Chiều 19/7, sau 3 ngày xét xử sơ thẩm và nghị án, TAND TPHCM đã tuyên phạt các bị cáo trong vụ án nhập lậu hơn 6 tấn vàng từ Campuchia vào Việt Nam tiêu thụ.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thị Minh Phụng (SN 1981, ngụ Quận 5) 18 năm tù, Nguyễn Thị Ngọc Giàu (SN 1980, ngụ Tây Ninh) 18 năm tù, Nguyễn Thị Kim Phượng (SN 1985, ngụ Tây Ninh, em gái Giàu) 15 năm tù và 21 bị cáo khác bị tuyên mức án từ 4 đến 13 năm tù cùng về tội "Buôn lậu”. Đồng thời, tòa tuyên buộc các bị cáo phải nộp phạt bổ sung từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
HĐXX cho rằng hành vi của các bị cáo đúng như cáo trạng truy tố, xâm phạm các quy định về quản lý nhập khẩu vàng, gây tác hại đến sự ổn định hoạt động kinh doanh vàng, phạm tội hai lần trở lên. Các bị cáo đã phạm tội buôn lậu với tình tiết trị giá hơn 1 tỷ đồng, cần xử nghiêm minh để răn đe.
Bị cáo Phụng (ngoài cùng bên trái) bị tuyên mức án 18 năm tù
Đối với bị cáo Phụng, vai trò chủ mưu, hàng hoá phạm pháp lớn nên cần áp dụng mức hình phạt cao hơn các bị cáo khác. Các bị cáo đồng phạm giúp sức cho Phụng, Phượng buôn lậu vàng, trong đó Giàu có vai trò cao nhất, nên cũng cần xử phạt bị cáo này nghiêm hơn các bị cáo khác.
Tuy nhiên, tại CQĐT, tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai báo, đã nộp một phần khắc phục hậu quả, gia đình có công cách mạng cũng cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Về trách nhiệm dân sự buộc các bị cáo phải nộp lại tiền thu lợi bất chính.
Theo cáo trạng, tại đường Hồng Lạc, Phường 14, quận Tân Bình, ngày 28/9/2022, Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an bắt giữ Nguyễn Quí Trường, Ngô Đình Đạt, Nguyễn Trần Châu Phát, Châu Phúc Thiên, thu giữ 63 thỏi kim loại màu vàng có tổng trọng lượng 63kg, cùng các phương tiện vận chuyển.
Mở rộng điều tra, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp tại các địa điểm là nơi ở, nơi làm việc, cửa hàng vàng của các đối tượng liên quan tại tỉnh Tây Ninh và TPHCM; qua đó đã thu giữ được 13 thỏi vàng có tổng trọng lượng 13kg; tiền ngoại tệ gồm 2,9 triệu đô la Mỹ, 63.900 Euro, 5.000 đô la Úc, 10 triệu Won Hàn Quốc, 10 triệu Yên Nhật và 45 tỷ đồng tiền Việt Nam cùng máy tính, thiết bị, sổ sách, tài liệu, chứng từ, công cụ, phương tiện chế tác vàng…
Hồ sơ vụ án thể hiện, Nguyễn Thị Minh Phụng từng có thời gian làm nhân viên tiệm vàng, kinh doanh tự do vàng bạc, thu đổi ngoại tệ nên quen biết nhiều người kinh doanh lĩnh vực mua bán vàng tại TPHCM, Tây Ninh và Campuchia.
Năm 2022, nhận thấy giá vàng trong nước cao hơn giá vàng Campuchia, Phụng thiết lập, điều hành đường dây mua bán vàng thỏi nhập lậu từ Camphuchia về VN thông qua cửa khẩu Chàng Riệc, Tây Ninh với nhiều đối tượng tham gia, có sự phân công từng công đoạn, được tổ chức chặt chẽ từ khâu mua, vận chuyển đến tiêu thụ.
Trong đó, Phụng là người tiếp nhận nhu cầu của khách hàng mua trong nước, sau đó liên hệ với các đối tượng tại Campuchia để đặt số lượng mua. Phụng thỏa thuận, thống nhất để Nguyễn Thị Ngọc Giàu, cư dân biên giới sinh sống tại khu vực cửa khẩu Chàng Riệc, Tây Ninh tổ chức vận chuyển tiền thanh toán mua vàng lậu từ Tây Ninh sang Campuchia và vận chuyển vàng từ bên đó về Tây Ninh để giao cho nhóm người của Phụng.
Phụng giao cho nhóm Nguyễn Quí Trường vận chuyển vàng lậu/chuyển tiền từ Tây Ninh về TPHCM và ngược lại.
Cáo trạng xác định từ ngày 3/8 đến 28/9/2022, Nguyễn Thị Minh Phụng sau khi thống nhất với Ngọc Giàu đã liên hệ với các tiệm vàng bên kia biên giới gom vàng, tổ chức người vận chuyển về cửa khẩu Chàng Riệc. Lợi dụng chính sách cư dân biên giới cho phép các phương tiện của cư dân thường xuyên qua lại cửa khẩu vì nhu cầu sinh hoạt không bắt buộc phải kiểm soát hải quan, các đối tượng đã cất giấu vàng dưới sàn xe ba gác chở đá lạnh uống nước để đưa vàng qua biên giới. Chỉ trong thời gian ngắn này, Phụng đã lôi kéo 20 người tham gia, buôn lậu 4.830 kg vàng thỏi, trị giá hơn 6.600 tỉ đồng.
Cũng bằng phương thức, thủ đoạn tương tự với Phụng, trong vụ án này có thêm đường dây thứ 2, do Nguyễn Thị Kim Phượng, em gái của Giàu cầm đầu, móc nối với Giàu và lôi kéo 5 người khác tham gia, buôn lậu 1.320 kg vàng thỏi, trị giá hơn 1.800 tỉ đồng, trong thời gian từ ngày 16/7 đến 28/9/2022.
Các bị cáo tại tòa sáng 19/7
Kết quả điều tra và tài liệu thu thập được thể hiện, số vàng Phụng tổ chức đưa trót lọt từ Campuchia về VN đã được tiêu thụ nhanh chóng. Trong 4.830 kg vàng thỏi, Phụng đã bán lại cho Huỳnh Minh Khánh (tiệm vàng Khánh Kim Loan) 560 kg, Nguyễn Thị Minh (tiệm vàng Kim Hiền Bình Minh) 268 kg, Đặng Thị Thanh Hằng (Hà Nội) 294 kg, 36 khách hàng khác 1.828 kg; bán cho khách lẻ không xác định được lai lịch là 1.804 kg; còn lại 76 kg cơ quan điều tra đã phát hiện, khám xét tạm giữ.
Bên cạnh đó, trong sổ sách ghi chép lại của nhóm bị can Phụng, có một số khách hàng mua vàng lậu của Phụng, được thể hiện bằng các ký hiệu. Khi xác minh được một số danh tính, CQĐT cho rằng những khách hàng này không biết vàng mua là vàng lậu nên không có căn cứ xử lý hình sự; có 45 tiệm vàng mua vàng lậu của nhóm Nguyễn Thị Thúy Hằng nhưng không xác định được số lượng nên cũng không có cơ sở xử lý.
Việc mua bán vàng thỏi lậu trên, cả đường dây của Phụng thu lợi bất chính hơn 17,6 tỉ đồng, trong đó Phụng hưởng lợi trên 2,4 tỉ đồng, nhóm của Giàu hưởng lợi 13,8 tỉ đồng, nhóm của Nguyễn Qúi Trường hưởng lợi gần 1,5 tỉ đồng.
Liên quan đến sai phạm của các cá nhân thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Chàng Riệc, CQĐT Bộ Công an nhận thấy sai phạm này thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân. Vì vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu có liên quan đến Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.