Ma trận “cò” khám bệnh ở Sài Gòn (kỳ 2)

Thứ Ba, 19/06/2018 15:46

|

(CAO) Nạn “cò” khám bệnh lộng hành ở các bệnh viện tại TP.HCM là một thực trạng nhức nhối suốt thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận. Nhưng vì sao không ngăn chặn được?

KỲ 2: "HOA HỒNG ĐEN" TRONG NHÀ THƯƠNG

Lãnh đạo các bệnh viện cho rằng: “Do người dân nhẹ dạ, đối tượng tinh vi!”. Vậy, ngoài những lý do này thì đằng sau “hoạt động ổn định” của các “cò”, còn thêm bí ẩn nào khác?

“Nhảy số”

Phóng viên Báo CATP có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM vào sáng 13-6. Lúc này, khu vực khám bệnh của bệnh viện đã chật người chờ khám. Anh N. (25 tuổi, ngụ Tân Bình - một công nhân đang), hôm nay dù đã cố gắng đến bệnh viện từ rất sớm nhưng giờ thì vẫn đang mỏi mòn đến số khám bệnh của mình - bên cạnh anh là dòng người xếp hàng dài chờ tới lượt.

Phía trên, bảng điện tử vẫn ì ạch nhảy từng số một. Thấy điệu bộ bơ phờ của anh N., ông Đường (một tài xế xe ôm tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM – kiêm luôn “cò” khám bệnh) liền tiếp cận, hỏi han: “Thấy em chờ lâu rồi mà chưa tới lượt nữa. Kiểu này chắc tới chiều cũng chưa xong. Thôi, đầu giờ chiều quay lại anh giúp cho!”.

Nghe “cò” Đường nói, N. như “nắng hạn gặp mưa rào”, vội lấy điện thoại lưu lại số của ông này. Để N. yên tâm hơn, “cò” Đường tiếp tục khoe về những “mối quan hệ” của ông ta với các bác sỹ, nhân viên bên trong Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. “Nhờ mối đó mà anh mới “dẫn bệnh” kiếm thêm thu nhập” – “cò” Đường tiết lộ.

“Cò” Đường (bên trái) và “cộng sự” ra giá và nhận 500 nghìn đồng của bệnh nhân để làm dịch vụ “khám bệnh siêu tốc”

Đúng hẹn, 13 giờ 30 cùng ngày, N. quay lại bệnh viện. Lúc này, “cò” Đường cùng một “cộng sự” khác tên Hùng đề cập thẳng vấn đề, ra giá thẳng băng: “Bây giờ tụi anh bao trọn gói cho em từ khám bác sỹ đến chụp chiếu xét nghiệm, tất thảy 500.000 đồng. Chịu hay không thì tùy em!”.

Có vẻ tiếc tiền, N. lưỡng lự trong giây lát nhưng vì nóng lòng với sức khỏe của bản thân, anh này đành gật đầu đồng ý. “Thôi làm đi!” – N. chốt hạ.

“Vô kèo”, “cò” Đường bắt đầu tung chiêu. Từ cổng chính, “cò” Đường thoăn thoắt luồn lách trong đám đông, mang ra cho “khách hàng” của mình một tờ phiếu đăng ký ghi số 142 (trong khi lúc này bảng điện tử đã hiện lên số 140).

Cầm số thứ tự trên tay, N. không khỏi ngạc nhiên vì phía trước anh vẫn còn khá nhiều người đang chờ đợi tới lượt. Nhưng đó chỉ mới là “bước 1” của các tay “cò”. Mọi thủ tục được hoàn thiện, “cò” Đường tiếp tục dẫn N. tìm đến phòng khám số 35, (Khoa Ngoại thần kinh), vừa đi vừa kể lể: “Thương em lắm anh mới giúp giùm, chứ gửi bác sỹ kiểu này cũng ngại lắm”.

Màn “nhảy số” ngoạn mục của “cò” đường. Bệnh nhân mới bốc số, chỉ sau 5 phút đã được “chèn” vào khám bệnh.

Lúc này, tính theo số thứ tự, N. vẫn phải chờ thêm 2 bệnh nhân khác mới đến lượt mình. Nhưng “cò” Đường đã có cách, nháy mắt nói: “Em đợi anh lát, anh vô gặp bác sỹ. Ra ngay!”. Ông này nhẹ nhàng vén tấm màn trắng phòng khám, tiến tới bàn bác sỹ, ra hiệu điều gì đó.

Ngay lập tức, N. được thế ngay vào vị trí của người cầm số thứ tự 141. Thế là chỉ với 2 lần “cò tung hứng”, N. đã được “nhảy số” một cách ngoạn mục để vào thăm khám trước sự bức xúc của rất nhiều người đang chờ đợi theo đúng “quy trình”.

Móc nối

Không chỉ giúp “khách hàng” được “đặc cách” để lấy “số ưu tiên”, “cò” Đường còn có thể “chen chân” vô bất cứ khu vực chuyên môn nào ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Không phải tự dưng mà ông này có được “đặc quyền” như thế.

Theo tiết lộ từ “cò” Đường, để có thể gửi bệnh trót lọt, ông phải nhờ sự “hỗ trợ” từ các bác sỹ, nhân viên của bệnh viện. Số tiền “dịch vụ” kiếm được, “cò” Đường sẽ trích ra một nửa để mời các “quế nhơn” đi nhậu đáp nghĩa.

“Thay vì mình đưa cho anh em, họ không lấy thì mình mời đi nhậu lại. Đó cũng như là “hoa hồng” cho họ. Sống là phải biết điều” – tay “cò” tiết lộ. Tuy nhiên, số tiền và hình thức “đáp nghĩa” cũng tùy thuộc vào ca bệnh và mức độ nghiêm trọng.

“Riêng những ca nằm cấp cứu, muốn chỉ định mổ sớm thì phải có giá 2.500.000 đồng, chứ không chỉ đơn giản là chầu nhậu” – “cò” Đường báo giá.

“Cò” Đường vén màn vải, ra hiệu với bác sỹ đang khám bên trong để “khách” được “ưu tiên”.

Không chỉ ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM mới có chuyện bí ẩn. Tại Khoa tai – mũi – họng của Trung tâm chẩn đoán Y khoa Hoà Hảo (Trung tâm Hòa Hảo), vào chiều 1-6, ống kính bí mật của phóng viên đã ghi được cảnh một nhân viên y tế của trung tâm này (tên Nh.), làm “cò” nhận “tiền cà phê” của một bệnh nhân nam để “nhét” anh này vào khám trước.

Thấy cảnh này, nhiều bệnh nhân đang xếp hàng theo thứ tự đã không giấu được sự khó chịu. “Tôi chờ ở đây từ sáng giờ, thấy mấy người mặc đồ bác sỹ, y tá lại “nhét” cho mấy người vào trước rồi. Như vậy sao công bằng được, ai cũng chờ mà. Chỉ khổ cho những người nghèo từ dưới quê lên, có khi chờ cả ngày cũng không tới lượt mình” - một bệnh nhân cau có.

Những khoản “hoa hồng đen” như thế dường như là điều bình thường ở những bệnh viện, trung tâm khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM. Có cầu ắt có cung, một khi nơi khám chữa, bệnh bị quá tải, lực lượng nhân viên hướng dẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân thì lẽ đương nhiên, đội ngũ “cò” sẽ tự dưng có đất sống.

Không dừng lại ở ngay bên trong bệnh viện, các khoản “hoa hồng đen” còn được hàng loạt phòng khám đa khoa bên ngoài tận dụng như một “miếng mồi ngon” để các “cò” dụ dỗ bệnh nhân đến cho mình.

Một người mặc đồ y tế của Trung tâm Hoà Hảo (tên Nh.) nhận “tiền cà phê” của bệnh nhân để đưa người này chen vào khám trước. Ảnh chụp tại Khoa tai – mũi – họng của Trung tâm Hòa Hảo, chiều 1-6

Qua tìm hiểu của phóng viên, một số phòng khám tư nhân hiện đang kinh doanh theo cách “tầm gửi” các bệnh viện lớn. Và để tồn tại được, các phòng khám này sẵn sàng móc nối với một lượng “cò” nhất định để dắt khách về.

Ví dụ đơn cử, đối tượng Nguyên (chúng tôi đã nêu trong bài trước) là “cò cưng” của Phòng khám đa khoa Tâm Ý (Q5), chuyên hoạt động ở khu vực Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Công việc chính của Nguyên là tìm khách, buông lời dụ dỗ và chở thẳng tới các phòng khám này để hưởng “hoa hồng”, sau đó bỏ mặc bệnh nhân.

Tương tự, trong một cuộc phỏng vấn giữa phóng viên Báo CATP và chủ một phòng khám đa khoa tại Q10, khi được hỏi: “Tại sao lại phải “móc nối, ăn rơ” với “cò” để tìm kiếm bệnh nhân?”, ông này đã thừa nhận rằng chỉ với cách đó mới có được lượng khách đến khám bệnh ổn định, duy trì thu nhập cho phòng khám của mình.

Nạn “cò” khám bệnh lộng hành ở các bệnh viện tại TP.HCM là một thực trạng nhức nhối suốt thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận. Nhưng vì sao không ngăn chặn được? Lãnh đạo các bệnh viện cho rằng: “Do người dân nhẹ dạ, đối tượng tinh vi!”.

Tuy nhiên, những gì mà chúng tôi đã tường thuật ở trên, có lẽ đang mang đến một vài câu chuyện “có vấn đề” khác. Một thực tế đã nghiễm nhiêm tồn tại: Nếu không có nhu cầu của bệnh nhân và ở chừng mực nào đó là sự móc nối, “tạo điều kiện” của các nhân viên, y, bác sỹ ở các bệnh viện, phòng khám, trung tâm… bằng những khoản “hoa hồng đen” nêu trên, thì “cò” khó lòng có đất sống…

(Còn tiếp)

PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM:

Hiện, tôi đang đi công tác ở tỉnh nhưng cá nhân tôi và Ban giám đốc bệnh viện rất ghi nhận thông tin mà Báo CATP đã phản ảnh về nạn “cò” khám bệnh tại các bệnh viện, trung tâm, phòng khám… ở TP.HCM – trong đó có nội dung nói về Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Nạn “cò” khám bệnh trên thực tế do một số đối tượng bên ngoài bày ra. Để ngăn ngừa tình trạng này, lâu nay chúng tôi đã cho lắp đặt các bảng chữ với nội dung cảnh báo người dân; đồng thời cho phát loa cảnh báo, tuyên truyền để người dân cảnh giác xuyên suốt trong ngày, cung cấp đường dây nóng ngay tại bệnh viện để bà con phản ánh.

Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với lực lượng công an để đẩy đuổi, xử phạt hành vi này thường xuyên. Về nội dung báo phản ánh có dấu hiệu liên quan của công nhân viên hoặc cán bộ, y, bác sỹ nào đó ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, sau cuộc gọi này tôi sẽ chỉ đạo bộ phận chuyên trách nắm bắt thông tin của báo và sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Tinh thần mà Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM quán triệt đó là đấu tranh không khoan nhượng với nạn “cò mồi” bệnh nhân khám bệnh, vì những hành vi này làm xâm hại đến môi trường khám, chữa bệnh lành mạnh, chíh đáng của người dân.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM:

Rất hoan nghênh Báo CATP đã có loạt bài viết về vấn đề này. Đây cũng là câu chuyện nhức nhối mà Sở Y tế TPHCM rất quan tâm, triển khai rất nhiều biện pháp để ngăn ngừa, dẹp bỏ. Trung tâm Chẩn đoán Y khoa Hoà Hảo và những phòng khám đa khoa mà báo nêu trực thuộc thẩm quyền quản lý của Sở. Sở đã lưu ý rất nhiều đến những khu vực này do đây là nơi mà các đối tượng bên ngoài hoạt động “cò mối”, “chăn dắt” bệnh nhân.

Từ trước đến nay, chúng tôi luôn quyết liệt với các hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường khám bệnh lành mạnh của người dân và trên thực tế, chúng tôi xử phạt khá nhiều. Với những nội dung báo nêu, tôi sẽ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn ngay ngày mai có tiếp xúc với phóng viên để nắm bắt cụ thể thông tin, phối hợp để tiếp tục xử lý.

Huỳnh Văn (ghi)

Bình luận (0)

Lên đầu trang