Rớt nước mắt bữa cơm của học sinh vùng cao

Chủ Nhật, 15/04/2018 17:46

|

(CAO) Bữa cơm trưa chỉ có nắm cơm trắng trộn muối, vài cọng rau hoặc gói mì tôm sống, vậy mà các em học sinh (HS) của Trường tiểu (TH) học La Văn Cầu vẫn ngồi ăn ngon lành.

Mặc dù hình ảnh ấy đã trở nên quen thuộc với HS nơi đây, nhưng nhìn bữa trưa đạm bạc ấy, những người đến thăm trường không khỏi xót xa.

Nhói lòng bữa cơm trưa

Chúng tôi đến thăm ngôi trường nằm dưới thung lũng giữa những ngọn núi ở xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long, Đắk Nông vào một ngày thượng tuần tháng 4-2018 đầy nắng gió. Được thành lập cách đây 8 năm, đây là cái nôi để hàng trăm học sinh người đồng bào Mông đi tìm những con chữ đầu tiên trong cuộc đời.

Em Giàng Thị Lý và gói bún trắng trộn tương và 1 lát đậu nhỏ

Gần 11 giờ trưa, hồi trống tan học của trường vừa kịp vang lên cũng là lúc chúng tôi bắt gặp không ít hình ảnh xót xa về bức tranh nghèo khổ của học sinh nơi đây. Dưới cái nắng gay gắt, nhiều học sinh chân đất, đầu trần, khuôn mặt lem luốc hối hả tìm cho mình một góc mát để ăn trưa.

Nắm tay em trai ra chiếc ghế đá ngoài sân trường, em Ma Thị Dem (học sinh lớp 3B) mở cặp lôi ra một gói mì tôm sống rồi chia cho Ma A Phong (em trai của Dem, học sinh lớp 1B) ăn ngấu nghiến. Chưa kịp ăn hết miếng mì tôm chị đưa, A Phong lập tức quay mặt đi, rồi ra hiệu cho Dem giấu gói mì tôm vào cặp như cố tình che giấu về hoàn cảnh của mình.

Gặng hỏi mãi, Dem cũng chịu bộc bạch về hoàn cảnh của mình. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo của xã, bố mẹ quanh năm với nương rẫy nhưng chẳng đủ mua gạo ăn. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, mỗi sáng, hai chị em Dem đều nhịn đói đến trường để dành gói mì tôm trị giá 2.000 đồng cho bữa trưa ở lại. Có hôm không có tiền, mẹ dậy sớm chuẩn bị cho hai chị em một gói cơm trắng với gói muối mì tôm mang theo ăn. Nói đến đây, Dem mở cặp lôi gói mì tôm ra lại rồi giục A Phong ăn cho khỏi đói.

Ngồi cạnh chị em Dem, em Giàng Thị Lý (trú thôn 7, xã Đắk R’Măng) nở nụ cười rạng rỡ khi cầm trên tay gói bún trắng, một lát đậu khuôn to bằng hai đầu ngón tay ghép lại và vài giọt tương ớt phủ lên trên. Là con út trong gia đình có 7 anh chị em, từ nhỏ Lý đã quá quen với những bữa cơm không thịt, không cá, thậm chí cơm cũng chẳng đủ no. Với Lý, sáng nay được mẹ cho 2.000 đồng để mua gói bún đạm bạc đã là hạnh phúc lắm rồi.

Nhiều học sinh ăn vội bữa trưa đạm bạc

Không chỉ em Lý, gói bún trắng với tương ớt và 1 lát đậu khuôn nhỏ là bữa ăn trưa “tươm tất” của rất nhiều học sinh nơi đây. Vừa vội bốc bún cho học sinh, người phụ nữ bán bún cho biết: “Học sinh ở đây nghèo lắm. Thấy tụi nhỏ đói, khổ nên tôi vừa bán vừa khuyến mãi, có khi cho không lấy tiền, chứ có ai bán 2.000 đồng một gói bao giờ. Nhìn tụi nhỏ ăn ngấu nghiến, không một chút đòi hỏi hay than thở, bản thân tôi không khỏi xót xa nhưng chẳng đủ điều kiện để giúp đỡ các cháu”.

Ở một vị trí khác, hai đứa trẻ khép mình trong góc một phòng học rồi dùng tay bốc cơm trắng trộn muối từ trong hộp nhựa để ăn. Các em là Giàng Thị Sinh (học sinh lớp 4C) và Giàng Thị Thư (em gái Sinh). Do nhà xa trường học nên mỗi buổi trưa sau khi tan học, Sinh đều thay bố mẹ sang trường mẫu giáo bên cạnh dẫn em Thư về lớp học để cùng nhau ăn trưa. Bữa cơm trưa của chị em Sinh cũng chỉ có cơm trắng trộn muối và vài cọng rau xanh nhanh chóng hết veo.

Gian nan sự học

Có mặt tại Trường tiểu học La Văn Cầu trong bữa cơm trưa đạm bạc của các học sinh, anh Vàng A Dính (SN 1977, trú thôn 6, xã Đắk R’Măng) chia sẻ: “Hầu hết người dân nơi đây đều có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn, sinh sống chủ yếu bằng việc trồng cây mì, bắp (ngô). Nguồn thu nhập từ việc trồng cây ngắn ngày chẳng đủ chi phí mua gạo ăn nên hiếm khi chúng tôi nghĩ đến một bữa ăn ngon đúng nghĩa cho cả gia đình”.

Với mong muốn các con được ăn no mỗi khi đến trường, vợ chồng anh Dính cố gắng làm lụng quanh năm nhưng mỗi tháng cũng chỉ mua được 2 lần thịt, có tháng không có nổi một bữa cơm với thịt. Vì nhà cách trường hơn 6km nên hôm nào 3 đứa con ở lại học buổi chiều, vợ chồng anh Dính cũng dậy sớm chuẩn bị 1 gói cơm trắng trộn muối để các con ăn trưa.

Hai chị em Giàng Thị Sinh bốc cơm trắng cho nhau ăn

Khi có tiền, mỗi cháu sẽ được cho 2.000-3.000 đồng để ăn trưa thay cơm. Sống triền miên trong sự thiếu thốn, đói nghèo, nhiều học sinh nơi đây buộc phải nghỉ học ở nhà làm nương rẫy. Thế nhưng, các bậc phụ huynh và nhà trường cương quyết tìm cách gạt đi những suy nghĩ bỏ cuộc và động viên các em cố gắng học lấy cái chữ để làm hành trang cho tương lai.

Cũng xuất phát từ ý nghĩ học chữ thoát nghèo, nhiều năm nay hai em Giàng Thị Ly và Giàng Thị Dế (đều là học sinh lớp 4C) đều thức dậy từ lúc 4 giờ sáng chuẩn bị đến trường. Thương cha mẹ vất vả với công việc nương rẫy hàng ngày, Ly và Dế tự nấu cơm mang đi học. Bữa trưa của các em có chút rau xanh, gói muối mì tôm và cơm trắng, em đựng trong chiếc hộp nhựa rồi bịch ni lông để dễ dàng mang theo. Phần cơm trưa nguội ngắt khiến cho các em nhiều lần chảy nước mắt vì nghẹn.

Không chỉ ăn uống thiếu thốn, từ nhỏ hai em Vàng Thị Pàng (lớp 4) và Vàng Thị E (lớp 1, em gái của Pàng) đã phải sống chung với căn bệnh bạch tạng. Căn bệnh đã khiến cho chị em Pàng gặp nhiều khó khăn trong việc học tập, tiếp thu bài giảng. Thế nhưng, mỗi ngày hai chị em vẫn dìu dắt nhau đến ngôi trường quen thuộc học chữ.

Những phần cơm trắng nguội ngắt của học sinh làm nhói lòng người chứng kiến

Cũng giống như hầu hết học sinh trong ngôi trường tiểu học này, chị em Pàng bằng lòng với hoàn cảnh của mình, không một lời đòi hỏi. Thậm chí, khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, các em ngơ ngác, cười bẽn lẽn. Có lẽ, sống trong sự thiếu thốn, đói khổ đã lâu thì ước mơ là điều quá xa xỉ với những đứa trẻ người Mông nơi đây.

Thầy Hà Hữu Phong – Hiệu trưởng Trường tiểu học La Văn Cầu cho hay: “Trường có tất cả 673 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó có 98% học sinh người Mông. Một số trường hợp nhà cách xa trường tới gần 10km nên các em phải dậy sớm đi bộ từ 5 giờ sáng đến trường. Hơn nữa, hầu hết phụ huynh đi làm nương rẫy cả ngày nên các em đến trường từ sáng, mang cơm theo ăn tại trường đợi chiều mới học. Các năm trước, nhiều đoàn từ thiện về trường phát cặp lồng đựng cơm cho học sinh.

Thế nhưng, các em không chịu bỏ cơm vào cặp lồng mà cho vào túi ni lông để mang đi cho gọn nhẹ. Bên cạnh đó, dù hàng tuần nhà trường và các giáo viên đều nhắc nhở nhưng nhiều em vẫn đến lớp bằng chân đất và dùng tay bốc cơm ăn. Thậm chí, trường chuẩn bị cho các em nhà ăn, chỗ nghỉ trưa nhưng các em lại thích ngồi dưới gốc cây, ghế đá để ăn trưa”.

Hai chị em Ma A Phong và gói mì tôm sống ăn trưa

Theo Phó chủ tịch UBND xã Đoàn Công Hoàng, Đắk R’Măng là xã nghèo, hầu hết là đồng bào Mông từ phía Bắc di cư vào sinh sống. Nhiều gia đình sinh con đông nên kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo toàn xã chiếm 67,81%. Thời gian qua, đối với những học sinh tiểu học có nhà cách trường từ 4km trở lên đều được nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước với số lượng 15kg/tháng.

Đồng thời, hàng năm những học sinh thuộc diện hộ nghèo cũng được miễn giảm các khoản đóng góp và được hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập. Do địa phương không có ngân sách nên hiện nay UBND xã đang xin ý kiến cấp trên phối hợp với một đơn vị từ thiện và nhà trường tìm phương án hỗ thức ăn mặn trong bữa cơm trưa hàng ngày cho các em học sinh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang