Bệnh viện ngàn tỷ mới sử dụng phải xin 63 tỷ đồng để sửa chữa

Thứ Hai, 22/04/2019 09:57

|

(CATP) Chưa đầy 2 tháng đưa vào sử dụng, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) với kinh phí xây dựng hơn 1.000 tỷ đồng, đã lộ nhiều nhược điểm, lỗi kỹ thuật trong xây dựng cơ bản.

Nhiều dịch vụ không thể vận hành, thậm chí gây mất an toàn đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Lãnh đạo bệnh viện đã làm công văn xin thêm 63 tỷ đồng để sửa chữa.

HY VỌNG LỚN, THẤT VỌNG NHIỀU!

Đắk Lắk và cả 4 tỉnh Tây nguyên còn lại đều có BVĐK cấp tỉnh. Riêng 3 tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, mỗi tỉnh có 2 BVĐK (gồm của nhà nước và tư nhân). Hãn hữu lắm, BVĐK các tỉnh này mới bị rơi vào tình trạng quá tải.

Vậy nhưng năm 2009, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk trình đề án xây dựng BVĐK vùng Tây Nguyên nhằm phục vụ việc khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh, các vùng lân cận và các tỉnh giáp ranh của hai nước bạn Lào, Campuchia. Mục tiêu đề án xây dựng bệnh viện có quy mô hiện đại nhất vùng Tây nguyên, quy mô 800 giường bệnh, 38 khoa, phòng với những trang thiết bị y tế hiện đại. Công trình khởi công năm 2010, do Sở Y tế Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Sau đó, phương án là giải tán BVĐK tỉnh Đắk Lắk (xây dựng từ năm 1924; cải tạo, xây mới năm 1994), chuyển toàn bộ trang thiết bị y tế, đội ngũ y bác sĩ đến bệnh viện mới (BVĐK vùng Tây Nguyên). Việc chuyển đổi này diễn ra ngày 13-2-2019, sau gần 10 năm BVĐK vùng Tây Nguyên khởi công, xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng.

Thế nhưng BVĐK vùng Tây Nguyên hoạt động chưa đầy 2 tháng, thực tế bẽ bàng: hệ thống cơ sở hạ tầng, nhiều dịch vụ thăm, khám chữa bệnh lộ ra điểm yếu, kém chất lượng. Ngoài BVĐK cũ, tại TP. Buôn Ma Thuột nhiều năm qua có Bệnh viện tư Thiện Hạnh, thu hút khá đông bệnh nhân.

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên

Trước đó, từ khi BVĐK vùng Tây Nguyên còn chưa khánh thành, công trình đã xảy ra những lùm xùm, nhập nhèm về tài chính, như việc chủ đầu tư hợp đồng nhập dàn máy vi tính 111 chiếc, giá 23 triệu đồng/chiếc từ năm 2013 để... lưu kho (Báo Công an TPHCM đã có bài phản ánh).

Trong khi đó, BVĐK cũ có vị trí ngay tại trung tâm thành phố, thuận tiện đi lại, quen thuộc với nhiều người, quy mô 800 giường bệnh. Năm 2013, bệnh viện này được công nhận là bệnh viện loại 1 với 1.000 giường bệnh; trong 5 năm (2007 - 2011), liên tục được Bộ Y tế xếp hạng là bệnh viện xuất sắc toàn diện. Vì không có kế hoạch tiếp tục sử dụng, bệnh viện này bị bỏ bê nhiều năm qua, công trình xuống cấp, bị chuyển đến BVĐK vùng Tây Nguyên.

Thang máy chật hẹp khiến việc di chuyển bệnh nhân gặp nhiều khó khăn

HÀNG LOẠT BẤT CẬP GÂY KHÓ CHO BỆNH NHÂN, BÁC SĨ

Theo nhiều người, công trình BVĐK vùng Tây Nguyên có những hạng mục xây dựng bất hợp lý. Ngay lối vào bệnh viện, tại khu vực đăng ký khám chữa bệnh kê nhiều hàng ghế cho bệnh nhân ngồi chờ khám. Mái che được làm bằng kính cường lực, mùa nắng nóng hầm hập, ngày mưa lại bị tạt nước.

Tại hành lang nối các tòa nhà có độ dốc cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, trơn trượt, nguy hiểm cho bệnh nhân và đội cũ cán bộ, công nhân viên của bệnh viện. Bệnh viện khắc phục bằng cách trải thảm chống trượt, nhưng chỉ là giải pháp tạm thời.

Công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy - chữa cháy (PCCC), môi trường, xả thải. Hệ thống PCCC chưa hoàn thiện, hai trụ tiếp nước ngoài trời không có nước, chỗ có nước thì bị rò rỉ. Nhà xử lý rác thải bệnh viện vẫn chưa xây dựng xong, rác mỗi ngày được thu gom, tập kết trước nhà xác, chờ mang đi nơi khác.

Mặc dù chỉ cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột khoảng 3km, nhưng đường vào bệnh viện mới nhiều năm qua chưa xây dựng xong, công trình làm đường còn ngổn ngang, bệnh nhân phải đi vòng.

Hệ thống ống nước của bệnh viện lại quá nhỏ, như cho hộ gia đình

Việc thiết kế công trình không có cầu nối thông các khoa giữa các tầng của 5 tòa nhà. Đường luồng từ trung tâm khoa cấp cứu đến các khoa khác không có mái che, gặp thời tiết xấu rất bất tiện trong việc vận chuyển bệnh nhân hoặc bác sĩ đi lại thăm khám.

Thang máy lại hẹp (2,04m), không đủ chiều dài để vận chuyển giường bệnh (2,2m). Mỗi lần di chuyển bệnh nhân, đến cửa thang máy lại phải khênh bệnh nhân chuyển sang giường nhỏ, rất bất tiện.

Khoa Lây nhiễm lại không có tường cách ly. Khoa Chống nhiễm khuẩn lẽ ra phải xây liên hoàn với phòng phẫu thuật để tránh nhiễm trùng, nhưng lại xây cách xa nhau.

Bệnh viện trang bị hệ thống ôxy hóa lỏng với loại bình chứa nhỏ, thiết bị đầu ra không đồng bộ, của nhiều hãng, phích cắm không phù hợp, gây khó khăn trong vận hành. Hệ thống ống thoát nước quá nhỏ nên thường xuyên bị nghẹt, rò rỉ tại khu vực nhà vệ sinh và thiếu nước nghiêm trọng. Phía sau các dãy nhà D, E, nước thải tù đọng, bốc mùi khó chịu.

Bác sĩ Nguyễn Đại Phong (Giám đốc BVĐK tỉnh Đắk Lắk, nay là BVĐK vùng Tây Nguyên) cho biết, trong 3 năm qua, có tới 61 lá đơn xin nghỉ việc của các bác sĩ (31 bác sĩ biên chế, 30 bác sĩ hợp đồng trong chỉ tiêu xin biên chế).

Nguyên nhân chính do thu nhập thấp, áp lực công việc cao, làm việc trong môi trường căng thẳng, nghỉ để mở phòng khám tư hoặc xin vào làm ở các bệnh viện tư. Bệnh viện đã báo cáo gửi lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế để xem xét, giải quyết. Việc các bác sĩ đồng loạt xin nghỉ làm bệnh viện thiếu hụt nhân lực, gặp khó khăn trong công tác khám chữa bệnh.

Một lãnh đạo BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, đơn vị vừa đề xuất UBND tỉnh bố trí hơn 180 tỷ đồng để sửa chữa những tồn tại trong xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị chuyên môn, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.

Từ dự án đầu tư xây dựng BVĐK vùng Tây Nguyên cho thấy có những lỗ hổng, gây lãng phí, bức xúc dư luận. Nhiều người kiến nghị ngành chức năng vào cuộc điều tra, quy trách nhiệm cụ thể.

Bình luận (0)

Lên đầu trang