Bà Lê Thị Thủy, Phó tổng TTCP chủ trì cuộc họp này.
Theo đó, TTCP nêu rõ: Về quản lý, sử dụng đất đai, UBND tỉnh ra Quyết định số 172/QĐ-UBND ngày 29-9-2003 ban hành Quy chế đầu tư xây dựng khu dân cư có nội dung không phù hợp với Luật Đất đại năm 2003, nhưng không hủy bỏ mà kéo dài hiệu lực thực hiện đến tháng 3-2009.
Đây là nguyên nhân chính để các địa phương không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian dài.
Qua kiểm tra 12 dự án kinh doanh bất động sản và kinh doanh dịch vụ được giao đất với diện tích lớn, nhưng không đúng quy hoạch đã được phê duyệt nên phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch…
Theo TTCP, dự án thành “Bến xe Chín Nghĩa”, là hợp thức hóa việc làm sai của Cty Chín Nghĩa
Theo đó, UBND tỉnh cho cơ chế đặc cách trong việc giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình quân đội tại thị trấn Đức Phổ (huyện Đức Phổ) và phường Quảng Phú (TP. Quảng Ngãi) là không đúng quy định, gây thất thu ngân sách hơn 10,6 tỷ đồng. Trách nhiệm này thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và UBND tỉnh.
Tại dự án xây dựng Đập Dâng hạ lưu sông Trà Khúc, UBND TP Quảng Ngãi ra quyết định thu hồi 172.828m2 đất của 10 hộ dân và phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng với số tiền hơn 5,4 tỷ đồng, nhưng dự án đã dừng triển khai và các hộ dân vẫn tiếp tục sử dụng đất cho đến nay…
Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp (KCN) cũng bộc lộ nhiều bất cập.
Như KCN Tịnh Phong có 17/34 doanh nghiệp (DN) được chấp thuận địa điểm và cho thuê đất, đã sử dụng đất không đúng quy hoạch phân khu chức năng với hơn 25 ha; có 3 dự án đã hợp đồng thuê đất nhưng không triển khai và 2 dự án đã dừng hoạt động nhưng chưa xử lý thu hồi đất.
Khu Kinh tế Dung Quất ban đầu được giao 10.300 ha đất, đến năm 2011, được Thủ tướng Chính phủ có quyết định điều chỉnh mở rộng lên 45.332 ha đất. Song, đến tháng 5-2014, phần diện tích mở rộng chưa được lập quy hoạch, chưa bàn giao đất để thực hiện chức năng quản lý.
Mặt khác, hiện còn 10.752 ha mặt nước không thể hiện trong hồ sơ quản lý của đơn vị này.
Tại dự án KCN Đô thị dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, UBND tỉnh chưa có quyết định giao đất và chưa được bàn giao đất trên thực địa, VSIP đã tiến hành san lấp mặt bằng là không đúng quy định của Luật Đất đai. Trong phần diện tích đã san lấp có 84,5 ha đất trồng lúa của 311 hộ nông dân, nhưng chủ đầu tư chưa lập phương án sử dụng lớp đất mặt đối với đất chuyên trồng lúa theo quy định.
Hay như dự án Trung tâm điều hành dịch vụ vận chuyển hành khách và du lịch lữ hành – kho bãi kết hợp với trung chuyển hàng hóa tại phường Nghĩa Chánh (TP Quảng Ngãi) của Cty TNHH Chín Nghĩa xây dựng bến xe khách trên diện tích đất được giao, là sử dụng đất sai mục đích nhưng chưa được xử lý.
Ngày 9-1-2012, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh tên dự án thành “Bến xe Chín Nghĩa”, là hợp thức hóa việc làm sai của Cty Chín Nghĩa.
Dự án Khu đô thị mới Phú Mỹ do Tổng Cty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm Chủ đầu tư, quá trình xác định giá đất chưa thực hiện đúng Thông tư số 145/TT-BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính. Vì vậy, việc UBND tỉnh phê duyệt số tiền sử dụng đất gồm 267,5 tỷ đồng là không chính xác; do diện tích tăng 58 ha nhưng tiền sử dụng đất lại giảm gần 290 tỷ đồng so với số tiền sử dụng đất được phê duyệt tại Quyết định số 1116/QĐ-UBND ngày 18/8/2010 của UBND tỉnh.
Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, một số dự án có tính cần thiết và cấp bách liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, nhưng chưa được quan tâm đúng mức, không được đầu tư kịp thời, đồng bộ, nhiều hạng mục đầu tư xây dựng dở dang, hiệu quả đầu tư mang lại thấp. Từ 2008 – 2013, UBND tỉnh phê duyệt 78 dự án với tổng mức đầu tư 11.868 tỷ đồng, nhưng chưa được bố trí vốn đầu tư.
TTCP cũng chỉ rõ, trong khi thiếu vốn đầu tư nhưng tỉnh Quảng Ngãi lại để tình trạng đầu tư chưa đúng, đã gây lãng phí lớn. Như Dự án xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng đường 623 (Sơn Tịnh – Sơn Tây) được phê duyệt năm 2010 với tổng kinh phí 963,6 tỷ đồng (do Sở Giao thông Vân tải làm Chủ đầu tư). Đến năm 2011, dự án dừng thực hiện vì tuyến đường này đã được Bộ Giao thông Vận tải quyết định đưa vào đoạn đường của Quốc lộ 24B, làm lãng phí 19,5 tỷ đồng.
Dự án đường (cầu) vào KCN Phổ Phong được UBND tỉnh đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cho dừng thực hiện, chuyển qua giai đoạn chuẩn bị đầu tư và chỉ đạo dừng triển khai khi chưa xác định được Nhà đầu tư và nguồn vốn xây dựng hạ tầng.
Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh vẫn tiếp tục cấp vốn và khởi công công trình vào ngày 1-1-2012, đến nay dự án đã hoàn thành, giá trị khối lượng thi công đạt hơn 54,7 tỷ đồng, nhưng hiệu quả đầu tư không đạt như kỳ vọng, cầu làm xong không thể đưa vào sử dụng, gây lãng phí tiền ngân sách…