Những ký ức rợn người của trận “đại hồng thủy” năm Giáp Thìn (1964):

Kỳ 2: Ký ức tang thương trong vùng 'rốn' lũ

Thứ Bảy, 03/12/2016 10:48  | Xuân Hoài

|

(CAO) Sau trận đại hồng thủy, nhiều ngôi làng bị xóa sổ, những gì còn sót lại là cảnh hoang tàn, chết chóc, tang thương đến gần nửa thế kỷ sau vẫn là nỗi ám ảnh trong ký ức của những người sống sót.

Hàng ngàn xác chết 

Theo ông Bảy Mân (người làng Đông An), một tuần sau khi ông bị lũ cuốn trôi hơn trăm cây số từ Nông Sơn xuống Hội An, ông theo xe của hội Chữ Thập Đỏ trở về quê.

Những hình ảnh đập vào trước mắt đến gần 50 năm sau ông vẫn không quên được: Làng quê tan tác, không còn một cái gì dù là đình làng, nhà cửa, cây gạo, cây đa… xen lẫn tiếng khóc than, gào thét thảm thiết tiễn biệt người thân. Đi tìm tung tích gia đình mình ông mới được biết chỉ còn anh hai sống sót trong đợt lũ vừa qua. Còn một người anh thứ tư ở Hội An nên không hề hấn gì. 11 người thân trong gia đình đều đã ra đi.

Gia đình bên ngoại chỉ tìm được xác mẹ và một bà chị vướng vào những gốc cây cổ thụ của làng nằm chỏng chơ, còn lại thi thể những người thân khác đã bị lũ cuốn đi đâu mất. Hai thi thể được bà con bên ngoại ở những làng bên tìm được và đã chôn cất. Hàng trăm gia đình trong làng Đông An còn nghiệt ngã hơn- chết hết cả nhà, không còn một ai sống sót, mất hết gốc tích, giống nòi…​

“Những lúc về khuya thì tiếng than thét gọi mẹ gọi cha, gọi con… lại càng thê thiết hơn. Những người còn sống sót sau cơn lũ và những người làng đi làm ăn, học hành ở xa thoát chết trở về, tìm lại mảnh đất nhà mình lấy áo mưa căng ra để làm chỗ trú ngụ. Thời đó, việc làm từ thiện chưa được như bây giờ nên thỉnh thoảng mới có đoàn thầy chùa về cho ít gạo mắm, còn suốt ngày chỉ biết đi nhặt nhạnh khoai, bắp… còn sót lại để ăn”, ông Bảy Mân khóc nhớ lại.

Thôn Đông An ngày nay, nơi năm 1964 là tâm lũ tang thương nhất

​Điều mà ông Bảy Mân và người người ám ảnh nhất là phía cuối làng có đào ấp chiến lược có rào kẽm gai nên khi lũ cuốn thì có hàng ngàn xác chết cũng tấp vào đấy, sau đó thì bị cát phủ lên, ngày càng nhiều, càng cao. Nhiều lần nước lũ tràn về, xói lên thì lộ lên rất nhiều bộ xương, nên các thầy chùa về lấy xăng thiêu rồi hốt cốt rồi đem đi thờ cúng.

Trong số 19 người còn sót lại của làng Đông An thì Bảy Mân là người trẻ nhất, lúc đó khoảng 16 tuổi, còn người lớn tuổi nhất là ông Bảy Ruộng, khoảng 45 tuổi.

​Sống ở làng được 6 tháng, ông Bảy Mân không thể trụ lại ở làng vì những ám ảnh ngày càng đầy thêm, đau hơn. Ông xuống Đà Nẵng, ăn chay trường hàng tháng trời khi tìm đến các nhà chùa xin ăn, sau đó đi học, đi làm, rồi lấy vợ, trở về quê vợ làm trong trạm y tế xã, sau đó nghỉ hưu và sống an nhàn đến ngày nay. Con cái ông bà giờ cũng đã thành tài, cuộc sống ổn định. Họ cùng những người làng đã và đang hướng về quê hương để xoa dịu nỗi đau…

Trước nay, do chưa có điều kiện nên chưa tổ chức cúng giỗ đầy đủ, từ năm 1995 trở về sau, nhiều làng quê ven sông Thu Bồn, lấy ngày 6-10 (ÂL) làm cúng giỗ. Một số làng tổ chức giỗ chung tại đình làng, sau đó về nhà làm giỗ theo hệ, nhánh, gia đình… Người làng và những con cháu xa phương cũng mới làm được một đền thờ, để có nơi thờ tự những người xấu số.

Bài gốc tế cúng với tên tuổi 1.485 người chết ở làng Đông An được ông Châu giữ lại

Ông Hồ Văn Xữ (90 tuổi) là một trong số 4 người còn sót lại của dòng họ Hồ đông nhất ở làng Đông An. Nhìn ngôi làng bị san phẳng, họ không thiết sống nhưng vì dòng dõi nên gắng gượng vì quê hương, giống nòi. Thời bấy giờ, sau lũ, người sống sót được giúp đỡ mái lều che tạm, đi mót sắn, hái rau ăn sống qua ngày, với quyết tâm gầy dựng cuộc sống mới.

Để có cuộc sống thanh thản, anh em ông Xữ cùng một số người nữa che chắn vội bên mé sông lập ra nhà thờ tập thể. Không có di ảnh, không bài vị, ông Xữ chỉ có thể viết tên những nạn nhân vào chung một tờ giấy để hương khói, lấy ngày mùng 6 tháng 10 AL hằng năm để giỗ.

Hơn 40 năm sau, khi con cháu về sau có điều kiện hơn đã kêu gọi, góp sức xây ngôi Miếu thờ lụt, thờ chung 1.485 người làng Đông An đã khuất. Ngôi Miếu thờ lụt hiện tại được đặt nằm ngay trên cái cồn, nơi đã cứu những người còn sống người năm xưa. Tuy nhiên, vì làng nghèo nên không có tiền xây miếu lớn, chỉ có 3 bệ thờ đơn sơ đặt những bát nhang, vẫn chưa có điều kiện để làm cả bài vị.

Theo ông Xữ, mỗi năm, cứ đến đúng ngày xảy ra thảm nạn, làng lại kéo về Miếu thờ lụt làm giỗ tập thể. Ông Châu có nhiệm vụ lưu giữ nguyên gốc bài tế cúng với đầy đủ tên tuổi nạn nhân trong một cuốn vở học trò. Đến ngày, ông cho sao tất cả ra một tờ giấy cúng dài, để ông Xữ hoặc ông Nguyễn Xuân Thái (2 vị cao niên lớn nhất làng) làm chủ lễ, hành lễ rồi sau đó đốt đi để cúng kiếng hương hồn những người xấu số…

Những “dây xác” bên dòng Cà Tang

Ở nhiều làng quê ở vùng Quế Sơn, Nông Sơn ven sông Thu Bồn ngày nay, trong nhiều làng chủ yếu là con cháu bên ngoại. Trước trận “đại hồng thuỷ” ấy họ đi lấy chồng ở xa nên mới… thoát nạn.

Ngoài làng Đông An thì các làng Thạch Bích, Bình Yên (xã Quế Lâm), Đại Bình (xã Quế Phước), Cà Tang (xã Quế Trung) thuộc huyện Nông Sơn cũng gần như bị xóa sổ tương tự.

Con số thương vong đứng sau Đông An là Cà Tang với 300- 400 người chết. Nhưng những cái chết ở ngôi làng này còn khiến cho người chứng kiến, con cháu đời sau nghe kể về trận lụt mà rợn gáy.

Bến Cà Tang của làng Cà Tang, nơi có 300- 400 người chết

Khi nước lũ lên, nhiều gia đình, dòng họ cùng tránh lụt trên nóc nhà, lúc biết không thể thoát được thảm nạn, họ đã lấy sợi dây gàu múc nước cột tay lại với nhau, với hi vọng không xác ai bị thất lạc.

Khi nước rút ra, những người còn sống sót đi tìm người thân đã bắt gặp nhiều “dây xác” dính chùm với nhau. Có “dây xác” đến 10 người như nhà bà Lê Thị Lệ (SN 1950). Bà Lệ sống sót nhờ đang ở nhà người quen ở Hội An. Khi về thấy người nhà chết chùm như vậy, bà đau đớn không thể tả.

Ngôi làng nhỏ Đá Ngang có 50 gia đình sống nơi sông Thu nhưng lũ đã cướp đi nơi đây hơn 150 người. Kế đến là thôn Đại Bình với gần 100 người bỏ mạng và còn nhiều làng mạc nữa cũng chung cảnh ngộ.

Ngoài Đông An thì ở các làng Cà Tang, Đại Bình, Thạch Bích, Bình Yên… cũng làm giỗ tương tự một ngày. Ở mỗi làng này đều có Miếu thờ lụt, thờ chung những người chết của riêng làng mình. Tuy nhiên, có một điểm giống nhau, vì cuộc sống hiện tại quá nghèo nên ngôi miếu nào cũng đơn sơ, thậm chí cứ tới mùa mưa bão lại ngã đổ khiến người dân luôn lo lắng nhưng không biết phải làm sao.

Ước vọng của họ là muốn xây được những miếu thờ chắc chắn, vững chải hơn để duy trì đời này qua đời khác cho các thế hệ sau còn nhắc nhớ, thờ tự những người làng mất mát trong trận đại hồng thủy tang thương nhất từ trước tới nay.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, những ký ức tang thương trong trận đại hồng thủy năm Giáp Thìn vẫn là nỗi ám ảnh nhất của người dân xứ Quảng và cả nước khi nhắc nhớ về những trận lũ lịch sử.

Miếu thờ lụt ở làng Đông An
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trạm trưởng trạm thủy văn Nông Sơn cho biết, căn cứ vào nhật ký số liệu vết lũ lưu giữ tại trạm, mưa từ ngày 4 đến ngày 10-11-1964 mực nước tại trạm Nông Sơn đạt 22,16 mét. Với những gì ghi lại cho thấy, thời điểm lúc bấy giờ, hoạt động cứu hộ, cứu nạn trong trận lụt năm 1964 gần như không có. Phần lớn người dân tự cứu nhau nhưng trong điều kiện lũ dâng cao vượt cả cây tre, nhưng nhà dân ở chỉ toàn vách đất thô sơ, không ghe, không xuồng… Những người sống sót chủ yếu nhờ may mắn.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang