Notice): Truy tìm người mất tích (VPI đã thực hiện hàng trăm cuộc truy tìm người Việt mất tích ở bên ngoài Tổ quốc). Loại thông báo này chiếm khoảng 8%.

Và có một màu thông báo mà những năm sau này ICPO - Interpol sử dụng khá thường xuyên đó là Thông báo màu da cam.

Thông báo màu da cam (Orange Notice): Nhằm cảnh báo các thông tin liên quan đến tội phạm khủng bố. Đây là loại thông báo mới của ICPO - Interpol nhằm thông tin đến các nước thành viên của Interpol về những biến động, việc di chuyển và hoạt động phức tạp của bọn tội phạm khủng bố trên toàn cầu.

Trong các loại thông báo trên, đáng chú ý nhất là các thông báo xanh lam, thông báo màu da cam và thông báo đỏ. Thông báo đỏ còn gọi là lệnh truy nã đỏ, thường được ban hành trên mạng I 24/7 của ICPO-Interpol với 180 nước thành viên. Đây là công cụ đấu tranh với bọn tội phạm hoạt động xuyên quốc gia hữu hiệu nhất hiện nay. Bởi sau khi gây án, chúng đã bị 180 thành viên cùng phối hợp truy bắt nên chẳng còn đường thoát thân, ngoại trừ trú ẩn ở quốc gia thứ... 181. Nhưng các đối tượng này có thể bị bắt ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ 180 quốc gia thành viên của ICPO - Interpol, trên đường di chuyển đến nơi ẩn nấp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang