Gia Lai:

Vụ tranh chấp đất ở Gia Lai: Cần sự công bằng giữa 2 hộ dân

Thứ Hai, 20/03/2017 09:34

|

(CAO) Một mảnh đất nhỏ nhưng cả 2 bên đều có giấy sang nhượng, hoán đổi. Bên có xác nhận của chính quyền địa phương, bên thì không. Vậy nhưng, bất ngờ là bên không có “dấu đỏ” xác nhận, nhân chứng yếu lại được… bảo vệ (!?).

Vụ việc không lớn, nhưng thể hiện sự ứng xử thiếu công bằng của chính quyền địa phương, khiến nhiều người không “tâm phục, khẩu phục”!

Không chấp hành quyết định đình chỉ thi công

Ông Lê Văn Thành (SN 1954, trú phường Yên Đổ, TP. Pleiku, Gia Lai) trình bày: Căn nhà ông xây từ năm 1988, có mặt tiền hướng ra đường Tô Hiến Thành. Năm 1989, vợ chồng ông mua một đám đất sát bên cạnh, chiều ngang 1m, dài 25m (phía sau bị túm hậu còn khoảng 40cm) để làm đường luồng ra vào phía sau nhà.

Miếng đất trên dù ông không kê khai vào “bìa đỏ” nhà, nhưng được sang nhượng đàng hoàng, có giấy xác nhận của chính quyền địa phương. Sau hơn 28 năm yên ổn, năm 2015, ông Nguyễn Minh Đường (hàng xóm) mua miếng đất 120m2 bên kia đường luồng thì xảy ra tranh chấp.

Theo đó, khoảng đầu tháng 5-2016, ông Đường tiến hành xây nhà thì con đường luồng bỗng “bốc hơi”. Quá trình thi công phần móng, ông Đường làm đúng theo thiết kế xây dựng được cấp là 120m2 (mặt trước 4,9m, mặt sau 4,6m). Nhưng khi ông Đường đổ dầm, trụ và lên tầng thì cố ý lấn hết luôn cái đường luồng nhà ông Thành. Lúc này, mặt trước nhà ông Đường 5,8m, mặt sau 5m. Ông Thành phản ứng, nhưng ông Đường vẫn tiếp tục đổ mê tầng tiếp theo nên ông Thành đã gửi đơn khiếu nại lên các cấp.

Căn nhà ông Đường (trái) được cho là đã lấn chiếm phần đất của ông Thành (phải)

UBND phường Yên Đổ sau đó ra quyết định đình chỉ thi công công trình xây dựng của ông Đường, đồng thời đề nghị UBND TP. Pleiku ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ. Ông Đường không chấp hành mà tiếp tục hoàn thành căn nhà. Tại UBND phường, ông Đường thừa nhận đã thi công sai với giấy phép xây dựng được cấp.

Về phần đất xây dư ra, ông Đường đưa ra chứng cứ là giấy biên nhận (đánh máy), đề ngày 25-10-2015, giữa ông Đường và ông Tạ Nguyên Tân (ở đường Tô Hiến Thành) lập thỏa thuận 2 bên hoán đổi đất cho nhau để các mảnh đất được vuông vắn. Biên bản này chỉ có chữ ký giữa 2 ông Đường - Tân cùng một số người làm chứng “không phận sự” mà không hề có xác nhận của cơ quan chức năng.

Giấy tờ phía ông Thành gồm có: vào ngày 8-2-1989, vợ ông là bà Hồ Thị Tâm đứng tên sang nhượng con đường luồng này của ông Trần Thanh Sơn, giá 1 chỉ vàng, có xác nhận của UBND phường Yên Đổ.

“Qua thời gian sử dụng làm đường đi chung với nhà ông Sơn nên tôi không kê khai sáp nhập vào bìa đỏ của gia đình. Hiện, nhà ông Sơn đã bán cho người khác và người này bán lại cho ông Đường”. Ông Trần Thanh Sơn, người sang nhượng phần đường luồn cho gia đình ông Thành khẳng định: tôi xác nhận có việc sang nhượng này (giấy viết tay và chứng nhận của chính quyền địa phương). Về sau, tôi có bán nhà lại cho người khác và cũng nói rõ về việc đường luồng đã sang nhượng cho nhà ông Thành.

