Những “góc khuất” tại Bệnh viện Nhi Đồng 2

Thứ Năm, 22/08/2019 01:45

|

(CATP) Cách đây 3 năm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (BV NĐ2), Sở Y tế TPHCM vướng phải lùm xùm “ép” đưa thuốc vào nhà thuốc BV, buộc thanh tra Sở Y tế TPHCM vào cuộc nhưng đến nay, vẫn chưa thể đưa ra kết luận thuyết phục.

Mới đây, Báo Công an TPHCM nhận được nhiều phản ánh, bức xúc của các bác sĩ, cán bộ đang công tác tại BV này, kèm theo chứng cứ. Có chăng còn tồn tại những góc khuất bị che giấu?

KỲ 1: PHÍA SAU NHỮNG CUỘC THANH, KIỂM TRA BẤT THƯỜNG

Sau đề xuất thành lập Hội đồng quản lý Nhà thuốc với thành viên là tất cả các trưởng khoa, phòng và nhân viên có nhiệm vụ liên quan nhằm đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong giám sát quá trình đấu thầu thuốc tại BV Nhi Đồng 2, một nữ trưởng khoa đã vướng vào cuộc thanh tra, rồi bị kỷ luật cách chức, với nhiều kết luận chưa thấu tình, đạt lý.

Cuộc thanh tra bị "tuýt còi"

Ngày 8-5-2018, dược sĩ Đoàn Vân Tuyền (thời điểm đó là Trưởng khoa Dược BV Nhi Đồng 2, nay đã xin nghỉ) bất ngờ nhận quyết định thanh tra đột xuất hoạt động của Khoa Dược, do ông Trịnh Hữu Tùng (Giám đốc BV Nhi Đồng 2) ký.

Dù quyết định công bố thời hạn thanh tra là 15 ngày, nhưng đến 6 tháng sau mới đưa ra kết luận chính thức, trong đó xác định Khoa Dược có nhiều sai phạm.

Dựa vào kết luận này, ngày 2-1-2019, Giám đốc BV Nhi Đồng 2 Trịnh Hữu Tùng ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ Trưởng khoa Dược đối với dược sĩ Tuyền trong vòng 15 ngày, nhưng không ghi rõ lý do. Tám ngày sau, ông Tùng ký quyết định kỷ luật cách chức đối với dược sĩ Tuyền.

Cho rằng quyết định kỷ luật không thuyết phục, dược sĩ Tuyền phản ứng quyết liệt. Theo nữ dược sĩ này, cuộc thanh tra trên đã bị “sai từ gốc”.

Cụ thể, việc thành lập “Ban thanh tra thủ trưởng” (với thành viên là bác sĩ, cán bộ trong BV Nhi Đồng 2) để thanh tra Khoa Dược là không đủ cơ sở pháp lý, bởi họ chưa đủ năng lực để tiến hành một cuộc thanh tra, vì chưa được bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra theo quy định tại Điều 6, Thông tư 17/2009/TT-BYT. Do đó, kết luận thanh tra sẽ khó chuẩn xác, dễ dẫn đến sai sót.

Mặt khác, cấp BV chỉ được phép báo cáo, kiến nghị, chứ không có thẩm quyền kết luận. Nhưng ở vụ này, ông Trịnh Hữu Tùng đã ký duyệt Văn bản số 116/KL-NĐ2 ngày 8-11-2018, kết luận nhiều nội dung, cho rằng Khoa Dược đã để xảy ra hàng loạt sai phạm.

Báo Công an TPHCM nhận được nhiều thông tin phản ánh của các bác sỹ, cán bộ đang công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 với nhiều nội dung bức xúc

Duyên cớ dẫn đến cuộc thanh tra trên được cho là do “Trưởng khoa Dược đã tham mưu, tư vấn việc thành lập Hội đồng nhà thuốc BV (trích nguyên văn văn bản của BV - PV) là không đúng quy định của Bộ Y tế”.

Phản biện lại, dược sĩ Tuyền phân tích: Sở dĩ chị tham mưu thành lập Hội đồng quản lý Nhà thuốc là vì thời điểm đó, BV Nhi Đồng 2 khuyết chức danh giám đốc, chỉ có phó giám đốc phụ trách quản lý thuốc. Trong khi theo Thông tư 15/2011/TT-BYT, giám đốc BV là người chịu trách nhiệm quản lý Nhà thuốc BV. Trong bối cảnh đó, rất cần một hội đồng gồm tất cả trưởng khoa lâm sàng và phòng chức năng để đảm bảo tính minh bạch, khách quan, phục vụ cho việc giám sát công tác quản lý thuốc.

“Lấy cớ thành lập Hội đồng quản lý Nhà thuốc là sai phạm để tổ chức cuộc thanh tra nhắm vào cá nhân tôi, rõ ràng là sai từ gốc và cho thấy có sự bất thường. Phải chăng do tôi muốn quy trình quản lý thuốc được minh bạch hơn, đã đụng chạm tới “nhóm lợi ích” nào đó, nên mới có cuộc thanh tra này để hạ bệ tôi?” - Dược sĩ Tuyền nghi vấn.

Kết luận thanh tra còn cho rằng, dược sĩ Tuyền đã sai khi “lập danh mục thuốc của Nhà thuốc Khoa Dược không thông qua Hội đồng thuốc BV”. Về nội dung này, dược sĩ Tuyền cho là có dấu hiệu vu khống.

Chị đưa ra “Biên bản họp thông qua kết quả danh mục thuốc tại BV Nhi Đồng 2” (ngày 3-5-2017) để chứng minh. Trước cuộc họp này, các thành viên nhận được một bộ hồ sơ đóng góp ý kiến, trong đó có ghi rõ “danh mục thuốc của Nhà thuốc BV”.

Có đến 20/22 thành viên đã ký xác nhận có nhận được tài liệu danh mục thuốc và ký tên nhưng kết luận lại xác định “không thông qua Hội đồng thuốc BV”

Theo xác minh của chúng tôi, có đến 20/22 thành viên ký xác nhận là đã nhận được tài liệu danh mục thuốc. Các thành viên này còn ký nhận nộp lại văn bản đóng góp ý kiến.

“Nếu danh mục thuốc không thông qua Hội đồng thuốc của BV thì làm gì tôi có được những văn bản ký nhận như trên? Tôi không hiểu khi đưa ra kết luận cho sai phạm này, liệu “Ban thanh tra” của BV có tham khảo những chứng cứ trên hay chưa? Họ kết luận dựa vào cơ sở nào và việc kết luận sai sự thật nhắm vào tôi có động cơ gì?” - Dược sĩ Tuyền thắc mắc.

Hồ sơ phóng viên Báo Công an TPHCM tiếp cận còn cho thấy hàng loạt bất cập, mâu thuẫn khác trong cuộc thanh tra này. Dược sĩ Tuyền đã gửi đơn phản ánh hàng loạt dấu hiệu vi phạm lên Sở Y tế TPHCM, dẫn đến việc Sở này “tuýt còi”, thành lập một đoàn thanh tra khác để... thanh tra lại cuộc tranh tra trên.

Người phát giác sai phạm lại... "mang vạ"

Khi vụ dược sĩ Tuyền còn chưa giải quyết xong, thì BV Nhi Đồng 2 lại diễn ra vụ lùm xùm khác. Lần này là chuyện ở Khoa Xét nghiệm huyết học (XNHH) và người bị “vạ” là bác sĩ Nguyễn Văn Tân Minh (lúc đó là Trưởng Khoa XNHH, nay đã xin nghỉ). “Rút kinh nghiệm” từ vụ trước, đến vụ của Khoa XNHH, cuộc thanh tra đã được đổi thành... kiểm tra.

Cuối năm 2017, bác sĩ Minh phát hiện quy trình khám bệnh - tính tiền - thống kê - xét nghiệm ở BV Nhi Đồng 2 đang tồn tại một lỗ hổng rất lớn, dễ gây ra thất thoát. Thấy bất ổn, bác sĩ Minh báo cáo việc này trong các cuộc họp Ban giám đốc (do bác sĩ Trịnh Hữu Tùng chủ trì), tổng kết năm và báo cáo bằng nghị quyết trong Chi bộ. Thế nhưng suốt thời gian dài, BV vẫn chưa khắc phục.

Lo ngại của bác sĩ Minh hoàn toàn có cơ sở, khi hơn nửa năm sau (ngày 20-10- 2018), ở Khoa XNHH của BV xảy ra một vụ mất “test” xét nghiệm NS1Ag (test xét nghiệm phát hiện virus sốt xuất huyết). Số lượng bị mất theo thống kê chưa chính xác của bộ phận tài vụ là 148 hộp (một hộp có 25 test, giá nhập vào là 2.493.750 đồng). Lập tức, bác sĩ Minh bỏ công điều tra. Ba ngày sau, nghi phạm được xác định là nhân viên Đ.Q.N. của khoa này.

Hơn một tháng sau, ngày 21-12-2018, BV Nhi Đồng 2 thành lập đoàn kiểm tra đột xuất đối với Khoa XNHH. Sau 4 tháng, cuộc kiểm tra này mới đưa ra kết luận, xác định nhân viên Đ.Q.N. đã thừa nhận hành vi lấy trộm test để bán ra ngoài.

