Ký sự Tonle Sap: Mỏng manh kiếp người trên Biển Hồ

Thứ Tư, 08/06/2016 13:16

|

(CAO) Không chỉ là khu dự trữ sinh quyển toàn cầu, Biển Hồ còn là vựa cá khổng lồ của khu vực Đông Nam Á, cung cấp 70% lượng thủy sản và 60% lượng đạm cho đất nước Campuchia. Tuy nhiên, ở cái “vương quốc cá” này, đói nghèo cứ đeo báo dai dẳng ngư dân hết đời này qua đời khác? Mang theo trăn trở ấy, chúng tôi tìm đến Biển Hồ…

Biển Hồ cạn chưa từng thấy

Để lại sau lưng những đền đài tráng lệ, hay Angko Wat, Angko Thorm huyền bí và điệu múa Apsara mê hoặc lòng người, chúng tôi hướng đến cộng đồng người Việt trên Biển Hồ.

Biển Hồ lấy nước từ một cánh của sông Mêkông và nhiều con sông chảy theo địa hình. Vào mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau), Biển Hồ có diện tích xấp xỉ 10.000km2, sâu chỉ từ 1m - 4m. Vào mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm, diện tích của Biển Hồ có thể rộng tới 16.000km2, giáp với sáu tỉnh của Campuchia là Siem Reap, Kampong Chnang, Kampong Thom, Patampang và Pursat, có hình dáng của con ốc sên đang bò trên vỏ trái đất. Nước dâng cao làm Biển Hồ có thể sâu 9m, gây ngập lụt đồng ruộng và cây cối toàn khu vực.

Do ảnh hưởng El Nino làm Biển Hồ cạn trơ đáy khiến cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn.

Biển Hồ cũng là nơi mưu sinh của hàng ngàn hộ gia đình người Campuchia, người Campuchia gốc Việt và người Campuchia gốc Chăm. Trước đây, Biển Hồ vốn nổi tiếng là vùng “đất lành chim đậu”, nhưng giờ đây cuộc sống của người dân Biển Hồ gặp muôn vàn khó khăn.

Ông Trần Văn Tư (quê ở tỉnh Tây Ninh, Việt Nam), hiệu trưởng Trung tâm giáo dục và từ thiện nuôi dạy 317 trẻ em nghèo của một làng chài trên Biển Hồ thuộc tỉnh Kampong Chnang cho hay: “Ngày trước, tôm cá ở Biển Hồ nhiều như rươi. Cứ chiều chiều hoặc sáng sớm, cá tra, cá lốc, rô phi, thát lát… nổi đầu lổm nhổm trên mặt nước. Đêm ngủ, có con bơi đến gần bè tìm thức ăn, bất chợt quẫy đuôi làm cái rầm nghe giật cả mình.

Mỗi lần đi bắt cá, người ta chỉ cần cầm một nắm gạo, bắp rang hay bất kỳ loại thức ăn nào rãi lên mặt hồ, cá bu lại đầy nhóc. Mình nhắm con nào thì cầm mũi lao phóng con đó là bắt được cá. Ngoài tôm, cá, Biển Hồ còn đầy các loại chim chốc, thú rừng. Mùa nước nổi, các loại chim như le le, chim sen, chàng bè - có con còn to hơn con ngỗng… sà xuống mặt biển cả đàn. Ban đêm, chỉ cần cầm cay đèn pin chống xuồng lũi vào các bãi năn, sậy hai bên Biển Hồ là lượm đầy nhóc ba ba, rùa, rắn. Chồn, sóc, nhím, heo, mèo rừng… vẫn còn nhiều. Ban đêm là thời điểm Biển Hồ nhộn nhịp nhất, nhưng bây giờ đã hết”.

Ông Sáu - một người con gốc Việt sinh ra trên Biển Hồ tiếp lời: “Hồi xưa, ngư dân Biển Hồ sử dụng ngư lưới cụ thô sơ để đánh bắt cá, nhưng bây giờ người ta đi đánh bằng vỏ lãi, xuồng cao tốc, máy chạy ầm ầm, ngư lưới cụ hiện đại khiến cá tôm không thể hồi sinh nổi. Thêm vào đó, năm nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hạn hán kéo dài khiến nước Biển Hồ cạn kiệt. Tôi sống ở đây gần 60 năm, bao lần chứng kiến nước Biển Hồ lên xuống nhưng chưa năm nào Biển Hồ cạn như năm nay. Nước cạn có thể đi bộ trên biển được thì lấy đâu ra cá để đánh bắt. Sống trên vựa cá nhưng giờ ăn cơm với muối.

Là người làm nghề chài lưới từ khi chập chững biết đi, anh Võ Văn Tính (SN 1980) cho hay: “Mấy năm trước, mỗi đêm đi giăng lưới, tui kiếm cả chục ký cá. Tiêu pha tằn tiện một chút nhưng cũng đủ sống qua ngày. Tuy nhiên, năm nay nước cạn quá không còn cá để đánh. Đêm nào trúng mánh, tui kiếm được ba, bốn ký cá nhỏ, mỗi ký bán được chục ngàn đồng, chỉ đủ tiền đong gạo, không đủ tiền mua thêm thuốc hút. Hôm không có cá thì lỗ tiền dầu”.

Sống bằng nghề chài lưới, nhưng giờ đây ngư dân Biển Hồ đành phơi lưới nằm ở nhà.

Mấy tháng nay không đi giăng được, vợ chồng anh và ba đứa con phải sống nhờ vào sự viện trợ của các mạnh thường quân. Lúc bí bách, anh đành chống xuồng qua chỗ ông Tư xin chút gạo về nấu cháo cho con. Chiếc ghe gia đình anh Tính đang ở cũng nhờ ông Tư cho tiền mua lại của người ta. Anh vẫn còn nợ khoảng 15 triệu đồng tiền công thợ, tiền vật liệu. “Giờ ông Tư khỏe, tụi tui còn bám víu được chứ mai mốt ông ấy già yếu không đi xin tài trợ được, cả làng này không biết tính sao”, anh Tính tặc lưỡi.

Khác với nhiều hộ dân ở Biển Hồ, gia đình bà Nguyễn Thị Thắm (SN 1964), chồng Lê Văn Mỹ (SN 1962) không có ngư lưới cụ nên phải “đi bạn” (kéo lưới thuê - PV) cho người ta. Trước đây, vợ chồng bà lam lũ, mỗi ngày kiếm được vài ba chục ngàn riel (1.000 riel bằng 5.500 đồng - PV). Thắt lưng, buộc bụng cũng đủ nuôi sáu đứa con. Từ khi nước Biển Hồ bị cạn, người ta không đi kéo lưới được nên vợ chồng bà cũng thất nghiệp theo.

Thống kê của chính quyền sở tại cho biết, tỉnh Kampong Chnang có hơn 11.200 hộ dân, với khoảng 55.200 nhân khẩu là kiều bào người Việt làm ăn sinh sống. Tại làng chài ông Tư có 539 hộ dân, với 2.401 nhân khâu. Trong số đó có 20% hộ tạm khá, 30% hộ tạm đủ ăn, số còn lại nghèo xơ xác, phải chạy ăn từng bữa. Lúc trước, Chính phủ Campuchia cấm người dân đánh bắt thủy sản suốt sáu tháng mùa lũ. Hiện nay, lệnh cấm ấy kéo dài tới ba năm nên người dân Biển Hồ chỉ có thể trông chờ vào các đoàn chuyên làm từ thiện, nhưng hàng ngày liệu có bao nhiêu đoàn từ thiện đến Biển Hồ, bao nhiêu đoàn trong số đó viện trợ cho bà con?

Mịt mờ tương lai

Không còn cảnh những ngôi làng bè bồng bềnh trên mặt nước như trước đây, hiện tại ở Biển Hồ chỉ có cảnh những ghe xuồng, ngôi nhà bè nằm lấp xấp trên mặt nước, xen kẻ đó là những ghe xuồng, nhà bè mắc cạn chổng chơ trên mặt hồ, chênh vênh như muốn đổ. Cuộc sống người dân Biển Hồ dường như cũng bế tắc như những con thuyền kia.

Bên cạnh cái ăn, thiếu điện, nước đang là bài toán nan giải ở Biển Hồ

Chúng tôi ghé thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hà (SN 1966), anh Lưu Thanh Hà (SN 1979) khi vợ chồng chị đang hì hục sửa lại “ngôi nhà” của mình. Trong “nhà” chị, ngoài những bộ quần áo cũ kỹ, vài ba cái xoong, nồi méo mó, hơn chục cái chén dĩa sứt mẻ… thì không một thứ gì có giá trị. Nói là “nhà” nhưng thực chất là chiếc ghe rộng hơn 1,5m, dài tầm 3,5m. Chiếc ghe này chị mua lại của người khác. Lúc mua về, chiếc ghe vốn cũ kỹ, vợ chồng chị bỏ thêm ít tiền mua bạt cao su bọc dưới đáy ghe cùng một số vật liệu khác tu bổ lại mới ở được. Ở giữa chiếc ghe, chị làm một cái mui, bên trên lợp bằng lá cọ - được xem như là “mái nhà” che mưa nắng. Chiếc ghe mục nát, nhiều mảnh ván, khung ghe, thoen chống bị nứt nẻ, bể cả hai đầu. Để di chuyển trên chiếc ghe của chị, nhiều lúc chúng tôi chỉ còn cách phải… bò.

Vừa bò, chúng tôi vừa lo, bởi nếu lỡ nó bị gãy, sập thì không biết gia đình chị sẽ ngủ ở đâu. Ngước lên “mái nhà, chúng tôi nhìn thấy trời rõ mồn một. Trời nắng thì còn đỡ, gặp hôm mưa xuống, “ngôi nhà” của chị bị dột, ướt như chuột lột. Chiếc ghe từng bị chìm mấy lần, may mà gia đình chị không sao. Ở đây, đã từng xảy ra trường hợp, có gia đình nọ đang ngủ, gặp lúc chiếc ghe bị thủng đáy, chìm xuống biển làm chết hết mấy người.

Chị cho hay, người ta có điều kiện mua sắp chài lưới làm ăn, còn như vợ chồng tui làm thuê, làm mướn cho người ta, chạy gạo ăn từng bữa, lấy đâu ra tiền để sắm nghề, sửa ghe. Không có gạo ăn, nhiều hôm chị phải nhịn đói nhường phần của mình cho con. Không chỉ gia đình chị Hà, Biển Hồ giờ có hàng ngàn hộ đói cơm, thiếu áo. Lúc ốm đau, họ lại nhờ mấy anh em bên chính quyền địa phương đi vận động những gia đình khá giả trong làng cho tiền mua thuốc, họ cũng nói với trạm xá miễn giảm viện phí cho bà con, nhờ vậy mà người dân Biển Hồ mới có cơ hội được chữa bệnh. Họ sống nhờ vào việc đánh bắt tôm, cá, bây giờ nguồn thủy sản cạn kiệt khiến cuộc sống của họ trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Trẻ em Biển Hồ chịu nhiều thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác

Người sống lay lắt đã đành, người chết cũng chẳng yên mồ mã. Chị Hà kể, khi có người qua đời, nếu có tiền, người dân Biển Hồ phải bỏ ra từ 4.000 - 5.000 USD mới mua nổi một huyệt mộ trên bờ để chôn cất người thân của họ. Không có tiền, họ đành an táng người quá cố ở mép nước. Nhiều lúc, nước Biển Hồ dâng cao, người ta không còn nhớ rõ mộ người thân của mình nằm ở đâu.

Theo ông Tư, nỗi băn khoăn lo lắng lớn nhất của người dân Biển Hồ lúc này chính là tương lai của thế hệ trẻ. Nhiều con em người Việt ở đây không được học hành, không được hưởng thụ những thứ cơ bản nhất mà trẻ em nơi khác từng có. Con nít lớn lên, có đứa lập gia đình từ lúc 13 tuổi. Đến 15, 16 tuổi, có đứa đã hai đời chồng, ba bốn đứa con. Trẻ con sinh ra thiếu tháng, thiếu ăn nên đứa nào cũng nheo nhóc. Vệ sinh không đảm bảo, sinh nhiều, dưỡng ít, sức khỏe của phụ nữ, trẻ em hao mòn. Nhiều đứa chưa biết bò đã theo mẹ đi ăn xin. Túng bấn, có người chỉ còn cách lén lút săn bắt kiếm vài con thú về đổi gạo nuôi con.

Khác với nhiều năm trước, năm nay Biển Hồ đục ngầu màu bùn đỏ. Mọi sinh hoạt từ ăn uống, tắm giặt đều diễn ra trong cái màu nước đục ấy. Cuộc sống cơ cực khiến họ phải chạy ăn từng ngày. Hơn thế nữa, sống trên những chiếc thuyền hay nhà bè thô sơ, ọp ẹp khiến họ không có cơ hội đầu tư vào thuyền bè để đánh bắt thủy sản.

Họ cũng không có giấy tờ hay bất cứ điều gì đảm bảo, nên khi cần, họ chỉ có thể vay “nóng”. Lãi mẹ đẻ lãi con khiến họ càng điêu đứng thêm. Vậy là, sau mỗi mùa nước lên, thuyền bè, nhà cửa của họ xuống cấp hơn, cuộc mưu sinh của họ lại uể oải hơn. Dường như họ cứ lăn lốc với sông nước để thời gian vô định trôi qua cho xong một kiếp người. Không có điểm tựa, họ bế tắc trong chính cuộc sống hiện tại, không biết bến nào đục, bến nào trong…

Bình luận (0)

Lên đầu trang