Tuyên chiến với tội phạm cho vay nặng lãi:

Kỳ 5: Vì sao các đối tượng biết vi phạm nhưng vẫn hoạt động?

Thứ Hai, 29/03/2021 11:24  | Đăng Khoa

|

(CATP) Theo đánh giá của Bộ Công an, mặc dù các cơ quan chức năng quyết liệt truy bắt, triệt phá các tổ chức cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen... nhưng nhiều đối tượng khác vẫn tiếp tục vi phạm. Vậy đến bao giờ tội phạm cho vay nặng lãi không còn "đất sống"?

NHU CẦU CỦA NGƯỜI NGHÈO

Tiếp xúc với những nạn nhân của tín dụng đen, chúng tôi nhận thấy bọn tội phạm cho vay nặng lãi nắm bắt được nhu cầu của dân lao động. Thông thường, người buôn gánh bán bưng hoặc công nhân ở các khu công nghiệp có nhu cầu cần tiền giải quyết khó khăn như người thân bệnh, chi phí cho con học đầu năm... khi không biết vay mượn nơi đâu. Đến lúc gặp các tờ rơi quảng cáo "alô là có tiền, lãi suất thấp không cần thế chấp" thì họ tưởng như gặp được phao cứu sinh.

Chị Nguyễn Thị T. (ngụ xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) cho biết, giữa năm 2020, chồng chị bị bệnh còn việc nuôi tôm lại thất mùa. Đứa con trai đang theo học đại học đến hạn đóng tiền học phí. "Ban đầu tôi đến xã hỏi thủ tục để vay. Cán bộ xã hướng dẫn tới ngân hàng. Mấy cán bộ ở đây cũng nhiệt tình, đưa cho tôi chồng hồ sơ với các thủ tục hết sức nhiêu khê. Tôi nghĩ nếu xong hồ sơ và được ngân hàng cho vay thì chồng tôi sẽ chết, con tôi bị đuổi học", chị T. thành thật. Trong lúc rối bời, chị nhìn thấy tờ rơi cho vay không cần thế chấp liền liên hệ hỏi vay 20 triệu đồng. Qua điện thoại, người thanh niên cam kết 1 giờ sau sẽ đến nhà chị và giải quyết cho vay.

Thế là chị T. cũng như nhiều người dân khác sập bẫy khi vay 20 triệu đồng nhưng thực nhận chỉ 18,5 triệu. Chị tò mò hỏi thì đối tượng cho vay nói, 1,5 triệu đồng là tiền bảo hiểm. Sau 2 tháng, chị T. đành phải thế chấp đất để trả cho chúng cả vốn lẫn lãi lên đến 40 triệu đồng vì không muốn tin nhắn, những cuộc điện thoại hăm dọa. Không chỉ riêng chỉ T., nhiều người đã tìm đến bọn cho vay lãi nặng nhưng thực ra đấy là chiếc thòng lọng đối với người nghèo.

Xóa tờ rơi quảng cáo cho vay tại các cột điện

Bà Trần Bích D. (ngụ huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) từng trốn chui nhủi bởi không trả đúng hẹn cho các đối tượng cho vay lãi nặng. "Nếu thủ tục ngân hàng cho vay không rườm rà thì người dân đâu phải vay với lãi suất cắt cổ. Một hồ sơ vay tiền ngân hàng cho đến lúc giải ngân, người dân phải biết bao nhiêu chữ ký kèm thủ tục chứng thực. Trong khi người dân cần tiền gấp để giải quyết khó khăn, bản thân không rành thủ tục hành chính thì đành liều vay tiền giải quyết việc gấp còn sau hãy hay. Thế là người dân trở thành nạn nhân của chúng", bà D. trải lòng.

Tại các cuộc họp về đấu tranh với tội phạm cho vay nặng lãi, một số đại biểu đặt thẳng vấn đề: "Nhà nước và ngành ngân hàng sớm có các quy định phát triển sản phẩm cho vay đáp ứng nhu cầu chính đáng của người nghèo. Việc cho vay thuận tiện cũng sẽ góp phần kéo giảm "tín dụng đen". Trong khi chúng ta có ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp nhưng thực chất giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân hay không". Các đối tượng đã nắm bắt nhu cầu của người thu nhập thấp để hoạt động.

Tội phạm cho vay nặng lãi hoạt động kèm theo những hoạt động cho vay lãi nặng là những hoạt động tội phạm khác nhằm mục đích để thu hồi nợ của người vay như hành hung, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, thậm chí giết người nếu người vay không trả được nợ... Các hoạt động cho vay lãi nặng đang là vấn đề nhức nhối cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an, an toàn công cộng của người dân.

Một số đối tượng phát tờ rơi bị tạm giữ

KHÓ XỬ LÝ NẶNG

Theo ý kiến của lực lượng công an tại các buổi thảo luận, để dẹp bớt loại tội phạm trên, ngân hàng cần thông thoáng về thủ tục, người dân không còn tìm đến chúng. Bên cạnh đó, khi các quy định luật pháp chặt chẽ, chi tiết và sát thực tế, đồng thời có được sự đồng lòng, quyết tâm và trách nhiệm của cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và cảnh giác của người dân, hoạt động tín dụng đen mới không còn đất sống. Thực tế thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ cho vay nặng lãi nhưng kết quả xử lý lại chưa đủ sức răn đe, và chưa có chế tài để xử lý hiệu quả hơn.

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, lãi suất thỏa thuận giữa các bên cho vay không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Điều 201 của Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015) quy định lãi suất hơn 100%, thu lời bất chính hơn 30 triệu đồng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định thì việc cho vay lãi quá 556 đồng/triệu đồng/ngày là vi phạm. Song hiện lãi suất "tín dụng đen" lên đến 300 - 700%/năm, tương ứng 5.000 đồng/triệu đồng/ngày nhưng không dễ xử lý.

Cũng tại BLHS 2015 đã kịp thời sửa đổi, bổ sung thêm những quy định của BLHS năm 1999 về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" đó là, "hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích...". Đồng thời, BLDS năm 2015 cũng đã sửa đổi, bổ sung mức lãi suất cho vay chi tiết hơn so với BLDS năm 2005. Bởi BLDS năm 2005 quy định về lãi suất vay là: Do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng và trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ (Điều 476).

Nắm bắt được kẽ hở của quy định pháp luật, các đối tượng sử dụng nhiều chiêu lách luật như một phần lãi được tách ra thành phí quản lý và nhiều phí khác, đều đánh vào đầu người vay, hay nếu người vay trả hết gốc trước, thì chuyển phần lãi thành gốc nên khi bị phát hiện không thể kết tội đối tượng. Có khi chúng sử dụng thủ đoạn trong lập hợp đồng vay không thể hiện lãi suất... Đối với cơ quan bảo vệ pháp luật, khi xử lý phát hiện những bất cập dẫn đến một số trường hợp tuy có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, nhưng số tiền thu lợi bất chính không đủ định lượng cấu thành tội phạm, không có căn cứ để xử lý hành chính.

Bên cạnh đó, những trường hợp cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự cho thấy, một số trường hợp cùng một lúc đối tượng cho vay nhiều người và một người cùng lúc làm nhiều hợp đồng để vay tiền, hành vi cho vay có nhiều hình thức khác nhau, người cho vay và người vay có thể thực hiện bằng hợp đồng viết, giấy biên nhận, có thể chỉ là hợp đồng miệng. Trong hợp đồng cho vay, thường các đối tượng cho vay không ghi thỏa thuận về lãi suất, chỉ có ghi số tiền vay, ngày trả trong hợp đồng và các hợp đồng vay có thời hạn phải thanh toán tiền vay từ 15 đến 30 ngày hoặc 42 ngày và các bên tự thỏa thuận lãi bằng miệng chứ không ghi trong hợp đồng.

Ngoài ra, hầu hết các vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự các đối tượng cho vay "không cần thế chấp hoặc cầm cố tài sản của người vay", dẫn đến các trường hợp cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự khi phát hiện mà số tiền thu lợi bất chính dưới 30 triệu đồng không đủ định lượng để xử lý hình sự thì chưa có chế tài để xử lý. Nghị định số 167 về xử phạt hành chính quy định người vay tiền phải "có cầm cố tài sản" thì mới xử phạt hành chính được, nếu không có cầm cố tài sản thì không thể xử lý hành chính được. Dẫn đến các đối tượng cho vay khi phát hiện trong quá trình điều tra xác định số tiền thu lợi dưới 30 triệu đồng và không thuộc các trường hợp "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích...". Nhưng sau đó đối tượng lại tiếp tục cho vay, nhưng số tiền thu lợi dưới 30.000.000 đồng cũng không xử lý được.

Trước tình trạng tính dụng đen bùng nổ, chế tài xử phạt hành chính chưa có quy định cụ thể, chi tiết đã gây khó khăn cho việc xử lý của cơ quan chức năng...

Kiên Giang: Phạt 7 người phát tờ rơi cho vay nặng lãi

Sáng 28-3, Công an phường Vĩnh Lạc và phường An Hòa (TP.Rạch Giá, Kiên Giang) đã xử phạt hình chính 7 đối tượng với số tiền từ 350 ngàn đến 1,5 triệu đồng về hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội; đồng thời buộc các đối tượng khắc phục hậu quả bằng cách đi nhặt, xóa bỏ tờ rơi đã rải xuống đường, dán vào cột điện.

Trước đó, vào các ngày 24 và 25-3, Công an phường Vĩnh Lạc bắt quả tang Lê Văn Tú (SN 2000) và Phan Văn Linh (SN 1996, cùng ngụ Hà Nam) đang có hành vi chạy xe máy rải xuống đường hàng ngàn tờ rơi quảng cáo cho vay trả góp, còn Đỗ Văn Trung (SN 1989, ngụ TP.Hải Phòng) dán tờ rơi lên cột điện trên các tuyến đường Phạm Hùng, Nguyễn An Ninh và Lạc Hồng. Khoảng 2 giờ ngày 24-3, Công an phường An Hòa bắt quả tang Vũ Quốc Phong (SN 1997), Lương Anh Quân (SN 2002), Nguyễn Lam Phong (SN 2002) và Đỗ Duy Thành (SN 2000, cùng ngụ TP.Hải Phòng) đang có hành vi rải và dán tờ rơi quảng cáo cho vay trả góp trên địa bàn.

Bước đầu các đối tượng khai số tờ rơi trên là của Linh và Thành, 5 đối tượng còn lại được Linh và Thành thuê đi rải và dán vào cột điện, bờ tường... Mỗi ngày, nhóm người này được trả công từ 250 đến 300 ngàn đồng và chọn thời gian để rải, dán tờ rơi lúc 1 đến 5 giờ sáng để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng...

(Còn tiếp...)

Kỳ 4: Tín dụng đen đang chuyển hướng hoạt động ở miền Bắc
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang