(CAO) Công ty Nam Thịnh Phát đã lập, mở 55 tờ khai hải quan để nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng về Việt Nam nhưng không trực tiếp sử dụng cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp theo quy định mà bán cho người khác, trị giá hàng hóa vi phạm gần 3 tỷ đồng, thu lợi bất chính gần 58 triệu đồng.
Ngày 7/5, TAND TPHCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Xuân Nam (SN 1990, Giám đốc công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Quốc tế Nam Thịnh Phát) mức án 12 năm tù về tội “Buôn lậu”.

Bị cáo Nguyễn Xuân Nam
Theo cáo trạng, Công ty Nam Thịnh Phát do Nam là Giám đốc chuyên kinh doanh máy móc, thiết bị và phụ tùng máy nông nghiệp.
Từ ngày 12/6/2019 đến ngày 29/10/2019, Công ty Nam Thịnh Phát đã lập, mở 55 tờ khai hải quan để nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng về Việt Nam nhưng không trực tiếp sử dụng cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp theo quy định mà bán cho người khác, trị giá hàng hóa vi phạm gần 3 tỷ đồng, thu lợi bất chính gần 58 triệu đồng.
Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, Nam khai nhận, từ ngày 12/6/2019 đến ngày 29/10/2019, Công ty Nam Thịnh Phát đã đăng ký mở 57 tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP.HCM, hàng hóa khai báo hải quan gồm máy ép thủy lực, máy tiện kim loại, máy cắt kim loại, máy cày dùng trong nông nghiệp, gầu, búa của xe đào bánh xích, lưỡi phay đất của máy cày, xe nâng...
Toàn bộ 57 tờ khai của Công ty Nam Thịnh Phát đã được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan có tổng trị giá hơn 4,4 tỷ đồng.
Số hàng hóa này, Công ty Nam Thịnh Phát bán cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp, có xuất hóa đơn, thu chi tiền và báo cáo thuế đầy đủ, không sử dụng cho hoạt động sản xuất nào của công ty.
Nam là người trực tiếp liên hệ mua máy móc với các công ty tại Nhật Bản. Do cần bản gốc để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu, thanh toán tiền qua nước ngoài nên Nam đã làm giả các chứng từ nhập khẩu gồm Hợp đồng ngoại thương, Invoice/Packinglist, Annex và tự ký giả chữ ký phía bên công ty nước ngoài trên các chứng từ này.
Đồng thời, Nam trực tiếp ký chứng từ để chuyển tiền mua máy móc đã qua sử dụng cho công ty nước ngoài. Khi nhập khẩu hàng hóa về Việt Nam, Nam bán một phần số lượng máy móc đã qua sử dụng cho Mai Anh Tuấn, Nguyễn Sơn Tùng để bán lại cho người khác.
Sau khi Tuấn, Tùng bán xong thì cung cấp thông tin cá nhân mua hàng cho Nam để xuất hóa đơn GTGT. Nam không thỏa thuận trước với Tuấn, Tùng về việc nhập hàng hóa mà sau khi nhập hàng hóa về mới chào bán cho Tuấn, Tùng và những khách hàng khác.
Nam biết rõ quy định việc nhập khẩu máy móc thiết bị, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Tuy nhiên, vì lợi ích cá nhân, Nam đã bất chấp để nhập hàng về bán, thu lợi bất chính gần 58 triệu đồng.
Đối với Mai Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Hưng Thịnh Phát và Nguyễn Sơn Tùng - Giám đốc Công ty Nguyễn Khang Bến Lức, quá trình điều tra xác định các cá nhân có mua máy móc thiết bị, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng của Công ty Nam Thịnh Phát.
Tuy nhiên, không có tài liệu, chứng cứ gì khác chứng minh Tuấn, Tùng đặt hàng hoặc có hành vi đồng phạm cùng với Nam, do đó, chưa đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với Tuấn và Tùng.
Đối với Nguyễn Thị Thanh Thanh - Kế toán Công ty Nam Thịnh Phát, quá trình điều tra xác định, Thanh có giới thiệu Mai Anh Tuấn mua máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng của Công ty này. Nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ gì khác chứng minh hành vi đồng phạm cùng với Nam, do đó chưa đủ cơ sở xem xét hình sự người này.
Đối với các công chức hải quan tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa của Công ty Nam Thịnh Phát thì được biết, quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, các công chức hải quan đã thực hiện đúng quy định với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; do đó, chưa đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự.