Hàng trăm tấn rác hôi thối dồn ứ tại khu kinh tế Dung Quất

Thứ Hai, 17/08/2015 21:18  | Minh Phú

|

(CAO) Kể từ khi người dân bắt đầu ngăn chặn từ ngày 3-8 đến ngày 17-8, chỉ tính riêng khu kinh tế (KKT) Dung Quất, lượng rác sinh hoạt còn dồn ứ tại các khu vực dân cư trên 200 tấn, hàng chục tấn rác nguy hại vẫn phải lưu bãi chứa của các nhà máy.

Dân bức xúc vì xử lý rác độc hại một cách sơ sài

Đã 11 ngày trôi qua thế nhưng việc người dân chốt chặn để ngăn cản không cho chở rác vào bãi xử lý của Khu xử lý và tái chế chất thải Lilama Dung Quất (gọi tắt là khu xử lý Lilama Dung Quất) vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Người dân thôn Đông Bình lập chốt, cắm biển để ngăn cản xe chở rác độc hại vào khu xử lý

Người dân thôn Đông Bình, xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đảm nhận việc đứng canh chừng tại chốt gác tự lập nằm trên con đường độc đạo cách bãi xử lý khoảng 1.000m. Ban ngày do phụ nữ canh chừng, còn buổi tối thì đàn ông và thanh niên canh.

Một số người ở gần đó cho biết: Những ai khi được phân công đảm nhận việc "gác chốt" đều được các hộ dân trong thôn và vùng lân cận góp tiền hỗ trợ, rồi mua cơm nước đem đến.

Rác ùn ứ khắp nơi

Nói về việc ngăn cản nêu trên, người dân thôn Đông Bình tức giận vì khi xây dựng khu xử lý Lilama Dung Quất, phía chủ đầu tư nói là chỉ xử lý rác sinh hoạt cho người dân ở KKT Dung Quất và trong tỉnh. Tuy nhiên, sau đó họ lại cho chở cả rác độc hại từ tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng về nhưng xử lý rất sơ sài, chủ yếu là chôn lấp.

"Thử hỏi nằm ở trên đầu nguồn và xử lý kiểu như vậy thì chất độc thấm vào mạch nước ngầm, theo nước mưa chảy xuống đây, hàng ngàn hộ dân chúng tôi nằm ở phía dưới sống sao nổi? Đã nhiều lần chúng tôi kiến nghị đưa rác thải độc hại đi nơi khác xử lý, họ phớt lờ và còn mở rộng khu xử lý này nữa" - người dân bức xúc cho biết.

Ông Huỳnh Vĩnh Phúc, Giám đốc Khu xử lý và tái chế chất thải Lilama Dung Quất, Công ty cổ phần Cơ - điện - môi trường Lilama (gọi tắt là Cty Lilama EME), đơn vị đảm nhận thu gom và quản lý bãi xử lý này khẳng định: "Việc xử lý các loại rác thải tại đây được chúng tôi thực hiện theo đúng quy định hiện hành và đã được cơ quan chức năng kiểm định, cấp phép chứ không như những gì mà người dân phản ánh".

Hàng ngàn hộ dân chịu trận

Được biết bình quân mỗi ngày số lượng rác được Cty Lilama EME thu gom từ các nơi trong tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng vận chuyển về đây xử lý khoảng 33 tấn/ngày, gồm: rác thải sinh hoạt khoảng 30 tấn, rác thải nguy hại (rác thải y tế, dầu qua sử dụng...) khoảng 3 tấn. Trong đó, lượng rác thu gom ở KKT Dung Quất chiếm trên hai phần ba.

Rác chất cao thành đống bên vệ đường

Kể từ khi người dân bắt đầu ngăn chặn từ ngày 3-8 đến ngày 17-8, chỉ tính riêng KKT Dung Quất thì lượng rác sinh hoạt còn dồn ứ tại các khu vực dân cư trên 200 tấn và hàng chục tấn rác nguy hại vẫn phải lưu bãi chứa của các nhà máy. Rác lâu ngày không được thu gom nên người dân vứt bỏ khắp các tuyến đường.

Tại các khu vực gần dân cư KKT Dung Quất và phía đông bắc huyện Bình Sơn, rác ứ nằm chất đống, kéo dài hàng trăm mét, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ngay sau khi xảy ra vụ việc trên, ngày 12-8, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo UBND huyện Bình Sơn phối hợp với Cty Lilama EME xử lý vụ việc. Thế nhưng đến thời điểm này người dân Đông Bình vẫn cương quyết ngăn cản, yêu cầu Cty Lilama EME phải di dời việc xử lý rác độc hại đi nơi khác.

Người dân tự xử lý rác bằng cách đốt

Được biết trong quá trình ngăn cản xe chở rác vào bãi xử lý mấy ngày trước đó không chỉ có người dân thôn Đông Bình, xã Bình Chánh; thôn Trung An, xã Bình Thạnh (cùng huyện Bình Sơn) mà còn có người dân ở khu vực gần kề thuộc thôn Hòa Đông, xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) tham gia.

Khu xử lý Lilama Dung Quất được đưa vào hoạt động từ năm 2007 với tổng công suất xử lý theo thiết kế đối với rác sinh hoạt từ 50-100 tấn/ngày; đối với rác nguy hại là 25.000 tấn/năm. Trong quá trình hoạt động, nhiều lần khu xử lý này đã bị người dân ở các vùng lân cận trong tỉnh và người dân ở tỉnh kết bên (Quảng Nam) ngăn cản không cho xe chở rác vào bãi để xử lý.

Bình luận (1)

Cảm ơn Báo Công an TPHCM đã lên tiếng giùm nỗi khổ của bà con ở Bình Sơn.

Bạn đọc - Thứ Hai, 17/08/2015, 21:30 Trả lời | Thích
Lên đầu trang