Cần một phán quyết phù hợp

Ngày 8-7-2016, cán bộ UBND phường Yên Đổ cho rằng ông Thành đã sáp nhập phần đất mua của ông Sơn vào lô đất mua trước đó từ vợ chồng ông Duyên, bà Phục, “bìa đỏ” được cấp vào năm 2007 (bề ngang mặt tiền là 4,2m). Ông Thành giải thích: “Lô đất này tôi mua từ vợ chồng ông Nguyễn Văn Duyên, bà Nguyễn Thị Thu Phục có bề ngang mặt tiền là 4,2m.

Tuy nhiên, vì trước đây nhà khó khăn, muốn trốn thuế nên chúng tôi làm giấy tờ mua bán, ghi bề ngang là 3m. Từ giấy tờ này, tháng 10-1988, tôi làm đơn xin cất căn nhà. Đến năm 2007 mới khai thật để làm bìa đỏ. Do 1m đất mua từ ông Sơn chỉ được dùng làm lối đi nên tôi đã không nhập vào bìa đỏ, đây cũng là vì mục đích muốn né một phần thuế”, ông Thành cam đoan.

Mục sở thị, chúng tôi thấy, căn nhà cấp 4 của ông Thành vẫn còn nguyên vẹn nếp cổ kính, cũ kỹ của kiểu kiến trúc thập niên 90 thế kỷ trước. Ông Thành khẳng định nó được xây dựng từ năm 1988, đến nay vẫn chẳng thay đổi gì. Diện tích đất bề ngang là 4,2m. Nhiều nhân chứng khẳng định, lô đất này do hộ ông Thành sử dụng nhiều năm nay.

Bất chấp việc hộ ông Thành khiếu nại, căn nhà ông Đường vẫn tiếp tục xây lên

Việc ông Tân không liên quan đến mảnh đất này lại có thỏa thuận hoán đổi đất với ông Đường là vô lý. Trong khi việc hộ ông Thành với hộ ông Sơn mua bán con đường luồng này – có xác nhận của chính quyền địa phương thời điểm đó cần phải được coi là chứng cứ quan trọng.

Lẽ ra, phải làm rõ việc này, xem xét ai là chủ nhân đích thực của con đường luồng thì lập thủ tục cấp bìa đỏ cho người dân. Vậy nhưng, tại công văn số 2318 ngày 7-11-2016 do ông Nguyễn Kim Đại - Phó chủ tịch UBND TP.Pleiku ký cho rằng, ông Thành khiếu nại không có cơ sở.

Ông Đường được cấp bìa đỏ đúng quy định pháp luật; ngoài ra ông Đường còn sử dụng 1 phần diện tích nằm ngoài bìa đỏ do hoán đổi đất với ông Tân. Ông Đường đã không xây dựng đúng với giấy phép xây dựng mà xây dựng trên phần đất hoán đổi của ông Tân nằm ngoài giấy chứng nhận được cấp…” – công văn nêu, đồng thời hướng dẫn hai bên đưa sự việc ra tòa án giải quyết.

Nhiều luật sư cho rằng, biên bản hoán đổi đất giữa ông Đường với ông Tạ Nguyên Tân không hề có giá trị pháp lý, do đó việc ông Đường chiếm dụng con đường luồng này lại được chính quyền TP.Pleiku bảo vệ là không công bằng.

Còn ông Thành, do chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đường luồng nên việc UBND TP.Pleiku hướng dẫn đưa vụ việc ra tòa án giải quyết là không đúng quy định. Ông Đặng Ngọc Thắng – Chủ tịch UBND phường Yên Đổ cho biết: “Đích thân tôi đã nhiều lần gặp riêng, khuyên ông Đường đến thỏa thuận với gia đình ông Thành để giải quyết êm xuôi vụ này nhưng ông Đường không đồng ý”.

Ông Thành cho biết, vì quyền lợi của mình, sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang