Đại án đăng kiểm: Các bị cáo được tại ngoại phải có mặt xuyên suốt tại tòa

Thứ Sáu, 19/07/2024 10:49

|

(CAO) Sáng 19/7, ngày thứ 2 xét xử đối với đại án đăng kiểm, chủ tọa Huỳnh Văn Trực thông báo, trong phần xét hỏi, các bị cáo tại ngoại phải có mặt tại tòa. Nếu các bị cáo vắng mặt coi như vắng mặt không lí do.

Sáng 19/7, TAND TPHCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm đối với 254 bị cáo trong vụ án ‘‘Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tham ô tài sản’’ xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Trung tâm Đăng kiểm và Chi cục Đăng kiểm tại TPHCM và các địa phương khác.

Hội đồng xét xử

Do số lượng bị cáo quá đông nên phải mất hơn một ngày phần thủ tục và thẩm tra lý lịch đối với các bị cáo mới được hoàn tất.

Trước khi đại diện VKS công bố cáo trạng, chủ tọa phiên tòa Huỳnh Văn Trực thông báo, trong phần xét hỏi, mỗi ngày HĐXX sẽ tiến hành thẩm vấn đối với 15-30 bị cáo. Do hiện tại, phần lớn các bị cáo đang ở hội trường Trại tạm giam Chí Hòa (T30) nên khi thẩm vấn tới bị cáo nào, HĐXX sẽ có danh sách bị cáo cụ thể gửi cho trại giam để dẫn giải đến tòa.

HĐXX lưu ý, tại phần xét hỏi các bị cáo tại ngoại và luật sư bào chữa cho các bị cáo này phải có mặt tại tòa. Nếu các bị cáo vắng mặt coi như vắng không lí do và nếu luật sư vắng mặt, HĐXX xem như không tham gia phần xét hỏi.

Đại diện Viện kiểm sát tại phiên xử

HĐXX cũng thông báo, kết thúc phần xét hỏi đối với nhóm tội danh nào thì sẽ tiến hành tranh luận, đề nghị mức án đối với nhóm tội danh đó. Nếu luật sư vắng mặt thì HĐXX sẽ không quay lại phần tranh luận.

Đại diện VKS bắt đầu công bố cáo trạng

Theo cáo trạng, các bị cáo là lãnh đạo Cục ĐKVN, lãnh đạo các phòng đến lãnh đạo các trung tâm, chi cục đăng kiểm thuộc Cục ĐKVN thống nhất chỉ đạo các đăng kiểm viên cấp dưới, các nhân viên làm việc ở các trung tâm, chi cục nhận tiền từ các chủ xe, chủ tàu. Các bị cáo đã bỏ qua lỗi, bỏ qua các điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường... trong đăng kiểm, thẩm định hồ sơ thiết kế.

Bị cáo Đặng Việt Hà và các đồng phạm tại tòa
Các bị cáo tại điểm cầu trực tuyến tại trại giam T30

Tuy nhiên, Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà (đều là cựu Cục trưởng ĐKVN), Nguyễn Vũ Hải (cựu Phó Cục trưởng Cục ĐKVN) đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, còn đưa ra chủ trương làm trái quy định và nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn.

Điều này dẫn đến sai phạm, tiêu cực mang tính hệ thống, trong thời gian dài tại các phòng trực thuộc Cục ĐKVN, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm trên cả nước. Cụ thể, Trần Kỳ Hình đã nhận hơn 7,1 tỷ đồng “chung chi” từ thuộc cấp.

Sau khi ông Hình nghỉ hưu, Đặng Việt Hà lên thay cũng đã nhận hối lộ hơn 8,5 tỷ đồng chỉ sau hơn 1 năm nhậm chức...

Bình luận (0)

Lên đầu trang