Trách nhiệm quản lý của người đứng đầu Khoa XNHH là không thể nào tránh khỏi. Ngày 7-6-2019, BV Nhi Đồng 2 đã họp Hội đồng kỷ luật, kết luận bác sĩ Minh “Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng”. Dựa vào cơ sở trên, Giám đốc BV Nhi Đồng 2 ra quyết định cách chức bác sĩ Minh.

Nhưng ít ai biết, phía sau vẫn còn nhiều tình tiết khác chưa được xem xét khách quan trước khi đưa ra kết luận, dẫn đến việc quyết định cách chức bác sĩ Minh trở nên khó thuyết phục.

Kết luận kiểm tra xác định trách nhiệm của BS Nguyễn Văn Tân Minh là “quản lý chưa chặt chẽ” (số 1) nhưng khi ra hội đồng kỷ luật lại bị thay thế bằng “không hoàn thành nhiệm vụ” (số 2) (!)

Theo xác minh của chúng tôi, kết luận kiểm tra trước đó nêu trách nhiệm của Trưởng khoa Nguyễn Văn Tân Minh là “chưa quản lý chặt chẽ”. Nhưng không hiểu dựa vào đâu, cuộc họp của Hội đồng kỷ luật lại cho rằng bác sĩ Minh “không hoàn thành nhiệm vụ quản lý để gây ra hậu quả nghiêm trọng mà không có lý do”, để có đủ cơ sở cách chức bác sĩ Minh theo Khoản 1, Điều 12, Nghị định 27/2012/NĐ-CP?

Tài liệu chúng tôi nghiên cứu cho thấy, đã phát sinh mâu thuẫn trong cách đối chiếu quy định pháp luật để xử lý kỷ luật bác sĩ Minh, có khả năng làm lệch tính khách quan trong vụ việc. Theo Nghị định 56/2015/NĐ- CP, muốn xác định một cán bộ có “hoàn thành nhiệm vụ quản lý” hay không thì không đơn giản chỉ dựa vào một cuộc họp nội bộ, mà phải thông qua cấp ủy Đảng, tập thể khoa, công đoàn... ở BV để đánh giá quá trình công tác dài kỳ và phải bỏ phiếu biểu quyết.

Tuy nhiên, BV Nhi Đồng 2 chỉ dựa trên kết luận kiểm tra trước đó để đánh giá bác sĩ Minh “không hoàn thành nhiệm vụ”, rõ ràng là chưa thực hiện đầy đủ quy trình trước khi có quyết định xử lý kỷ luật cán bộ.

Bằng chứng cho thấy BS Minh điều tra ra thủ phạm của vụ mất cắp và thu hồi lại tài sản đã bị lấy cắp

Chưa hết, việc quy kết bác sĩ Minh “không hoàn thành nhiệm vụ gây ra hậu quả nghiêm trọng” được cho là không đúng bản chất vụ việc. Do đó, có khả năng kết luận và mức kỷ luật đối với bác sĩ này cũng không chuẩn xác.

Bác sĩ Minh lập luận, nếu anh thông đồng hoặc biết mà cố tình làm lơ, tạo điều kiện cho nhân viên N. lấy cắp test đem bán thì mới là “gây ra hậu quả nghiêm trọng”.

“Có quản lý mới phát hiện việc mất “test” để báo cáo. Khi điều tra ra người lấy cắp, tôi đã động viên N. nộp lại toàn bộ số tiền thất thoát để khắc phục hoàn toàn hậu quả đã gây ra, nên càng không thể kết luận tôi “gây hậu quả nghiêm trọng” để cách chức. Lý do bị mất cắp “test” xét nghiệm ở đây không hoàn toàn nằm ở vai trò quản lý của tôi, mà phần lớn là do quy trình có kẽ hở của hệ thống khám bệnh - tính tiền - thống kê - xét nghiệm của BV. Những tình tiết đó đều không được xem xét thấu tình, đạt lý thì thử hỏi, việc xử lý cán bộ có khách quan?” - bác sĩ Minh nói.

Quy trình có kẽ hở của BV Nhi Đồng 2, theo tài liệu chúng tôi thu thập được, có thể hình dung đó là một hệ thống quản lý không được giám sát liên thông, không được kiểm soát định kỳ, các phòng, ban không thể kiểm tra chéo lẫn nhau. Khi xảy ra sự cố, khó ai có thể kiểm chứng lại số liệu đã lưu trữ một cách chính xác tuyệt đối.

Chưa biết đúng sai ra sao, nhưng trước mắt, cái kết nói trên đã khiến một bác sĩ xưa nay chuyên tâm cống hiến cho chuyên môn bị “sốc nặng”, khi anh phải chịu trách nhiệm quá nặng nề đối với vụ việc mà chính anh phát giác, báo cáo tập thể và điều tra ra kết quả.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang